Home » Kinh doanh » Cảnh báo từ sự kiện chứng khoán Kim Long
Những công ty có tiềm lực tài chính yếu hoặc thị phần môi giới thấp chưa biết sẽ đi về đâu là dự báo của nhiều chuyên gia tài chính sau sự kiện Công ty chứng khoán Kim Long (KLS) chuyển đổi mô hình hoạt động.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, sự kiện KLS dự kiến thay đổi chiến lược kinh doanh là một cú sốc đối với nhiều nhà đầu tư và cả thị trường nói chung. Ông này còn cho rằng, đây là một lời cảnh báo với hoạt động của các công ty chứng khoán trong điều kiện giá của các cổ phiếu liên tục giảm, khối lượng giao dịch thấp.

Tuy nhiên, vị chủ tịch này cũng nhận định, vào thời điểm hiện nay, kết quả hoạt động kinh doanh của công ty đang bị tách rời với giá cổ phiếu. Vì thế, giá giảm mạnh chưa hẳn do công ty làm ăn quá tệ.

Giao dịch thấp, tự doanh lỗ, các công ty chứng khoán đều gặp khó khăn. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Giao dịch thấp, tự doanh lỗ, các công ty chứng khoán đều gặp khó khăn. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Trong khi đó, lãnh đạo một công ty chứng khoán lớn có trụ sở tại Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, bộ phận môi giới lên tới hàng chục người chủ yếu “ngồi chơi xơi nước” bởi khách hàng giao dịch rất ít. “Dạo này mình suốt ngày vào báo điện tử, lên diễn đàn đọc các thông tin về chăm sóc con cái”, nhân viên môi giới một công ty chứng khoán thuộc top 10 về thị phần giao dịch tiết lộ.

Tổng giám đốc một công ty chứng khoán tại Hà Nội chia sẻ: “KLS là đơn vị dũng cảm nói ra một sự thực đau đớn mà nhiều người cứ lờ đi để làm tiếp. Thực tế, rất nhiều tổ chức chứng khoán nhỏ còn lâm vào tình cảnh khó khăn hơn nhiều do nguồn thu cực ít mà chi phí cố định vẫn như vậy. Những đơn vị này sẽ ra sao trong 6 tháng tới là rất khó trả lời”.

Ông này cho biết, tổng chi phí vận hành tháng của một công ty chứng khoán ít nhất cũng phải cả tỷ đồng gồm trả lương nhân viên, thuê mặt bằng, đường truyền… trong khi doanh thu từ môi giới thì không đáng kể, chưa nói đến việc phải liên tục trích thêm dự phòng giảm giá cổ phiếu bởi khoản tự doanh.

Nguồn tin từ một công ty có thị phần môi giới thuộc top 10 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (tính đến cuối tháng 12/2010) cho biết, phí môi giới trong cả 2 tháng đầu năm 2011 chỉ đạt vài trăm triệu đồng. Trong khi đó, công ty này không có nguồn thu từ tư vấn, tự doanh thì lỗ nặng.

Thành viên hội đồng quản trị một công ty chứng khoán nhỏ tiết lộ, những thành viên sáng lập đang tìm đối tác để bán lại cổ phần bởi không chịu nổi lỗ. “Vốn vài chục tỷ đồng mà với tình hình thế này thì chẳng mấy chốc mất sạch. May là năm trước còn một ít lãi nên cứ cố cầm cự, chứ để lỗ hết vốn thì bán cho người ta cũng khó”, ông này tâm sự.

Tuy nhiên, có những công ty lại tận dụng cơ hội thị trường đi xuống để tái cơ cấu hoạt động. Ông Nguyễn Văn Trung, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Seabank cho biết, hiện nhân viên của đơn vị này rất bận rộn với 2 chương trình lớn. Một là chuyển đổi hệ thống phần mềm lõi, giúp cho việc cung cấp dịch vụ chứng khoán nhanh và thuận lợi hơn trước. Hai là chuyển sang văn phòng mới khang trang, hiện đại hơn.

“Đây là kế hoạch đầu tư đón đầu sự phục hồi của thị trường trong 6 tháng tới. Khi chúng tôi hoàn tất việc chuyển đổi, hệ thống giao dịch mới và nhân viên đã sẵn sàng thì thị trường cũng sẽ ấm lên chứ không như hiện nay”, ông Trung dự báo. Theo giải thích của vị lãnh đạo này, nhờ cổ đông ngân hàng với tiềm lực tài chính mạnh và chiến lược đầu tư đón đầu nên công ty không phải chịu sức ép quá lớn trong bối cảnh hiện nay.

Không giống như Công ty chứng khoán Seabank, cổ đông lớn của một đơn vị khác chia sẻ với VnExpress.net: “Ai chẳng muốn đầu tư đón đầu thị trường nhưng làm thế nào cho hiệu quả là một vấn đề. Với tình hình như hiện nay, việc hăng hái đầu tư cũng khó thuyết phục được đa số cổ đông lớn bỏ thêm tiền vào”. Vị này cho rằng, sau sự kiện KLS, những tháng tới sẽ có nhiều công ty chứng khoán được chào bán bởi hiện tại không ít cổ đông lớn đã chán nản và muốn chuyển sang lĩnh vực khác.

Hoàng Ly

Theo vnexpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc