Home » Thời nay, Văn hóa » Cuốn “sổ đỏ” độc nhất vô nhị

Cuốn “sổ đỏ” đặc biệt này hiện giờ nằm yên vị tại ngôi đình Đông Tác, phường Phương Liên (Đống Đa, Hà Nội).
Trên mảnh đất nhỏ phường Phương Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) là nơi có nhiều di tích lịch sử văn hoá từ nghìn đời xưa. Nơi đây có đình Kim Liên- Trấn phía nam kinh thành Thăng Long thờ thần Cao Sơn, một di tích vô giá của Thủ đô nghìn năm. Nơi đây cũng lưu giữ cuốn sách bằng đá độc nhất vô nhị tồn tại với thời gian gần 4 thế kỷ nay.

Nhà giáo Nguyễn Trà bên cuốn “sổ đỏ” độc đáo của làng.

Hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa của đình Trung Tự đánh giá về khối bia hộp như sau: “Khối bia hộp duy nhất tìm thấy ở nội thành, một loại hình di vật độc đáo đặc biệt quý hiếm trong Di sản văn hóa nước nhà” (Theo quyết định số 776/QĐ của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin ngày 23/6/1992).

Nhà giáo Nguyễn Trà – Một trong những người đương thời có cái duyên gắn bó với những thăng trầm của cuốn sách độc đáo này – khẳng định chắc chắn với tôi rằng, đó là cuốn “văn bằng chứng chỉ” bằng đá có tên “Đông Tác phường Trung Tự thôn địa giới kiệt” có một không hai của cả nước. Sau những biến cố mà cuốn “sổ đỏ” này phải trải qua, hiện giờ nó đã năm yên vị tại ngôi đình Đông Tác, phường Phương Liên.
Tuy cuốn sách đá bấy lâu nay vẫn nằm im lìm khiêm tốn trong khuôn viên sân đình, ít người biết đến, nhưng người thầy giáo già này vẫn thuộc làu làu những nội dung về nguyên do, đời sống thăng trầm, ý nghĩa của cuốn sách mà nội dung chỉ có vỏn vẹn 2 trang này. Năm nay nhà giáo Nguyễn Trà đã bước sang tuổi 80. Từ khi nghỉ hưu, ông gắn bó với ngôi đình, trực tiếp làm công việc bảo quản, gìn giữ cũng như nghiên cứu cuốn sách đá này.
Ông dẫn tôi đến chiêm ngưỡng cuốn sách đá cổ, nhưng thất vọng là chỉ có hai ông cháu, không thể lật cuốn sách lên để xem được vì nó… quá nặng. Phần nữa, giờ đây cuốn sách đá đã được đặt ngay ngắn, cẩn thận trong ngôi nhà bia trang nghiêm và cố định. Để phục vụ người xem nội dung, thì đã có… ảnh.
Độc nhất vô nhị
Quyển sách mà người dân nơi đây vẫn gọi là cuốn “sổ đỏ” của làng qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, thời gian đã làm nó bị sứt mẻ đi ít nhiều, hằn lên mặt trên nhiều vết nứt chạy dọc ngang. Quyển sách gồm 2 tấm đá úp mặt vào nhau. Cả 2 tấm đều hình vuông, mỗi cạnh dài 0,76m. Tấm dưới dày 0,5m. Tấm trên dày 0,18m. Tấm dưới như một cái thân hộp, tấm trên như một cái nắp hộp đậy lên.

Mặt trên của “sổ đỏ” đã có nhiều vết nứt, do có một thời gian dài không được gìn giữ.

Có 3 địa danh được phong Ấp gồm: Ấp Đông Tác được triều đình phong cho dân Đông Tác để ghi nhận công lao của hiền nhân. Ấp Tùng Thiện, ngoại thành Sơn Tây, do vua Minh Mạng cấp cho người con thứ 10. Ấp Thái Hà, được Triều Nguyễn cấp cho thượng thư Hoàng Cao Khải.

Nhà giáo Nguyễn Trà cho biết: “Hai mặt đá hình dấu triện, mặt dưới có 700 chữ, mặt trên có 600 chữ úp vào nhau, được khắc tạc bằng chữ Nho. Đó là văn bia, là chứng tích minh chứng cho mảnh đất này được vua phong cho tổ tiên người làng Trung Tự để ghi nhận công lao của các bậc tiên hiền”. Mặt đá khắc trọn một văn bản có tính pháp quy ra đời năm 1673, ghi lại toàn bộ quá trình từ khi đi đòi đất cho đến khi được quan trên phán quyết trả lại đất cho dân làng Trung Tự.
Nội dung mặt đá dưới gồm 2 phần chính. Phần thứ nhất đại ý là tờ trình của dân làng Trung Tự gửi quan trên: “… Đất thổ cư của bản thôn, phía đông giáp Kim Hoa phường, đoài giáp Kiều Thượng, Kiều Hạ, bắc giáp Đinh Huân xã, nam gần hào thành Đại La… Trước đây đất đai bị quân phòng chiếm, chỉ còn khu đình chùa và một vài nhà dân. Tuy người dân phải dời đi nơi khác, nhưng những việc như hộ tịch, thi cử, tuyển mộ thì dân làng vẫn theo lệ cũ… Kính mong quan trên giúp cho dân chúng tôi trở về làng an cư phục nghiệp”. Phần thứ hai là tờ trình của Quan Phụng Sai, đề ngày 10 tháng 6 năm Quý Sửu, đời vua Lê Gia Tông, niên hiệu Dương Đức 2 (1673), đại ý: “Các thửa đất trên là đất cũ của Tổ tiên dân làng Trung Tự… bị quân phòng chiếm rồi sau quân doanh làm nhà ở… Kính xin chiếu chỉ chuẩn trả đất đai cho dân phường trở về an cư như trước đây…”.
Nhà giáo Nguyễn Trà cho rằng: “Sỡ dĩ ông cha khắc tạc nội dung trên vào đá là để gìn giữ lại cho con cháu nghìn đời sau. Hai mặt của hai tấm đá được làm hình dấu triện là hình ảnh tượng trưng cho pháp lý, cho sự công nhận của triều đình đối với nội dung bên trong”.
Truân chuyên
Sử sách của làng Trung Tự ghi lại rằng, cuốn sách đá này ra đời từ khi nhân dân nơi đây bị mất đất. Ông Nguyễn Trà cho hay: “Cuối thế kỷ 16, người dân làng Trung Tự đã phải rời quê hương bản quán, rời bỏ nhà cửa dắt nhau đi nương náu nhờ nhiều nơi vì Thái phó Việt Quận Công đã chiếm đất của nhân dân làm quân phòng, sau đó làm quân doanh. Người làng Trung Tự đã đi kiện đòi lại đất”.

Trải qua bao nhiêu thăng trầm bao biến cố, giờ đây, “sổ đỏ” đã được “rước” vào trong sân đình.
Văn bia “Đông Tác phường Trung Tự thôn địa giới kiệt” do Hoàng Giáp Nguyễn Trù, Tế Tửu Quốc Tử Giám, tước Xương phái hầu soạn, và do Thị Nội Tiến Thư Tả Binh Phiên Sở Xứ Quách Đăng Đài khắc ngày mồng 2 tháng 6 năm Quý Sửu, đời vua Lê Thuần Tông, niên hiệu Long Đức 2 (1733).
Hoàng Giáp Nguyễn Trù đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ năm Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hòa thứ 18 (1697), thuộc thế hệ thứ 8 của dòng họ Nguyễn Đông Tác – Trung Tự, Hà Nội.
Trải qua hàng chục năm sống trong cảnh tha hương, cầu thực, những lời kêu oan của người dân đã lọt thấu tới tai vua. Năm 1673, dân làng Trung Tự được trở về mảnh đất tổ tiên xây dựng lại cơ đồ. Nhưng chưa hết, 4 năm sau đó, dân làng Trung Tự lại bị làng bên cạnh khiếu kiện cho rằng đã lấn đất của họ. Các quan đã xác định việc tố cáo này là không đúng sự thật. Triều đình cho dựng tấm bia đá trên vừa như một giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất, vừa như một mốc giới để phân định rõ ranh giới giữa hai làng nhằm tránh tranh chấp phát sinh.
“Sổ đỏ” làng Trung Tự đã ra đời một cách đặc biệt như vậy, “đời sống” của tấm văn bằng chiếu chỉ này cũng đặc biệt, truân chuyên không kém. Ông Trà kể: ” Trước đây, “sổ đỏ” bằng đá này được đặt ở lối vào văn chỉ đình làng Trung Tự. Nhưng qua bao biến cố của lịch sử và sự quan tâm của con người chưa đúng mức mà những năm 1954 đến 1980, cuốn sách nằm “lăn lóc”, tủi thân bên vệ đường làng.
Đến năm 1982, cụ Bùi Huy Lân cùng với một số thanh niên đã bê “hai tảng đá” này vào trong sân đình làng ngay dưới gốc cây thị. Cuối năm 2000, nhân dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội, dòng họ Nguyễn Đông Tác ở làng Trung Tự đã góp công đức xây cuốn thư và hai nhà bia rồi “rước” cuốn “sổ đỏ” vào trong sân đình để giữ gìn cho muôn đời sau. Hơn 300 năm sau ngày được triều đình cấp, cuốn “sổ đỏ” độc nhất vô nhị này vẫn sắc nét chữ, hình dáng vẫn nguyên dạng, chỉ có đôi chỗ bị sứt sẹo do quá trình vận chuyển như lời dân làng giải thích”.
Gần 4 thế kỷ là thời gian đủ dài làm xói mòn bất cứ một thư tịch cổ nào, nhưng đối với văn bia đá này, nó vẫn và sẽ còn mãi trường tồn để dân làng Trung Tự và khách thập phương được chiêm ngưỡng như là một báu vật của người dân nơi đây.
(Theo GĐXH)

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc