Home » Kinh doanh » Doanh nghiệp lo thiếu vốn và thiếu điện
Các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước cũng than không ít dự án đang gặp khó khăn về vốn cũng như ngoại tệ thanh toán với nhà thầu nước ngoài. Ngoài nỗi lo tỷ giá, doanh nghiệp còn sợ cắt điện.

Tổng nhu cầu điện năm nay tăng 17-18% – Đại diện Tập đoàn điện lực (EVN) cho hay tại buổi giao ban trực tuyến sáng ngày 7/3 do Bộ Công Thương tổ chức. Từ tháng 4 đến cao điểm của mùa khô, lượng nước yếu, do đó khả năng cung ứng điện sẽ hạn chế, trong khi các dự án mới đang cần vốn.

“Vốn cho ngành điện vẫn khó khăn. Chúng tôi đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị với Chính phủ cho phép EVN được vay trực tiếp ngân hàng đối với một số dự án đã được phê duyệt đầu tư”, vị đại diện EVN nói.

Ảnh: Hoàng Hà
EVN kiến nghị được vay trực tiếp với ngân hàng đối với một số dự án đã được phê duyệt đầu tư. Ảnh: Hoàng Hà.

Ông Ngô Mạnh Hoài, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hòa chất Việt Nam thì cho biết một số dự án của tập đoàn đang gặp khó khăn về vốn và ngoại tệ để thanh toán với các nhà thầu nước ngoài. Tập đoàn đang phải rà soát lại những dự án trọng điểm. Trong hai tháng đầu năm, ngành phân bón có mức tăng trưởng 25% song thực tế vấn đề tăng giá xăng, điện đã ảnh hưởng tới sự tăng trưởng. Ông Hoài đề nghị: “Khi điều chỉnh giá than với sản xuất phân bón, Chính phủ nên điều chỉnh dần dần từng bước để doanh nghiệp đảm bảo sản xuất kinh doanh”.

Theo Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt hơn 130.000 tỷ, tăng 14,6% so với cùng kỳ. Ngành công nghiệp nhẹ như dệt may, da giày đạt được mức tăng trưởng cao. Hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may ước đạt 2,16 tỷ USD, tăng 54,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù nhận được nhiều đơn hàng ổn định tới tận hết quý 3, song giống như các doanh nghiệp khác, ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Dệt May Việt Nam cũng kêu thiếu vốn. Trong lĩnh vực dệt may, nhập khẩu nguyên liệu chiếm tới 50% chi phí nên tỷ giá luôn khiến Tập đoàn phải đau đầu. Ông Trường thông báo giá nguyên liệu thế giới đang bất ổn, đặc biệt giá bông đã tăng gần 300%.

Ngoài nỗi lo về tỷ giá, vị đại diện Tập đoàn Dệt May còn lo lắng về tình trạng thiếu điện sản xuất. “Khu vực dệt may đang dồn về nông thôn và miền Trung. Những khu vực này lại đang bị cắt điện. Đây là điều chúng tôi thực sự lo lắng trong 3 tháng tới”, ông Trường bộc bạch.

Để giải tỏa phần nào mối lo về vốn, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng nhắc nhở các tổng công ty, tập đoàn cần tập trung vốn cho các công trình, dự án có khả năng hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2011 và 2012. Đặc biệt hạn chế tối đa ứng vốn và việc mở thêm dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, kiên quyết điều chuyển hoặc thu hồi vốn đầu tư đối với các công trình, dự án chậm triển khai.

Bộ trưởng nhắc lại nhiệm vụ trọng tâm của năm nay là tăng tính ổn định của kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. “Bộ Công Thương đã chỉ đạo các vụ, cục, sở thực hiện các giải pháp năm 2011, giải quyết khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và đầu tư”, Bộ trưởng Hoàng nói.

Hoàng Lan

Theo vnexpress

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc