Home » Kinh doanh » Tỷ giá và lãi suất là rào cản lớn với doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Trong 300 doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát về chỉ số tin cậy thương mại 6 tháng cuối năm nay do Ngân hàng HSBC thực hiện, phần lớn cho rằng tỷ giá và lãi suất có tác động tiêu cực lên hoạt động kinh doanh.

Kết quả khảo sát 6.390 doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh xuất nhập khẩu tại 21 thị trường trọng yếu khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Trung Đông, châu Mỹ – La tinh, Bắc Mỹ và châu Âu, được Ngân hàng Hong Kong – Thượng Hải (HSBC) công bố hôm qua.

Việt Nam lọt vào top 3 quốc gia lạc quan nhất về chỉ số tin cậy thương mại. Ảnh: PV

Cuộc khảo sát sử dụng thang điểm tối đa là 200. Việt Nam có chỉ số tin cậy thương mại ở mức lạc quan thứ tư với 116 điểm (giảm 6 điểm so với nửa cuối năm 2010), sau Ấn Độ (140 điểm), Vương quốc Ả rập – Xê út (132 điểm) và Mêhico (125 điểm).

Mặc dù chỉ số tin cậy tại thị trường Việt Nam giảm nhẹ nhưng phần lớn những doanh nghiệp được hỏi (70%) kỳ vọng khối lượng giao dịch thương mại sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, chỉ một số ít (chiếm 11%) dự đoán giảm. 18% nhận định khối lượng giao dịch thương mại giữ nguyên mức cũ.

Tỷ giá và lãi suất hiện là vấn đề quan ngại lớn nhất trong số những rào cản của doanh nghiệp. Theo các nhà xuất nhập khẩu Việt Nam, trong 6 tháng tới, đôla Mỹ vẫn là ngoại tệ được dùng phổ biến nhất cho giao dịch thương mại, trong khi các doanh nghiệp trên thế giới kỳ vọng đồng nhân dân tệ là một 3 ngoại tệ mạnh nhất.

Do đó, có đến 81% doanh nghiệp cho biết sự biến động tỷ giá hối đoái là khó khăn lớn nhất trong việc phát triển kinh doanh, đặc biệt là sau những diễn biến của thị trường ngọai hối vào đầu năm 2011. Tỷ lệ này nửa cuối năm ngoái là 74%. Đồng thời, có 77% doanh nghiệp Việt Nam cho rằng tác động của tỷ giá hối đoái trong 6 tháng tới sẽ không có lợi cho việc kinh doanh. Trong khi 6 tháng cuối năm 2010, tỷ lệ này chỉ 66%.

Thêm vào đó, khi lạm phát tiếp tục tăng cao trong nửa đầu năm nay, lãi suất đang ở mức ngất ngưởng đã trở thành mối quan ngại lớn thứ hai trong việc phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp ( 51% so với 20% của lần khảo sát trước).

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam cũng cho rằng nhu cầu tài trợ thương mại của họ sẽ tăng (đạt đến 75%, so với con số 67% trong cuộc khảo sát nửa cuối năm 2010). 52% cho biết sẽ sử dụng nguồn tài trợ thương mại từ các ngân hàng trong khi gần một phần ba (34%) dùng vốn tự có để kinh doanh. Chỉ 15% số doanh nghiệp kỳ vọng các hợp đồng thương mại trong tương lai được thanh toán dựa trên sự hỗ trợ của người mua và thoả thuận thanh toán từ phía người bán.

Ông Rakesh Bhatia, Giám đốc toàn cầu khối Thanh toán Quốc tế và Tài trợ Chuỗi cung ứng ngân hàng HSBC cho rằng, kết quả cuộc khảo sát đã chỉ ra hai xu hướng là thương mại nội vùng được tăng cường và gia tăng giao thương tại các thị trường mới nổi. “Hai xu hướng này sẽ là trụ cột cho tương lai của giao thương toàn cầu”, ông nói.

Lệ Chi

Theo vnexpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc