Home » Thời nay, Tiêu biểu sideshow, Văn hóa » Ly kỳ miếu thiêng ở “bản một họ”
Bản Khe Váp, (Bắc Lãng, Đình Lập, Lạng Sơn) được mệnh danh là “làng một họ”, vì trong bản toàn người Tày họ Lã sinh sống. Điều đặc biệt là sự hình thành làng này lại được gắn liền với sự tích miếu thiêng rừng Đông Quan. Miếu thần là vật thể sót lại của tục thờ thần cây, thần rừng… Cũng là minh chứng cho thói quen du canh, du cư sang định canh, định cư những năm 1980 ở vùng núi hẻo lánh này.

Huyễn hoặc miếu thiêng

Dọc quốc lộ 4B từ Thành phố Lạng Sơn đi khoảng 40km đến huyện Đình Lập, khá vất vả trên con đường lô nhô “ổ trâu, ổ bò”, chúng tôi cũng đến được bản Khe Váp. Sự kỳ lạ về miếu thiêng rừng Đông Quan đã cuốn hút sự tò mò và xua đi cái mệt mỏi, bụi đường.

Miếu thiêng rừng Đông Quan.

Ông Lã Minh Sơn, trưởng miếu thần, cũng là thầy mo kể về sự tích miếu: Ngày xưa có một người dân đang cày, giữa chừng dây chạc bị đứt. Anh ta vào rừng Đông Quan kiếm dây, lấy được dây nhưng loay hoay tìm đường cả ngày mà không thấy lối ra. Biết là mình đã động chạm đến khu rừng thiêng, anh cúi xin thần rừng rồi mới thấy đường và ra được, tối mịt anh mới về đến nhà.

Chị Hoàng Thị Năm là người về làm dâu của bản, do không biết đã tự ý vào rừng khoét nhựa cây trám ở rìa rừng thiêng này mà không xin phép thần rừng, về bị ốm liên miên, thuốc thang bốn phương không khỏi. Chị đến nhờ ông Hà xin thần rừng tha cho, không ngờ lại khỏi….

Rất nhiều trường hợp xâm phạm đến rừng đều bị trừng phạt. Có người chặt cây lại tự chặt vào chân, trâu bò vào “mài” cây rừng thiêng tự chết…

Từ những sự trùng hợp đó chẳng có ai dám không tin vào sự thiêng liêng của khu rừng nữa. Dân làng góp công lập nên một cái miếu để thờ cúng. Đấy là miếu thần rừng Đông Quan với lịch sử rất lâu đời, những cây gỗ to và lâu năm.

Trưởng miếu thần cũng là thầy mo, người có nhiệm vụ truyền những lời nguyện cầu của người dân đến thần linh. Vì thế, chọn thầy mo cũng là công việc hệ trọng. Những người già, đức độ được dân làng bầu lên phải đến miếu để hỏi ý kiến các thần cây, thổ địa, trước sự chứng kiến của cả làng. Sau khi giới thiệu lai lịch xong, thầy tung tráo chỉ, ai đoán đúng 3 lần, tức là thần miếu đã đồng ý mới được kế nhiệm.

Ông Lã Minh Sơn đang cầu thần miếu ban sức khỏe cho dân bản.

Thầy mo phải kiêng thịt chó, trước ba ngày cúng không được ăn uống lung tung, phải giữ tâm trong sạch, lúc đi và khi cúng về gặp ai hỏi thăm cũng không được nói gì. Nếu không sẽ mất thiêng, gọi thần không dám đến (theo phong tục người Tày thì cõi thần linh sợ chó). Ông Hà giảng giải: Một năm có 3 lần đi cầu cúng. Ngày 2 tháng 1 âm lịch cầu sức khỏe đầu xuân năm mới… Tháng 3 và 7 cầu mùa màng. Riêng tháng 7 do thầy tự chọn ngày. Ai có thịt lợn, thịt gà, bánh kẹo, rượu… thì mang đi. Lễ cầu mùa tháng 7 rất lớn, cả làng góp con lợn để thịt liên hoan, ăn uống, trước sự chứng kiến của thần rừng, mong cho “mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt”.

Bất kỳ công việc gì trong làng đều thông qua thần rừng, từ đặt tên con, đến cưới vợ, xây nhà…

Trung tâm tư vấn, quản lý bền vững tài nguyên và phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM) đã tài trợ 13 triệu đồng xây dựng lại miếu khang trang hơn bằng những cây cột gỗ lim vào năm 2009.

“Mỗi năm xã hỗ trợ khoảng 1 đến 2 triệu để tu sửa miếu. Năm 2010 xã ủng hộ 1,5 triệu để tổ chức hai ngày hội lớn vào ngày 3 và 4 tháng 7, phát động phong trào thể dục thể thao, văn hóa với các hoạt động như: Đá bóng, đẩy gậy, kéo co, thi gói bánh cóc mò, bánh ba góc của người Dao bản kế bên, thi thời trang các dân tộc… Lễ hội đã thu hút đông đảo bà con trong xã và du khách ngoại tỉnh.

Sự hình thành “bản một họ”

Sự hình thành “bản một họ” cũng bắt nguồn từ sự tích miếu thiêng rừng Đông Quan. Ông Hà Văn Châu, trưởng thôn Khe Váp nhớ lại: “Làng đã hình thành rất lâu, nhưng không phải họ Lã là họ đầu tiên khai lập ra làng.

Khai hoang, lập bản là người họ Hà, rồi các họ Trần, Lý, Bàn và họ Hà cùng đến ở. Về sau thấy đất bạc màu thì lại đi tìm mảnh đất khác, những người dân họ khác đến rồi cũng bỏ đất đi. Chỉ có người họ Lã định cư lại khoảng 200 năm trước, ra sức cải tạo đất đai, mở ruộng trồng lúa nước.

Ông Lã Văn Tần là những người họ Lã đầu tiên về bản. Ông bấm bấm đốt ngón tay, biết đây là một vùng đất linh thiêng, vùng đất định cư lâu dài cho cuộc sống an nhàn, ông bèn bảo mọi người không được chặt cây ở khu vực đó và lập ra miếu thần. Từ đấy, nhà họ Lã đã định cư ở đây, không di dân đi nữa.

Năm 1982, người dân họ Lã đã định cư ở thôn Khe Váp.


Rừng thiêng Đông Quan.


Những năm 1980 – 1982 xã Bắc Lãng có những cuộc di dân, phát nương làm rẫy, cuộc sống “nay đây mai đó”. Các họ đều đã bỏ làng đi hết, riêng người họ Lã vẫn ở lại bản Khe Váp đến nay.

Chính sách “giao đất giao rừng” cho nhân dân Khe Váp năm 2000 đã có hiệu quả thiết thực, người dân đã phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Mỗi gia đình trồng được trên 10 ha cây thông, cây keo, cả bản trồng được hơn 180 ha. Còn 70 ha đất hoang hóa đang được các hộ tiếp tục trồng cây. “Riêng phong trào phủ xanh đất trống, đồi núi trọc chúng tôi không cần vận động, song người dân đều ý thức rất tốt”, ông Hà Văn Châu chia sẻ.

Miếu thần rừng Đông Quan là những dấu ấn của tục thờ thần rừng còn sót lại. Làng họ Lã như một minh chứng cho cuộc chuyển đổi từ di canh, phá rừng, đốt nương làm rẫy, sang định canh, định cư. Cuộc sống mới đang thay da đổi thịt nơi vùng núi Đông Bắc hẻo lánh này.

Theo VTC


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc