Home » Kinh doanh » Nhu cầu sữa UHT khổng lồ ở Châu Á
Người Châu Á thích uống sữa và dùng các sản phẩm bơ sữa cung cấp nhiều chất dinh dưỡng và có lợi cho sức khỏe. Nhu cầu này của họ đang mang lại cơ hội hái ra tiền đối với các hãng sản xuất sữa.
Nhu cầu sữa UHT khổng lồ ở Châu Á

Người châu Á ngày càng thích uống sữa. (ABC)

Ông Peter McClure:

  • “Châu Á không có khả năng bảo quản lạnh như ở Úc hoặc New Zealand, đồng thời hầu hết các nước khu vực này không có công nghệ sản xuất sữa tươi nên phải phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu. Các yếu tố này dẫn đến sản phẩm sữa UHT rất phù hợp ở những thị trường này”

Tăng sức tiêu thụ sữa

Hãng sữa Fonterra, một trong những công ty xuất khẩu sản phẩm bơ sữa hàng đầu thế giới có trụ sở chính tại New Zealand, vốn đã có mặt và chiếm thị phần khá lớn tại Châu Á nay tiếp tục có kế hoạch nâng khối lượng sản phẩm sữa xuất sang Châu Á thêm 1/3 so với sản lượng hiện tại kể từ cuối tháng 9/2010.

Sở dĩ Fonterra đẩy mạnh sản lượng là vì nhu cầu về sữa UHT (viết tắt của cụm từ ultra high temperature – xử lý bằng phương pháp siêu nhiệt) ngày càng gia tăng tại Châu Á. Kể từ năm 1980, doanh số bán các sản phẩm sữa ở Châu Á đã tăng gấp đôi. Năm 1981, trung bình một người Châu Á tiêu thụ khoảng 33kg sản phẩm sữa mỗi năm. Tới năm 2007, con số này tăng mạnh lên tới 64kg. Người Trung Quốc từ mức tiêu thụ trung bình 3kg sữa/năm tăng lên trên 20kg/năm bình quân trên mỗi đầu người. Ở Việt Nam, chỉ trong vòng một thập niên, mức tiêu thụ sữa trung bình tăng từ 1kg/người/năm tăng lên trên 10kg/người/ năm vào đầu thế kỷ 21.

Tiến sĩ Fengxia Dong, chuyên gia phân tích sản phẩm bơ sữa Quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Nông nghiệp – Thực phẩm thuộc Đại học Iowa, Mỹ, đã lý giải nguyên nhân của hiện tượng này. Ông nói: “Bơ sữa vốn không phải là thực phẩm truyền thống ở các nước Châu Á. Về sau này, thông qua việc giáo dục, người dân Châu Á nhận ra rằng sản phẩm bơ sữa có lợi cho sức khỏe bởi chúng cung cấp nhiều chất dinh dưỡng. Từ đó, người Châu Á bắt đầu ngày càng tiêu thụ nhiều sản phẩm bơ sữa. Một nguyên nhân khác là do mức thu nhập người dân tăng và các nước châu Á đang hòa nhập vào quá trình toàn cầu hóa cũng là những yếu tố khiến lượng tiêu thụ sữa tại Châu Á ngày càng gia tăng”.

Sữa UHT chinh phục châu Á

Sữa UHT trở thành một sản phẩm đặc biệt bán chạy nhất nhì vì nhờ cách xử lý bằng phương pháp siêu nhiệt giúp hộp sữa có thể giữ được trong khoảng thời gian từ 6-9 tháng cho đến khi được mở ra và không cần bảo quản lạnh.

“Châu Á không có khả năng bảo quản lạnh như ở Úc hoặc New Zealand, đồng thời hầu hết các nước khu vực này không có công nghệ sản xuất sữa tươi nên phải phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu. Các yếu tố này dẫn đến sản phẩm sữa UHT rất phù hợp ở những thị trường này”, ông Peter McClure, giám đốc điều hành hãng sữa Fonterra, cho biết.

Ông Peter cũng tiết lộ: “Doanh số sản phẩm sữa UHT ở thị trường Châu Á hiện nay khá lớn và chúng tôi nhận thấy nhu cầu đã vượt quá khả năng cung cấp”. Nhu cầu về sữa UHT đã thúc đẩy Fonterra hoàn thành dự án nâng cấp nhà máy tại Auckland, New Zealand với ngân sách khoảng 6 triệu đô-la. Ông Peter McClure cho biết nhà máy được nâng cấp sẽ có thể sản xuất thêm khoảng 600 ngàn hộp sữa mỗi tuần, tương đương với 30% sản lượng hiện nay. Nhờ đó tăng lượng sản phẩm Fonterra có mặt tại các thị trường Singapore, Hong Kong và Trung Quốc.

Hãng sữa Fonterra đã bán sản phẩm sữa UHT cho 15 nước Châu Á, trong đó Nhật Bản, Trung Quốc và Indonesia nằm trong số những thị trường lớn nhất của hãng này. Được biết thị phần của Foterra tại Sri Lanka đạt gần 50% và ở Philippines tỉ lệ này là 80%. Fonterra cũng đang nghiên cứu mở rộng thị trường ở Việt Nam, Malaysia và Indonesia.

Một dấu hỏi được đặt ra là khi người tiêu dùng Châu Á ưa chuộng sữa UHT ngoại nhập, điều này sẽ ảnh hưởng gì đến người nông dân nuôi bò sữa ở địa phương?

Ví dụ như ở Philippines, ông Rene Martin de Guzman – giám đốc bộ phận kế hoạch của Cơ quan quản lý sản phẩm bơ sữa quốc gia Philippines cho biết ngành công nghiệp chế biến sản phẩm bơ sữa nhỏ của nước này chỉ đáp ứng được nhu cầu sữa tươi và cho đến nay, những nỗ lực nhằm thiết lập các cơ sở hạ tầng sản xuất sữa UHT tại địa phương đã thất bại. Bởi vậy Philippines đành phải mở rộng cánh cửa cho các nhà sản xuất sữa nước ngoài như Fonterra.

Theo ông Rene, với ưu điểm bảo quản được lâu, sữa đóng hộp UHT có lợi hơn cho các đại lý bán lẻ và nhà phân phối. Tuy nhiên, điều này lại không có tác động tích cực gì tới các nhà máy chế biến hay các nhà sản xuất sữa địa phương. Thế nên chính quyền Philippines vẫn đang nỗ lực tìm cách đẩy mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến bơ sữa trong nước. Đây mới là một chiến lược cần thiết về lâu dài để mỗi quốc gia Châu Á có thể chủ động và đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ sữa ngày càng tăng của người dân trong nước.

Nguồn NZ company to cash in on soaring demand for UHT milk in Asia, bayvut.com.au

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc