Home » Tiêu Điểm, Xã hội » Những người đàn bà bị lãng quên
Cả một đời lam lũ, hi sinh vì con cháu nhưng đến cuối đời họ lại phải âm thầm gánh chịu nỗi cô đơn vì bị cháu con hắt hủi.

Câu chuyện đời của các bà giống như những dấu lặng đắng lòng…

Tôi khóc hết nước mắt rồi

Tại trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Thụy An (Ba Vì, Hà Nội), chúng tôi bắt gặp biết bao cảnh đời éo le của những người bà, người mẹ. Tìm được bến đỗ bình yên cho mình tại trung tâm, thế nhưng luôn luôn trong trái tim họ, hạnh phúc đã nằm lại nơi khác – nơi những người con, người cháu không thể ở bên họ cho đến cuối cuộc đời.

Bà Trần Thị Xâm quê ở Sơn Tây, năm nay đã 72 tuổi. Bà cụ già mù nhỏ bé, gầy guộc ngồi bên cửa sổ, vừa gặp khách lạ đã vội mở đầu câu chuyện bằng việc hỏi tin về con cháu mình.

Bà Trần Thị Xâm lúc nào cũng hoang mang nghĩ về con cháu

“Cô đi nhiều, có thấy ở Sơn Tây có vụ đánh nhau nào không? Hay các cháu tôi làm sao hết cả rồi?” – bà hỏi, còn chúng tôi ngạc nhiên.

Chẳng hiểu nghe ở đâu, hay tại trí tưởng tượng của tuổi già khiến bà cứ hoang mang lo sợ về một tai nạn nào đó xảy ra với các cháu, khiến không đứa nào lên trung tâm thăm bà được như đã hứa.

Nhà nghèo, từ nhỏ bà Xâm đã phải lăn lộn làm thuê ở đợ cho người ta. Bà lấy chồng rất muộn, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang thì chồng bà đi B rồi hi sinh khi chưa kịp có con.

“Họa vô đơn chí cô ạ, tôi khóc hết nước mắt rồi ốm một chập. Ốm dậy thì mắt đột nhiên cứ lòa đi”- bà Xâm bùi ngùi kể.

Từ đó, bà sống nương tựa vào người anh, coi sóc các cháu như con ruột, dành trọn khát khao làm mẹ trao cho các cháu. Vậy mà ở hiền lại chẳng gặp lành, căn bệnh u nang buồng trứng đẩy bà đến nỗi khốn cùng. Bà vào bệnh viện chữa trị, cùng lúc người chị dâu hắt hủi, đẩy bà ra khỏi nhà.

“Từ bệnh viện trở về, tôi chẳng còn gì ngoài đôi bàn tay trắng và sức khỏe đã ngày càng suy sụp. Nhờ một người họ hàng, tôi được vào đây”.

Lúc đưa bà vào trung tâm, mấy người cháu họ an ủi sẽ thường xuyên vào chăm sóc bà. Song tất cả chỉ là hứa hẹn. Không điện thoại, chẳng thư từ, chỉ thảng hoặc dịp giỗ cha, giỗ mẹ họ mới lên đón bà về quê.

“Họa hoằn lắm chúng nó mới lên thăm tôi thôi. Lần nào lên, nói câu trước, câu sau là tôi khóc, nên chắc chúng nó giận, chả thấy lên mấy nữa. Mà chúng nó chắc bận lắm” – bà Xâm tỉ tê nói.

Câu chuyện của bà bị đứt quãng vì những cơn ho. Đã mấy hôm nay trời lạnh, bà ốm suốt, mệt, đau xương, đau khớp. Bệnh già, khiến bà hầu như chẳng đêm nào ngủ ngon.

Lại sắp đến ngày giỗ bố, nhưng bà chưa thấy cháu nào gọi điện hẹn ngày về…

Đắng lòng “con có cũng như không”

So với bà Xâm, chuyện của bà Nguyễn Thị Sợi, 70 tuổi ở Trại phong Sóc Sơn (Hà Nội) còn xót xa, cay đắng hơn nhiều.

Đời bà là một chuỗi bi kịch khi mắc phải căn bệnh quái ác vốn bị người đời xa lánh.

“Năm ngoài 20 tuổi thì tôi lấy chồng rồi có con. Mãi đến năm 24 tuổi thì biết mình có bệnh. Tôi chán nản đủ đường, định quyên sinh mấy lần, may được người thân khuyên giải. Hồi ấy cái bệnh này còn bị người ta khinh khi ghê lắm, tôi giấu hết mọi người, dứt áo ra đi chữa bệnh. Con trai tôi lúc ấy mới năm tuổi đành để lại nhà chồng nuôi”.

Bà cụ tóc trắng lặng im nuốt dòng nước mắt khi nhắc đến con trai. Để lại con cho nhà chồng chăm sóc, lòng người mẹ ấy đã xiết bao đớn đau, day dứt.

Ấy vậy mà lớn lên, anh ta không những không hiểu, không cảm thông cho mẹ mà còn hắt hủi mẹ hơn cả người làng.

Bà Nguyễn Thị Sợi đau đáu nỗi lo đến khi “nằm xuống” cũng không được con trai để tâm.

“Tôi sống trong trại 40 năm nay, chưa bao giờ nó hỏi đến tôi một câu, cho được tôi một đồng quà tấm bánh. Mỗi năm tôi chỉ về giỗ bố, giỗ mẹ có hai lần mà đi ngang qua ngõ, gặp tôi nó cũng không mời được vào nhà uống chén nước”.

Không biết bởi định kiến xã hội hay sự vô tình đến tàn nhẫn mà người con trai ấy đã đang tâm coi mẹ hơn cả người dưng.

Lặng dòng tâm sự, bà bảo: “Lần nào về quê, tôi cũng sấp sấp ngửa ngửa, vội vàng ra đi. Nó biết, nhưng cũng không qua, không nói với tôi lấy một lời mẹ ơi ở lại. Tôi khổ tâm mãi rồi, giờ đến cái tuổi gần đất xa trời, chỉ nghĩ, đến lúc mình nằm xuống, không biết nó có quở quang gì đến hay không!”.

Không phải bỗng dưng bà Sợi lại nói những lời chẳng lành ấy. Mấy chục năm trời sống trong trại phong, bà chẳng lạ gì cảnh những người đồng cảnh với mình đến lúc tạ thế cũng chẳng được chạm nước mắt con cái.

Chẳng biết rằng trên đời này còn biết bao người mẹ, người bà nữa vẫn đang từng ngày âm thầm gặm nhấm nỗi buồn tủi bị con cháu hắt hủi, lãng quên…

Theo docbao

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc