Home » Xã hội » Sinh viên học cách sống tiết kiệm
Bố mẹ cho tiền theo định mức nhưng chi phí tiêu dùng ngày càng đắt đỏ. Trong điều kiện này, nhiều sinh viên (SV) đã biết cách sống tiết kiệm từ bữa ăn đến sinh hoạt hằng ngày.

Chúng tôi theo chân bạn Phạm Thơ (Học viện Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) đi chợ tại ngõ 389 đường Cầu Giấy, Hà Nội. Sau một hồi đắn đo giữa bắp cải, rau và su su, Thơ quyết định chọn bắp cải với giá 7.000 đồng vì sẽ ăn được cả ngày. Ghé qua hàng thực phẩm, Thơ chọn mua 2 con cá nục giá 15.000 đồng, cộng cả 2 miếng đậu phụ, quả cà chua, nắm rau gia vị về làm cá sốt đã hết gần 30.000 đồng. Chia đều trong tháng, mỗi bữa tối đa 15.000 đồng/người, cộng cả tiền gas, mắm muối.

Đi chợ tiết kiệm nhưng làm sao vẫn đủ chất là vấn đề SV quan tâm nên nhiều bạn lên mạng tìm cách chọn đồ ăn sao cho đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng. Rau xanh thì không thể thiếu trong mỗi bữa cơm, còn các loại thịt, cá, trứng, tôm cua cứ quay vòng theo thứ tự. “Hôm nào đến bữa ăn trứng và đậu phụ thì có bổ sung thêm ít trái cây”, Thơ chia sẻ.

Tại khu chợ trong phố Pháo Đài Láng, cầm 50.000 đồng trong tay, Nguyễn Văn Thanh (khoa Kinh tế, ĐH Giao thông vận tải) phải lựa chọn đồ ăn cho bữa cơm dành cho 3 người. Do đã quen với việc đi chợ, Thanh không tốn nhiều thời gian chọn đồ. Sau khoảng mươi phút, miếng thịt lợn 20.000 đồng, 3 quả trứng, 3 miếng đậu phụ, 1 cây rau lơ, nửa cây bắp cải thêm hai quả cà chua, tổng chi 48.000 đồng. “Ngày thường chỉ có cá khô, đậu phụ. Chứ hôm nào cũng ăn thế này, bố mẹ ở nhà lo thế nào được”, Thanh hóm hỉnh nói. Tránh tình trạng vung tay quá trán, nhóm SV trong phòng trọ của Thanh thống nhất tiền đi chợ mỗi bữa ăn là 35.000 đồng, hôm nào ai có bạn bè ghé chơi thì được phép tăng thêm.


Phải tính toán thật kỹ mỗi khi quyết định mua món gì về ăn – Ảnh: P.N

Nhiều “chiêu” tiết kiệm

Thay vì mua thức ăn ở chợ cóc, xóm trọ, Phạm Thị Thu (làng Vòng, P.Dịch Vọng Hậu, Hà Nội) thường xuyên đi chợ thực phẩm đầu mối. Chợ họp từ nửa đêm đến mờ sáng, cứ 2-3 ngày, các nhóm SV lại rủ nhau đi mua. Mất công dậy sớm nhưng mỗi lần cũng dư ra vài chục ngàn nếu so với giá mua tại chợ cóc.

Mua thức ăn từ quê là cách mà Lê Thị Điệp, lớp 2K3 khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Công nghiệp Hà Nội lựa chọn từ tết đến giờ. Mỗi tuần một lần, Điệp đón xe buýt ra bến Giáp Bát nhận thùng đồ từ Nam Định gửi lên. Hơn tháng nay, Điệp chỉ ra chợ khi thiếu rau xanh, còn thịt, cá, tôm đã qua chế biến và chia theo từng hộp được người nhà đóng thùng gửi lên. Trước bữa cơm, Điệp chỉ cần hâm nóng thức ăn là xong.

Ngại mang vác lỉnh kỉnh, Nguyễn Văn Xuân (ĐH Kinh tế – ĐH Quốc gia Hà Nội) chọn những thứ ăn khô như lạc muối, trứng, cá khô sau mỗi lần ở quê lên. Dùng thức ăn khô vài bữa, Xuân chuyển qua cải thiện bằng mớ tôm tươi hay lạng thịt. Bằng cách này, khoản “lương” 1,2 triệu đồng hằng tháng vẫn đảm bảo gánh thêm tiền nhà trọ, điện, nước mới tăng giá. Bên cạnh đó, bạn cũng chọn cách nấu một lần ăn hai bữa để tiết kiệm điện, gas.

Ngoài chuyện ăn uống, sinh hoạt, trên nhiều diễn đàn sinh viên còn rỉ tai nhau nhiều “mẹo” tiết kiệm như giặt chung quần áo, sử dụng “sim rác” vừa gọi điện vừa truy cập internet; đi chung xe máy đến trường, thư viện…

Phương Nguyên – Phan Hậu

Theo thanhnien

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc