Home » Xã hội » Tàu cá có nguy cơ nằm bờ vì giá dầu tăng
Giá dầu tăng thêm hơn 3.500 đồng một lít hôm 24/2 khiến hàng nghìn ngư dân chới với. Tăng thêm 30% chi phí không chỉ là giảm lợi nhuận, mà thậm chí không thể đưa tàu ra khơi đánh bắt.

Buồn thiu ngồi trên chiếc tàu neo đậu ở gần khu vực cảng Kỳ Hà, huyện Núi Thành (Quảng Nam), ông Trần Anh, ngư dân ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành, thổ lộ: “Một số tàu thuyền lớn đánh bắt xa bờ ra khơi trước Tết khi giá dầu chưa tăng, nay trở về thu nhập chưa ảnh hưởng gì. Chứ mấy chiếc tàu hành nghề đánh lưới vây, đánh bắt gần bờ như chúng tôi thì vẫn chần chừ chưa thể đi biển được vì giá nhiên liệu tăng ghê quá. Đi biển tính qua tính lại lỗ nặng thì ra khơi làm gì”.

Ông Nguyễn Tin, Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết, xã đang có khoảng 100 tàu ra khơi, đến 300 chiếc còn lại nằm bờ. Một trong những nguyên nhân có giá dầu quá cao.

Nếu tính toán như ông Vũ, thuyền trưởng một tàu cá ở Hà Thanh, thành phố Quy Nhơn (Bình Định), với giá dầu tăng cao như hiện nay thì mỗi chuyến đi biển hơn 10 ngày, tàu của ông phải tốn thêm 10 triệu đồng nữa để mua nhiên liệu. “Giá đá lạnh (ướp cá), lương thực tăng thêm, trong khi sản lượng thủy sản đánh bắt vẫn ngang bằng như mấy tháng trước thì chắc chắn là bị lỗ nặng”, thuyền trưởng Vũ nói. Ông cho rằng, giá xăng dầu lên vào giữa mùa đánh bắt cá ngừ đại dương đang ảnh hưởng trực tiếp nguồn thu nhập của nhiều ngư dân Bình Định.

Nhiều tàu cá bơm dầu chuẩn bị ra khơi với chi phí đội lên 30% vì giá nhiên liệu. Ảnh: Trí Tín
Nhiều tàu cá bơm dầu chuẩn bị ra khơi với chi phí đội lên 30% vì giá nhiên liệu. Ảnh: Trí Tín

Hiện tại, nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ của tỉnh Bình Định đã quyết định tạm cho tàu neo trong bờ để tính toán lại chi phí, cách thức đánh bắt tiết kiệm nhiên liệu cho mỗi chuyến biển. “Giá thủy sản không thể tăng kịp theo giá dầu nên chúng tôi phải nghĩ cách thay đổi cách thức đánh bắt trên biển thôi. Nếu cho tàu rồ ga chạy lòng vòng tìm dò ngư trường trên biển như lúc trước thì rất hao nhiên liệu, doanh thu không thấm vào đâu so với tiền dầu bỏ ra”, thuyền trưởng Nguyễn Văn Xô ở thành phố Quy Nhơn cho biết.

Những ngày này đi khắp làng chài ven biển ở Quảng Ngãi, đến đâu cũng nghe các gia đình ngư dân xuýt xoa về tình hình giá dầu tăng vọt. Xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, có đội tàu cá xa bờ hùng mạnh đến 130 chiếc công suất lớn hành nghề đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND xã lo lắng: “Giá dầu tăng cao thế này thì sắp tới cuộc sống ngư dân sẽ gặp nhiều khó khăn vì nguy cơ tàu nằm bờ rất nhiều”. Ông Hùng phân tích, trước kia mỗi chuyến ra khơi đánh bắt xa bờ, chi phí cao lắm khoảng 120 triệu đồng, nhưng giờ giá dầu tăng cộng với tiền chuẩn bị lương thực, đá ướp lạnh, tốn ít nhất 150 triệu đồng. Nếu tàu cá bội thu, mỗi ngư dân được chia khoảng 10 triệu đồng, nhưng giờ thì trừ chi phí, họ thu được nhiều lắm đến 7 triệu.

Theo tính toán của các ngư dân có thâm niên đánh bắt xa bờ ở làng chài Bình Châu, trung bình mỗi tàu cá hành nghề ở Trường Sa trong vòng một tháng tốn đến 6.000 lít dầu Diesel, còn hành nghề ở Hoàng Sa thì mất 4.000 lít dầu. Với giá dầu tăng thêm 3.550 đồng mỗi lít hiện nay thì mỗi chuyến biển chỉ tính riêng tiền nhiên liệu phải chi phí thêm ít nhất khoảng 14 đến 22 triệu đồng.

Cả chi phí cho đá ướp lạnh, lương thực cũng tăng vì bão giá. Ảnh: Trí Tín
Cả chi phí cho đá ướp lạnh, lương thực cũng tăng vì bão giá. Ảnh: Trí Tín.

Giá dầu tăng kéo theo nhiều hệ lụy khác. Các chủ tàu cá ở làng chài ven biển đau đầu vì tìm đỏ mắt không có lao động đi biển. Chủ tàu cá Trương Tày ở xã Bình Châu cho biết mấy ngày trước ông đón xe lặn lội vào tận Khánh Hòa để tìm thêm “bạn” (lao động) ra Quảng Ngãi tham gia cùng đội tàu đi đánh bắt ở Trường Sa.

“Mấy năm trước anh em hào hứng đi làm, giờ nghe giá dầu tăng, chi phí quá lớn, tính toán thu nhập của phiên biển không còn bao nhiêu cả nên họ không mặn mà đánh bắt xa bờ nữa. Không đủ lao động đi tàu thì làm sao ra khơi trong những ngày sắp tới”, ông Tày than phiền.

Trước tình hình này, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh duyên hải miền Trung đang xây dựng phương án kiến nghị nhà nước xem xét, có chính sách hỗ trợ định mức xăng, dầu cho ngư dân.

Ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn chia sẻ, đảo có 408 tàu cá, trong đó 110 tàu đánh bắt thủy sản ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Trước tình hình giá cả xăng dầu thế này, cả tàu đánh bắt gần bờ lẫn xa bờ đều lâm cảnh khốn khó.

“Huyện xác định phát triển kinh tế biển là trọng tâm để tạo sức bật tăng trưởng kinh tế- xã hội của Lý Sơn. Do vậy, huyện sẽ kiến nghị tỉnh, Trung ương xem xét hỗ trợ chi phí xăng dầu giúp ngư dân vững tâm ra khơi”, ông Nguyên cho biết.

Trí Tín

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc