Home » Kinh doanh » Tỷ giá leo thang, người mua nhà lãnh đủ
Tình trạng niêm yết giá bán nhà bằng đôla hoặc tham chiếu theo đôla đang bùng phát trở lại. Tỷ giá biến động cùng nguyên vật liệu như thép, xi măng tăng mạnh khiến tiền nhà đóng theo tiến độ của người mua tăng vọt.

Chị Thanh Hương (Hà Nội) ký hợp đồng mua một căn chung cư theo tiến độ tại khu vực ngoại thành vào gần cuối năm 2010 với giá hơn 21 triệu đồng mỗi m2 (tương đương với 1.083 USD mỗi m2 tại thời điểm đó). Đơn giá bán căn hộ trên mỗi m2 được chủ đầu tư tham chiếu bằng đồng USD làm cơ sở điều chỉnh giá trị hợp đồng góp vốn. Căn hộ rộng khoảng 90 m2 được định giá hơn 2 tỷ đồng nhưng sau khi điều chỉnh tỷ giá lên 9,3%, chị choáng váng vì số tiền mình phải trả thêm gần 200 triệu đồng.

Bất ngờ khi phải trả thêm một khoản tiền lớn, chị Hương xa sẩm mặt mày nhưng không thể hủy hợp đồng vì số tiền đã đóng lên tới hơn 500 triệu đồng. “Đến tận năm 2013 mới bàn giao nhà. Với tình hình giá cả leo thang như hiện nay, không biết tiền nhà của tôi còn tăng thêm bao nhiêu nữa”, chị Hương lo lắng.

Ảnh: Hoàng Hà
Chủ đầu tư và khách hàng nên thương thảo rõ ràng trước khi đặt bút ký. Ảnh: Hoàng Hà.

Mặc dù một số chuyên gia khẳng định, việc điều chỉnh tăng tỷ giá USD chưa tác động mạnh tới thị trường bất động sản nhưng thực tế phân khúc chung cư cao cấp hoặc thị trường văn phòng cho thuê đang bị ảnh hưởng nặng. Bởi hầu hết các dự án này đều dùng USD để làm đơn vị tham chiếu sang tiền Việt.

Ông Đặng Minh, Ủy viên HĐQT, Phó tổng giám đốc thứ nhất Công ty liên doanh Tháp ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam thừa nhận, khi dùng tiền đôla để tham chiếu sang tiền Việt, khách hàng sẽ bị thiệt thòi nếu tỷ giá biến động. Ông Minh dẫn chứng, giả sử một căn hộ giá khoảng 2.000 USD mỗi m2 tương đương với khoảng 38 triệu đồng vào thời điểm năm 2010 thì nay đã vọt lên tới hơn 40 triệu đồng. Vậy trung bình mỗi m2, người mua phải trả thêm 2 triệu đồng nên khách hàng “xót” cũng là điều dễ hiểu. Ngoài ra, khi tỷ giá lên, giá phôi, nguyên liệu chủ yếu để làm ra thép cũng tăng vọt dẫn tới nhiều chủ đầu tư cũng rập rình tăng giá bán hoặc cho thuê.

Vị Phó tổng giám đốc cho rằng, thực tế các doanh nghiệp là người cung cấp sản phẩm và họ phải nắm đằng chuôi để tính toán về tổng mức đầu tư, cũng như thời gian thu hồi vốn của mình.

“Đồng đôla là ngoại tệ mạnh và ổn định, trong khi đó tiền VNĐ dễ bị trượt giá nên các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản hay dùng USD làm đơn vị tham chiếu quy đổi sang tiền Việt”, ông Minh nói.

Ông Bùi Tiến Hùng, Phó giám đốc Công ty cổ phần Đô thị và Phát triển Việt Hưng cũng cho rằng đối với các dự án bất động sản cao cấp, chủ đầu tư thường lấy USD làm đơn vị tham chiếu hoặc niêm yết trực tiếp nhằm giảm thiểu tác động do sự sụt giảm giá của đồng Việt Nam. Ngoài ra, nhờ đó, chủ đầu tư có thể đảm bảo tỷ suất lợi nhuận của đồng vốn tại lúc bán hàng so với thời điểm tính toán ban đầu. Ông Hùng lý giải, nếu phải tính cả chi phí trượt giá dự phòng vào giá thành khi sản phẩm chưa hoàn chỉnh thì sẽ đội giá lên và khách hàng sẽ khó chấp nhận.

Ngoài ra, theo ông Hùng, các dự án cao cấp thường có nhiều chi phí mang yếu tố nước ngoài như sử dụng tư vấn thiết kế, quản lý dự án, đại diện bán hàng và các nguyên vật liệu như cửa nhựa lõi thép, gạch đá ốp lát, phôi cán thép, lõi đồng dây điện, điều hòa… và sử dụng đồng đôla để thanh toán. Các loại vật liệu này không phải nhập về cùng một lúc mà nhập về theo tiến độ của dự án và dùng ngoại tệ để thanh toán nên chính chủ đầu tư phải chịu rủi ro tỷ giá rất lớn. Do đó, để đảm bảo hiệu quả kinh doanh của dự án như dự tính ban đầu, các chủ đầu tư thường dùng USD làm tiền tệ tham chiếu như là một giải pháp ổn định cho các chi phí này.

“Mua bán nhà hợp đồng mang tính chất dân sự, thuận mua vừa bán. Chủ đầu tư và khách hàng nên công khai minh bạch đàm phán trực tiếp về các hình thức thanh toán để tránh rắc rối về sau”, ông Hùng nói.

Còn ông Nathan Cumberlidge, Phó giám đốc Dịch vụ cho thuê văn phòng của CBRE cho rằng, việc sử dụng tiền USD để tham chiếu cũng như niêm yết trên thị trường bất động sản đã trở thành một thói quen hình thành từ rất lâu. “Trước khi đặt bút ký, khách hàng nên đề nghị đã ra mức chặn và chủ đầu tư chỉ được phép điều chỉnh giá bán trong phạm vi tỷ giá biến động nhất định”, ông Nathan khuyên.

Mới đây, ngân hàng Nhà nước cũng đã “tuýt còi” dự án nhà ở Hattoco vì dùng đôla làm đơn vị tham chiếu quy đổi sang tiền Việt gây thiệt thòi cho khách hàng. Song thực tế, bài toán này vẫn chưa được giải một cách triệt để bởi nhiều dự án đặc biệt là cao cấp vẫn dùng đôla làm đơn vị tham chiếu.

Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ hồi cuối tháng 2, khi đăng đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhắc nhở về việc sử dụng ngoại tệ tràn lan trong thời gian qua. Thủ tướng yêu cầu Bộ công an, cơ quan chức năng vào cuộc kiểm soát việc quản lý ngoại hối, không để việc mua bán công khai các hàng hóa trên thị trường Việt Nam bằng USD, thậm chí thịt cũng tính bằng đôla. “Pháp lệnh ngoại hối đã có. Chúng ta không thể để các hàng hóa đều tính theo đôla. Các trường hợp vi phạm sẽ bị rút giấy phép kinh doanh và xử lý nghiêm”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Hoàng Lan

Theo vnexpress

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc