Home » Thế giới » Vùng đông bắc Nhật thiệt hại như thế nào
Chỉ vài phút động đất và sóng thần quét qua, vùng đông bắc Nhật Bản đã biến thành đống đổ nát khổng lồ và phải mất nhiều năm cùng hàng trăm tỷ USD mới có thể tái thiết sau thảm họa.

Động đất ngày 11/3 với cường độ 9,0 độ Richter không làm nhiều nhà cửa bị sập, nhưng trận sóng thần cao đến 10 mét ập vào như cơn đại hồng thuỷ sau đó mới thực sự kinh hoàng. Bức tường nước đã cướp đi sinh hạng hàng chục nghìn người, quét đi gần như toàn bộ một số thành phố, làng mạc, nhấn chìm đường xá, khiến nhiều cầu cảng, cơ sở lọc dầu và nhà máy lâm vào tình trạng tê liệt.

Quang cảnh hoang tàn. Ảnh: AP
Quang cảnh hoang tàn ở Otsuchi, quận Iwate. Ảnh: AP

Ngành công nghiệp địa phương tê liệt

Có 4 quận chịu ảnh hưởng nhất trong thảm hoạ này là Iwate, Miyagi, Fukushima và Ibaraki,nơi tập trung đa dạng các ngành công nghiệp từ sản xuất thực phẩm đến linh kiện ôtô và đồ điện tử, chiếm khoảng 6% nền kinh tế Nhật Bản.

Cảng lớn nhất vùng đông bắc Nhật Bản là Sendai bị phá huỷ hoàn toàn. Đây là cửa ngõ xuất khẩu nhiều loại mặt hàng từ cao su đến thuỷ sản, máy văn phòng, sản phẩm giấy và linh kiện ôtô. 3 cảng địa phương khác là Hachinohe, Ishinomaki và Onahama cũng bị hư hại nghiêm trọng và phải mất vài tháng mới có thể tái hoạt động.

Có 6 nhà máy lọc dầu với tổng sản lượng 1,4 tỷ thùng dầu mỗi ngày, chiếm một phần ba năng lực lọc dầu của Nhật, đã bị đóng cửa hoặc xảy ra hoả hoạn sau động đất. Trong số này có đám cháy tại một nhà máy lọc dầu kéo dài sang ngày thứ 6 vẫn chưa thể dập tắt.

Bên cạnh đó, ngành sản xuất thép ở khu vực đông bắc Nhật cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhà máy của tập đoàn thép Nippon ở Kamaishi, quận Iwate, phải đóng cửa sau khi sóng thần nhấn chìm nhiều khu vực của nhà máy. Đây là nơi chuyên sản xuất thép và linh kiện chính của ôtô như khung gầm. Nhà máy ở Kashima, quận Irabaki, của hãng thép Sumitomo cũng tê liệt sau động đất.

Ngoài ra, việc 4 trong số các nhà máy điện hạt nhân trong khu vực đông bắc bị hư hại phải ngừng hoạt động dẫn đến tình trạng thiếu điện năng trầm trọng, đẩy nhiều công ty lâm vào cảnh đình trệ sản xuất. Bản thân nhà máy Fukushima I với các vụ cháy nổ lò phản ứng liên tiếp là trung tâm của cuộc khủng hoảng mới đang de doạ nước Nhật.

Tập đoàn Sony phải ngừng sản xuất tại một số nhà máy như cơ sở chuyên sản xuất đĩa Blu-Ray. Hãng Toshiba cũng chịu ảnh hưởng tương tự. Đặc biệt, tất cả các nhà sản xuất ô tô chính của Nhật gồm Toyota, nhà chế tạo xe lớn nhất thế giới, đã ngừng sản xuất trên phạm vi cả nước Nhật.

Các công ty cũng đang đối mặt với những vấn đề như xuất đi linh kiện thành phẩm, nhập về nguyên liệu thô và đưa công nhân tới các nhà máy. Theo nhà phân tích Dale Ford thuộc tập đoàn nghiên cứu thị trường công nghệ IHS iSuppli, điều này gây ra phản ứng dây chuyền tác động tới một số nước khác. Các linh kiện do ngành công nghệ cao của Nhật chế tạo có ý nghĩa sống còn cho khâu lắp ráp sản phẩm cuối cùng đặt tại Trung Quốc và một số nước.

Những thách thức cho công cuộc tái thiết

Các chuyên gia ước tính thiệt hại về vật chất trong thảm hoạ kép ở vùng đông bắc Nhật vượt quá những gì trận động đất Kobe gây ra năm 1995, khi đó tương đương 159 tỷ USD theo ước tính của hãng Standard & Poor’s. Ước tính ban đầu các công ty bảo hiểm sẽ phải chi cho thiên tai ở đông bắc Nhật là 60 tỷ USD, nhưng con số thực tế có thể lên tới hàng trăm tỷ.

Một góc thành phố Sendai bị san phẳng sau sóng thần. Ảnh: AFP
Một góc thành phố Sendai, quận Miyagi bị san phẳng sau sóng thần. Ảnh: AFP

Trong khi đó, quá trình tái thiết sau động đất sóng thần là một thách thức thực sự vì thiệt hại có mức độ phủ rộng. Theo Jun Yang, giám đốc chi nhánh tại Hong Kong của Hiệp hội các kỹ sư dân sự Mỹ, thì việc thiên tai tàn phá các nhà máy nước và hệ thống đường dây tải điện sẽ càng khiến cho việc tái thiết thêm tốn kém.

“Theo quan điểm của tôi sẽ phải mất từ 5 đến 10 năm để tái thiết và sửa chữa”, AP dẫn lời Jun Yang nhận định về khu vực đông bắc Nhật. Ông hiện là trợ giảng tại Đại học Hong Kong và từng tiến hành nghiên cứu thực địa tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc sau khi xảy ra động đất đẫm máu tại đây năm 2008.

Thời gian hàng thập kỷ để tái thiết được dự đoán nói trên chưa bao gồm một chiến dịch đầy thách thức khác là khắc phục ô nhiễm phóng xạ có thể trầm trọng sau khi động đất đánh vào nhà máy Fukushima I. “Điều này có thể ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động tái thiết thời hậu động đất”, Yang nói thêm.

Hai nhà kinh tế Matt Robinson và Ruth Stroppiana thuộc tổ chức Moody’s Analytics thì đánh giá trong một báo cáo: “Tổn thất tại các cảng biển, nhà máy điện và nhà máy lọc dầu ở vùng đông bắc Nhật là rất lớn. Việc dọn dẹp đống đổ nát tại đây cũng phải mất nhiều tháng, trong khi tái thiết những cơ sở hạ tầng chủ yếu sẽ mất nhiều thời gian hơn”.

Nỗ lực tái thiết dự kiến tiêu tốn hàng chục tỷ USD chi tiêu công và điều này sẽ làm lợi cho các công ty xây dựng Nhật Bản. Nhưng chiến dịch khắc phục hậu thảm hoạ sẽ đẩy nợ công của Nhật vốn đang căng thẳng thêm tăng cao.

Sau thảm hoạ động đất Kobe năm 1995, nền kinh tế Nhật đã nhanh chóng lấy lại sức bật do chính phủ tăng chi tiêu công hơn 15% trong 12 tháng sau đó. Nhưng vào thời điểm sau trận sóng thần vừa qua, Tokyo khó có thể dễ dàng chi tiêu như trước vì nền kinh tế nước này đã chìm trong món nợ công tích tụ ở mức lớn.

Quy mô tái thiết lần này cũng không bó hẹp trong một thành phố như tại Kobe trước đây. Một số thành phố sẽ phải xây dựng lại hoàn toàn từ đống đổ nát, trong khi có thể vài năm nữa công việc xây dựng mới có thể thực sự bắt đầu. Đây là nhận định của Ken Collis, một chuyên gia người Australia tham gia điều phối các nhóm kỹ sư chuyên tái thiết sau thảm hoạ.

Collis cho biết từ kinh nghiệm của anh khi tham gia nỗ lực tái thiết tại Maldives sau trận sóng thần năm 2004, giai đoạn lên kế hoạch ban đầu có thể mất một năm, khi những người mất nhà cửa được bố trí tại những nơi ở tạm, còn chính quyền thì bàn thảo để quyết định xem cần làm những gì và tiền tiêu vào những chỗ nào.

Tiếp theo đó lại mất một năm nữa để thiết kế những con đường, cầu cống, nhà cửa và các công trình xây dựng mới. Chưa hết, việc ký hợp đồng sau khi đấu thầu có thể khiến việc chuẩn bị cho công cuộc tái thiết bước sang năm thứ ba. “Dễ phải mất tới 3 năm trước khi những công việc tái thiết thực sự được thực hiện”, Collis nhận định.

Riêng việc dọn dẹp đống đổ nát khổng lồ như thế này tại Otsuchi cũng phải mất vài tháng, trước khi công việc tái thiết có thể bắt đầu. Ảnh: AFP
Riêng việc dọn dẹp đống đổ nát khổng lồ như thế này tại Otsuchi cũng phải mất vài tháng, trước khi công việc tái thiết có thể bắt đầu. Ảnh: AFP

Nhưng Reuben Chu, giám đốc Học viện Kỹ thuật Hong Kong nhấn mạnh sự khác biệt giữa thảm hoạ tại Tứ Xuyên, Trung Quốc năm 2008 với vùng đông bắc Nhật tuần trước. Theo đó tái thiết tại Tứ Xuyên đối mặt với thách thức về mặt kỹ thuật vì phần lớn công việc xây dựng diễn ra tại những nơi có địa hình hiểm trở.

Trong khi đó, địa hình không phải là vấn đề lớn đối với vùng đông bắc Nhật Bản. Nhưng thay vào đó, theo Chu, thách thức lớn nhất tại đây là có đủ tiền, vật liệu và nhân lực để thực hiện công cuộc tái thiết.

Hiện vẫn thể biết chính xác siêu động đất và sóng thần ngày 11/3 sẽ gây ra hậu quả như thế nào về người và của cho nước Nhật, trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang chứng kiến sự trì trệ trong tăng trưởng suốt hai thập kỷ qua. Tuy vậy giới nghiên cứu đều lạc quan rằng có rất ít quốc gia trên thế giới có khả năng phục hồi tốt hơn Nhật Bản sau mỗi thảm họa.

Đình Nguyễn

Theo vnexpress

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc