Home » Xã hội » Bộ trưởng Nông nghiệp nhận trách nhiệm vì để dịch lây lan
“Với tư cách là trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch, tôi xin nhận trách nhiệm với các địa phương trong việc giám sát dịch tễ, chậm công bố cho các địa phương về sự thay đổi của virus”, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát phát biểu ngày 6/4.

Trước diễn biến của dịch lở mồm long móng, sáng 6/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương. Theo ghi nhận, dịch bùng phát từ tháng 10 năm ngoái và hiện đã lan rộng khắp 3 miền. Đặc biệt, chỉ trong 2 tuần gần đây, dịch lan từ 30 tỉnh ra 39 tỉnh. Số gia súc bị nhiễm bệnh và chết cũng tăng chóng mặt, từ 85.000 lên xấp xỉ 135.000 con.

Cục trưởng Thú y Hoàng Văn Năm nhận định, virus gây bệnh trên gia súc (chủ yếu tập trung ở lợn) đã thay đổi gần như hoàn toàn so với chủng virus cũ, gây vô hiệu hóa các vaccine và khiến dịch bùng phát mạnh. Tuy nhiên, Cục này cho rằng, nguyên nhân chính vẫn do thái độ quá chủ quan của các địa phương trong quá trình khống chế dịch.

Theo ông Năm, hầu hết các địa phương gần cả tháng sau khi có dịch mới phát hiện, thậm chí có tỉnh sau 3 tháng dịch hoành hành mới… hay biết. Nhiều địa phương cố tình giấu dịch, báo cáo một đằng làm một nẻo. Đơn cử như Phú Thọ báo cáo không có dịch lở mồm long móng nhưng khi đoàn kiểm tra của Bộ xuống kiểm tra thì thấy dịch lây lan ra nhiều xã, huyện. Tại Lào Cai, báo cáo của tỉnh là không có trâu bò chết, song thực tế từ cuối tháng 3 đã có hơn 6.000 gia súc nhiễm bệnh trên 50 xã.

Ảnh: Trí Tín.
Lợn chết vì bệnh lở mồm long móng ở miền Trung. Ảnh: Trí Tín.

Trước phản ứng gay gắt của Cục Thú y, tại cuộc họp trực tuyến, hầu hết các tỉnh, thành tham gia báo cáo vẫn cho rằng địa phương mình làm tốt công tác phòng dịch. Nguyên nhân dịch hoành hành là do “khách quan”.

Quảng Nam, nơi dịch lan với mức độ chóng mặt, lãnh đạo Sở Nông nghiệp tỉnh quả quyết, nguyên nhân khách quan khiến dịch vượt tầm kiểm soát là do tỉnh nằm trải dài dọc quốc lộ 1A, dễ trung chuyển gia súc tuyến Bắc Nam do đó việc quản lý là không xuể. Ngoài ra, mỗi xã chỉ có một thú y viên nên không thể kiểm soát dịch.

Đại diện Sở Nông nghiệp Vĩnh Phúc cũng đồng tình khi cho rằng một cán bộ thú y phụ trách đến 19-20 thôn là quá khó khăn, chưa kể chế độ đãi ngộ quá thấp, ở mức 2-3 triệu đồng một tháng. “Việc dự trữ vaccine để chống dịch quá bị động, do chưa có chiến lược về nhập khẩu nên dẫn đến việc có tiền cũng không mua nổi vaccine”, đại diện Sở Nông nghiệp Vĩnh Phúc nói.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhìn nhận, dịch bệnh lây lan rộng và phức tạp như hiện nay có phần lỗi của Bộ. “Với tư cách là trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch, tôi xin nhận trách nhiệm với các địa phương trong việc giám sát dịch tễ, chậm công bố cho các địa phương về sự thay đổi của virus. Ngoài ra, Bộ cũng không lường được việc tổ chức mua vaccine để cung cấp kịp thời cho địa phương”, ông Phát nói.

Kết quả theo dõi từ giai đoạn 2003-2010 cho thấy tình hình dịch lở mồm long móng tại Việt Nam phức tạp hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á. Hiện cả nước có hơn 10 triệu trâu bò và 26 triệu lợn cần được tiêm phòng.

Nguyễn Hưng

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc