Home » Xã hội » Khốn khổ chống chọi với dịch bệnh phát sinh sau lũ
Nước lũ rút đi để lại những ổ bệnh nguy hiểm trong các khu dân cư. Nhiều loại bệnh tật ngoài da, tiêu hóa đã phát sinh từ môi trường ô nhiễm, cơm ăn nước uống không đảm bảo vệ sinh, …

Bệnh mới chồng lên bệnh cũ

Nguồn gây ô nhiễm, các ổ bệnh xuất hiện từ các bãi thu gom, tập kết xử lý chất thải rắn, kho chứa hóa chất, kho chứa thuốc bảo vệ thực vật, công trình xử lý nước thải, hệ thống thoát nước thải bị phá hủy, phân, rác, nước thải tồn đọng từ các nhà vệ sinh, hệ thống cống rãnh, chuồng trại chăn nuôi, các cơ sở sản xuất. Ngoài ra là chất thải trực tiếp từ con người trong thời gian bị bão lũ như: phân tươi, rác sinh hoạt, nước thải, ô nhiễm do xác chết của một số loài động vật, gia súc, gia cầm,…

 Xác động vật chết trong lũ là mội trong những nguồn gây bệnh, ô nhiễm môi trường.

Xác động vật chết trong lũ là mội trong những nguồn gây bệnh, ô nhiễm môi trường.

Bác sỹ Phạm Văn Khang – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh – một trong những tỉnh vừa trải qua trận lũ lịch sử – cho biết: “Ngành y tế huyện đã thực hiện phương án “nước lũ rút đến đâu tiến hành làm vệ sinh và xử lý môi trường đến đó” nhưng trước tình hình thời tiết không thuận lợi, ý thức của người dân chưa cao trong công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm nên đến ngày 11/10 trên địa bàn huyện đã có 1.707 trường hợp bị đau mắt đỏ, 118 trường hợp bị tiêu chảy, 1.458 trường hợp bị bệnh ngoài da. Những bệnh có liên quan đến nguồn nước bị ô nhiễm đang khiến người dân lo lắng”.

Còn tại huyện Đức Thọ cũng có 315 trường hợp bị đau mắt đỏ, 118 trường hợp bị nước ăn chân và 62 trường hợp bị viêm da. Đó là chưa kể đến những trường hợp mắc bệnh đi khám tại phòng khám tư nhân và tự mua thuốc chữa trị còn lớn hơn nhiều. Tại huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cũng có tới 1.000 nhà vệ sinh của các hộ gia đình bị ngập trong nước, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Song song với những bệnh phát sinh do hậu quả của mưa lũ, những căn bệnh từ trước khi lũ đến vẫn đang hoành hành. Vào những ngày giữa tháng 10, sau khi lũ rút, trên địa bàn huyện Đức Thọ và Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh), dịch sốt xuất huyết chưa được khống chế.

Tình trạng trên cũng xảy ra ở Nghệ An. Ở thời điểm sau khi nước lũ vừa rút, mỗi ngày có khoảng 300 ca bệnh nhi tới khám tại BV Nhi Nghệ An, sau đó tăng lên 600-700 ca chỉ sau vài ngày. Chủ yếu các bệnh gặp phỉa là viêm da, loét miệng, tiêu chảy, đau mắt đỏ và viêm phế quản.

Bác sĩ Võ Mạnh Hùng, Bệnh viện Nhi Nghệ An cho biết, từ sau đợt lũ, mỗi ngày có 600 – 700 bệnh nhi được bố mẹ đưa đến khám với các bệnh thường thấy như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm phế quản, viêm da trong khi trước đó chỉ 300-400 bé. Nguyên nhân theo ông Hùng là do ảnh hưởng của lũ và thời tiết trở lạnh.

Thống kê ban đầu cho thấy, trong những ngày qua, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã gần 2.500 nghìn trường hợp bị đau mắt đỏ, bằng ấy người bị viêm da và hơn 100 trường hợp tiêu chảy, trong đó nhiều bệnh nhân là trẻ em.

Lực lượng y tế dự phòng họat động hết công suất

Trước tình hình này, Bộ Y tế đã cấp bổ sung cho các huyện, thị thành phố, đặc biệt là các huyện đang xảy ra dịch tại Hà Tĩnh 1.000 gói ORS, 840kg CloraminB bột, 155.000 viên CloraminB, 78kg phèn chua, 11 bình phun, 3 máy phun để phục vụ công tác vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước, đảm bảo không để dịch bệnh có điều kiện thuận lợi để phát sinh.

Tại 7 huyện bị ngập úng (Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Đức Thọ, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh), Trung tâm Y tế dự phòng các huyện đã trực tiếp hướng dẫn người dân xử lý gần 19.000 giếng nước và trên 13.000 công trình vệ sinh bị ngập. Riêng huyện Hương Khê đã xử lý 9.855 giếng nước sau lũ lụt để đảm bảo trở lại nguồn nước sạch cho người dân.

Lực lượng y tế dự phòng đang giúp dân vùng lũ xử lý nước, tránh nguy cơ mắc bệnh từ nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.

Lực lượng y tế dự phòng các cấp đã tăng cường xuống các địa bàn xung yếu tập trung xử lý môi trường, ưa tiên phun thuốc khử độc tiêu trùng tại tất cả các trường học, chợ và khử khuẩn nguồn nước sinh hoạt tại các khu dân cư; riêng Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Hà Tĩnh đã cử 7 cán bộ thường trực 24/24 giờ tại các huyện để giám sát vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước, chôn cất xác xúc vật, phun hoá chất…

Nhằm giúp các địa phương chủ động phòng chống dịch, Trung tâm phòng chống sốt rét tỉnh Hà Tĩnh đã cấp 1.400 chiếc màn tuyn đôi và hàng chục lít hoá chất tẩm màm phòng chống muỗi.

Trong những ngày qua đã có các đoàn y tế Công an tỉnh, Bệnh viện quân khu 4, đoàn thanh niên của bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã về hỗ trợ khám chữa bệnh, cấp thuốc miến phí cho người dân vùng lũ.

Trước đó, Sở Y tế tỉnh Bình Định cũng đã cấp 200 cơ số thuốc cho tuyến y tế địa phương để phát cho người dân. Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh này cũng đã phối hợp với các quận huyện để dọn vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước.

Về phía người dân, các Sở y tế khuyên nên thực hiện “ăn chín, uống sôi “, rửa tay sạch trước khi ăn, bảo quản thức ăn đã nấu chín bằng cách đậy lồng bàn. Nếu dùng nước sông, suối, ao, hồ, kênh rạch phải làm trong và khử khuẩn. Về vệ sinh môi trường, cần thu gom rác, cây cối, xác động thực vật chôn lấp kỹ. Nơi chôn không được gần nguồn nước sinh hoạt.

Ngày 27/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã tới thị sát, kiểm tra công tác y tế tại Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An. Bộ trưởng chỉ đạo các tỉnh phải theo dõi sát diễn biến dịch bệnh sau lũ đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết, đau mắt đỏ và bệnh tiêu chảy và bằng mọi cách không để dịch lây lan. Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cũng thường xuyên đi thực tế, thị sát tình hình phòng chống dịch bệnh tại các vùng lũ sau khi nước rút.

Ngọc Anh

Theo tin247

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc