Home » Xã hội » Các bà vợ tự ‘đeo gông vào cổ’
Ngáp ngắn ngáp dài khi tới cơ quan, chị Chung than mệt vì hôm qua phải thức đến khuya dọn dẹp nhà cửa, giặt, phơi đồ rồi nay dậy sớm nấu bữa sáng. Dù hai con đã qua tuổi đôi mươi nhưng chị lúc nào cũng tất bật như bận con mọn.


“Toàn việc nhà cửa của phụ nữ, chồng tôi không mó tay đến bao giờ. Hai đứa trẻ còn bận việc học hành, nên tôi cũng không muốn chúng phải làm việc nhà. Với lại, nhiều khi, chồng, con làm xong mình không ưng, phải làm lại thì còn mất thời gian hơn”, chị Chung nhân viên trong một nhà hàng ăn uống ở Thái Thịnh, giải thích.

Tuy nhiên, vì ở chỗ làm đã vất vả, bận rộn suốt ngày, về nhà lại vẫn phải luôn tay luôn chân khiến chị nhiều khi quá mệt mỏi, sinh cau có. “Mình làm thì không sao, nhưng điên nhất là mấy bố con cứ tha hồ bày bừa, vô tổ chức, có khi mình vừa lau nhà, cọ toalet xong thì lại đi dép, bôi bẩn ra… Mình nói thì họ còn than khó chịu, rồi bảo mình lắm điều”, chị than thở.

Dù vậy, chị Chung vẫn tự hào khi nghĩ mình là người quan trọng nhất trong gia đình, chỉ có bàn tay của chị thì nhà cửa mới ngăn nắp, chồng con mới được ăn ngon, mặc đẹp. Khi các đồng nghiệp góp ý nếu chị cứ làm mọi việc như vậy, sau này không kham nổi nữa thì ai sẽ giúp chị, hay các con chị khi xa mẹ, phải tự lập, biết sống thế nào, thì chị gạt đi, nói “tới đâu hay tới đó”.

Có chị vợ đảm đang, hết lòng vì chồng vì con nhưng anh Hòa, cán bộ một cơ quan nhà nước ở Hai Bà Trưng, Hà Nội, nhiều khi lại không vui, thậm chí hơi ngột ngạt.

Anh Hòa kể, ban đầu, anh rất phục tài thu vén và sự chắt chiu của vợ. Cũng chính nhờ thế mà dù lương hai vợ chồng không cao nhưng kinh tế gia đình anh khá dần lên. Chị hầu như không chi tiêu gì cho nhu cầu của bản thân. “Quần áo vài bộ mặc mấy năm chưa hỏng. Đầu tóc thì cứ buộc gọn gàng là được, em là chúa ghét mấy kiểu bù xù hay điệu đà”, chị thường trả lời vậy mỗi khi chồng khuyến khích vợ chăm chút hơn cho mình.

Nhưng, vì sự xuề xòa quá của chị, anh lại cảm thấy ngại đưa vợ đến những buổi lễ, tiệc ở cơ quan hay gặp gỡ bạn bè. Có mấy lần, nhân dịp 8/3 hay kỷ niệm ngày cưới, anh mua tặng vợ bộ quần áo, đôi giày hay thỏi son thì chị đều tỏ ra tiếc của, không vui, thậm chí bắt anh đem trả lại. Những dịp đồng nghiệp rủ nhau tụ tập đi chơi, liên hoan chị đều từ chối vì sợ tốn tiền, lại không về kịp nấu cơm cho chồng con.

“Mình sợ nhất là mỗi khi lỡ say xỉn hay đàn đúm với bạn bè, hoặc gây ra lỗi gì là lại được nghe điệp khúc của vợ ‘tôi đã phải chịu khổ, đã hy sinh hết vì gia đình này, thế mà anh còn như vậy’… Nào mình có bắt cô ấy phải vậy đâu. Thà rằng cô ấy cứ ăn tiêu, đi chơi thoải mái một chút, rồi vui vẻ với chồng, con, còn hơn cứ tự ‘trói’ mình rồi lại kêu ca”, anh Hòa thổ lộ.

Anh cho biết, vì tính vợ như vậy, nên nhiều khi anh muốn rủ chị đi chơi, ra ngoài hàng ăn hay du lịch đâu đó để làm mới quan hệ vợ chồng nhưng cũng không dám vì biết trước chị sẽ phản đối, còn mắng anh phung phí, không biết nghĩ tới con.

Từng ôm đồm hết mọi việc trong nhà, không dám chi tiêu gì cho bản thân, đến một ngày bị ngã bệnh, chị Thuận (Hà Đông, Hà Nội) lại ân hận khi thấy chồng con chẳng biết quan tâm, chăm sóc cho mình.

Tháng trước, chị bị sốt xuất huyết, sốt nằm liệt giường, hai đứa con đã học cấp một không biết làm gì, thỉnh thoảng lại vào giục mẹ nấu cơm, rồi xin tiền ra mua bánh, ăn xong là say sưa chơi điện tử. Gọi điện cho chồng thì anh nói đang bận… nhậu với bạn, và tới nửa đêm mới về. Hôm sau, anh điện thoại cho cô em vợ sang chăm chị, còn ba bố con vẫn việc ai nấy làm, chẳng hỏi han gì đến vợ.

“Khi ấy, mình thấy tủi thân vô cùng, nằm truyền nước mà nước mắt chảy ướt gối. Mấy ngày sau, đỡ sốt, trở dậy thì thấy nhà như bãi chiến trường, bát đũa ăn mì chất đống không ai rửa, quần áo bẩn vương khắp nơi… Mình mệt và buồn quá nhưng lại phải lọ mọ đi dọn dẹp”, chị Thuận thổ lộ.

Chị Thuận kể lại, sau khi sinh cậu con trai thứ hai, vì con hay ốm vặt, chị đã xin nghỉ làm ở nhà chăm bé. Từ đó, nghĩ mình không làm ra tiền, chồng phải gánh vác về kinh tế, chị luôn cố gắng chu toàn hết việc nhà và cắt giảm mọi khoản chi tiêu của bản thân. Khi con cứng cáp, được chồng động viên đi làm cho tinh thần thoải mái, chị cũng xin một công việc có thể đi muộn về sớm để lo cho gia đình, chứ không tiếp tục theo đuổi ngành quản lý khách sạn như trước nữa.

Ngày nào chị cũng lo chợ búa, làm hết mọi việc không tên ở nhà, đưa đón các con đi học. Không được nghỉ ngơi, lại chẳng bao giờ chăm sóc cho chính mình nên “dung nhan” xuống cấp nhanh chóng. Khi đó, chị lại quay sang nỗi lo bị chồng chán, chồng cặp bồ.

Theo chuyên gia tư vấn Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn tình yêu – hôn nhân – gia đình, thuộc Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam thì hy sinh vì chồng vì con được coi là một trong những đức tính quý của người phụ nữ Á đông. Cũng vì điều này, ngay từ nhỏ, nhiều bé gái đã được giáo dục rằng khi lấy chồng là phải toàn tâm toàn ý lo cho chồng, con, gia đình nhà chồng, không được bay nhảy hay nghĩ đến bản thân nữa. Mang theo tư tưởng giáo dục này, nhiều cô gái sau khi kết hôn là bỏ qua mọi nhu cầu của mình, tập trung cả sức lực và tinh thần cho gia đình.

Dần dần, ôm việc trở thành thói quen, người phụ nữ nghĩ đó là bổn phận của mình nên tự nguyện làm mọi việc. Nếu “nửa kia” và con cái của họ có ý thức, trân trọng sự hy sinh của vợ, của mẹ và chia sẻ bớt gánh nặng thì gia đình còn êm ấm, bằng không, họ phải chịu muôn phần thiệt thòi. Thực tế, khi người phụ nữ ôm đồm mọi việc thường “làm hư” chồng con của mình, khiến các thành viên khác trong gia đình quen với việc được phục vụ, được chăm sóc, mà không biết cách tự làm mọi việc và quan tâm đến vợ, mẹ.

Chính chị em, khi quá mệt mỏi vì phải gắng sức, sẽ cảm thấy bất công và quay ra trách móc người thân, làm không khí trong gia đình căng thẳng. Không những thế, vì quên chăm sóc bản thân, họ trở thành người phụ nữ không đi kịp thời đại, dễ khiến bạn đời cảm thấy không được ‘”sang vì vợ”.

“Người phụ nữ cần tỉnh táo học cách phân công mọi việc trong nhà cho chồng, con, vừa để chia bớt gánh nặng, vừa để mọi người có thói quen làm việc, chia sẻ với nhau và xây dựng nề nếp gia đình. Chị em cũng cần cần cân đối giữa nhu cầu bản thân với chồng, con. Khi bạn biết tự tạo niềm vui, hạnh phúc cho mình thì mới có thể làm lan truyền những điều tích cực đó tới mọi người xung quanh”, nhà tâm lý chia sẻ.

Vương Linh

* Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi

Theo vnexpress

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc