Home » Xã hội » Nát óc nghĩ chiêu ‘moi’ tiền chồng
Dọn mâm cơm chỉ có đĩa đậu phụ sốt cà chua và bát canh cải lên, chị Hòa cố làm mặt buồn thiu phân trần với chồng: “Anh cố ăn nhé, dạo này cái gì cũng đắt mà lương em lại giảm”.


“Hy vọng ‘khổ nhục kế’ này sẽ khiến anh ấy động lòng, mà chịu chi tiền lo cho các khoản tiêu của gia đình, chứ cứ một mình lo toan thế này mãi thì chết”, chị Hòa (khu tập thể ở Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội) thổ lộ.

Chị cho biết, cưới nhau xong, vì ngại, lại sẵn thu nhập cao, chị hầu như không bao giờ hỏi lương chồng. Anh thấy vậy cũng lơ đi. Nhưng sau khi sinh con, thêm nhiều khoản phát sinh, chị Hòa bắt đầu oải. Chị yêu cầu anh phải góp vào ngân sách gia đình để lo cho con, tính chuyện mua nhà… nhưng anh lúc nào cũng kêu hết tiền.

“Gần đây, mình tham khảo nhiều ý kiến và đang thực hiện vài cách để chồng chịu chi. Một mặt kêu thật nhiều về bão giá, lương thấp, rồi ăn uống thật đạm bạc, nhờ anh ấy mua cho con hộp sữa, lọ thuốc. Lúc nào có người đến thu tiền điện, nước, mình lảng đi. Khi đi siêu thị cùng ông xã, tranh thủ nhặt nhiều đồ dùng dần được như xà phòng, dầu ăn, đồ đông lạnh – và để anh ấy trả tiền… Ông xã cũng càu nhàu, kêu không có, nhưng mình cứ ỳ ra, đành phải chi”, chị Hòa kể.

Chị cho biết, nhiều khi cũng thấy tủi thân khi chồng không tự giác chia sẻ mà lúc nào vợ cũng phải tìm cách “moi” nhưng chị không còn cách nào khác vì phải lo cho con cái.

Bi đát hơn, chị Ngà – kế toán một công ty kinh doanh thiết bị vệ sinh ở Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội, đã phải nhờ mẹ chồng lên tận cơ quan chồng truy lương vì anh mặc kệ vợ lo toan gia đình, ném hết tiền vào nhậu nhẹt, chơi bời.

“Em nghĩ nát óc rồi mà không biết làm thế nào. Tất cả các cách mọi người chỉ cho đều không thể áp dụng được cho chồng em. Anh ta không chịu chi bất cứ khoản nào trong gia đình. Một mình em, lương có hơn 3 triệu một tháng – thì không thể lo xuể”, chị Ngà kể.

Rơi vào thế bí, chị đem mọi chuyện tâm sự với mẹ chồng. Bà biết tính con trai chỉ thích ăn, chơi, hồi ở với bố mẹ, dù đi làm được nhiều tiền cũng không bao giờ chịu chi cho gia đình, nên cũng nói hết lời khuyên nhủ nhưng chồng chị không thay đổi. Hết cách, bà định lên nơi con trai làm việc thu lương nhưng cũng không thực hiện được vì tiền công ty chuyển vào tài khoản riêng của anh ta.

Chuyên gia tư vấn Minh Hoa (đường dây tư vấn tâm lý 1088 TP HCM) cho biết, bà từng cố vấn cho rất nhiều chị em bị dồn vào thế bí khi không biết làm thế nào để chồng chịu mở ví chi tiêu cho gia đình. Một số phụ nữ khác thì thổ lộ phải dùng đủ mọi cách, từ đóng kịch, kể khổ, tới “khoán trắng” một khoản chi nào đó cho anh xã phải mở hầu bao.

“Nhiều khi, dù biết là không đúng, nhưng bản thân nhà tư vấn cũng phải hướng dẫn các bà vợ cách giữ lại tiền hay khéo nhờ chồng mua bảo hiểm, an sinh cho mình, cho con… để đảm bảo cho tương lai. Thật sự, đó là một cuộc đấu tranh gay go, khi nhiều người đàn ông quen với cuộc sống tự do, vô trách nhiệm với gia đình…”, nhà tâm lý chia sẻ.

Tuy vậy, có những “ca nặng” đến mức chính chuyên gia phải ngỡ ngàng và bó tay không biết làm sao. Như trường hợp của chị Thoa (quận 5, TP HCM) là điển hình.

Sau khi sinh liền hai con cách nhau chưa đầy 2 năm, chị Thoa nghe lời chồng xin nghỉ việc ở nhà chăm các bé. Chị yên tâm không lo kinh tế vì biết chồng – trưởng phòng một công ty kinh doanh hàng may mặc – mỗi tháng kiếm được ít nhất cũng khoảng 20 triệu.

Thế nhưng, từ ngày nghỉ ở nhà, mỗi tháng, chị Thoa được chồng đưa cho 4 triệu để chi tất cả các khoản trong nhà, từ tiền điện nước, ăn uống, đóng học cho đứa lớn, mua sữa cho đứa nhỏ… Thấy số tiền này không đủ trang trải, chị nói chồng đưa thêm nhưng anh bỏ ngoài tai.

Phần mình, chị Thoa không dám tiêu gì cho bản thân. Hằng tháng, chị ghi chép cẩn thận từng khoản chi rồi đưa lại để chồng thấy 4 triệu không thể đủ, nhưng anh chỉ ậm ừ rồi lảng luôn. Tuy nhiên, nếu có bạn bè hay người nhà có việc, anh có thể chi tiêu rất hào phóng.

“Em khổ lắm, đến ngày ‘bị’ cũng không dám mua băng vệ sinh, phải lấy vải xô đóng lại như hồi xưa mẹ hay làm. Em cũng không thể để con bị đói, nên nhiều khi phải vay thêm tiền người quen mua đồ ăn, mua sữa cho con. Giờ tới hồi phải trả nợ mà hỏi kiểu gì chồng cũng không đưa tiền, em biết phải làm sao”, chị Thoa than thở.

Nhà tâm lý Minh Hoa cho biết, thường những ông chồng vốn chỉ bo bo biết bản thân, không lo cho gia đình kiểu này rất khó thay đổi, nhất là khi anh ta đã quen với việc người vợ cam chịu. Tốt nhất, cần thảo luận về tài chính gia đình ngay từ khi kết hôn, bàn bạc cụ thể ai quản lý ngân sách, và đóng góp như thế nào, cùng lên kế hoạch cho tương lai.

Nhiều phụ nữ khi cưới không bàn đến việc này vì cho đó là điều tế nhị và hy vọng người chồng sẽ tự giác lo toan cho gia đình. Thực tế, nhiều người đàn ông có quan điểm sống rất “ngộ”: Họ có thể tiêu xài thoải mái cho bản thân nhưng không lo cho vợ con và nghĩ rằng đàn ông được quyền như thế và phụ nữ phải chấp nhận. Khi việc này thành thói quen, các ông sẽ cảm thấy khó chịu, cảm thấy bị kiểm soát khi vợ yêu cầu phải đóng góp.

“Thật ra, đến mức phải nghĩ cách để chồng chịu chi tiền, hay buộc anh ta phải thanh toán các khoản trong gia đình đều là hạ sách, bước đường cùng người phụ nữ phải làm, khi không thể kêu gọi sự tự nguyện của chồng. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tình cảm hai người dành cho nhau, nhưng trong một số trường hợp, nó lại là cách duy nhất để người phụ nữ đặt trách nhiệm gia đình vào tay chồng”, nhà tâm lý cho biết.

Vương Linh

* Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi

Theo vnexpress

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc