Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Mở Đại Việt sử ký toàn thư, tìm nguồn gốc cụ Rùa

Theo ý kiến của các nhà khoa học, việc xét nghiệm gen để xác định đó là loài gì cần phải làm cẩn trọng, đảm bảo không có sai sót. Cần thiết phải có 2 – 3 nhóm chuyên gia làm việc độc lập với nhau để khẳng định chính xác.

Thăng Long là đất rùa

Nhà nghiên cứu sử học Bùi Thiết cho biết, dựa trên các cứ liệu sử học từ thời Lý, rùa đã xuất hiện ở Thăng Long nhiều lần. Riêng trong cuốn Việt sử lược, các sử gia đã hơn 20 lần nhắc tới rùa, trong đó lần sớm nhất là việc người quận Gia Lâm dâng con rùa lớn 6 mắt 3 chân lên vua Lý. Rồi liên tục, cho tới tận năm 1179, các triều vua Lý đều được dâng rùa. Sử ghi có đủ cả rùa trắng, rùa xanh, rùa vàng, rùa trên mai có hình hà đồ lạc thư, rùa trên ngực có chữ Thiên Đế. Thậm chí, năm 1124, công chúa Thụy Thánh dâng vua con rùa có hẳn 4 chữ Dĩ hành pháp công. Còn năm 1166 có vị Đại Liên Nguyễn An còn dâng rùa có tới… 7 chữ Thiên tử vạn tuế vạn vạn tuế trên ngực.

Hà Nội là đất rùa sinh sống từ hàng trăm năm trước.

Nhà nghiên cứu Bùi Thiết còn dẫn hẳn một chi tiết trong cổ sử để kiến giải rằng, vào thời Lý, các cụ rùa bò lổm ngổm rất sẵn trên vùng Thăng Long lắm ao đầm. Năm 1080, sau khi sửa chùa Diên Hựu (Một Cột), vua Lý Thánh Tông cho đúc chuông Giác Thế nặng 7,3 tấn đồng. Chuông nặng không treo nổi, phải đặt tại vùng ruộng trũng sau chùa. Vùng ruộng này có quá nhiều rùa sinh sống nên lâu dần, người dân đổi tên thành Quy Điền Chung (chuông ruộng rùa). Như vậy là rùa ở Thăng Long xưa vốn rất nhiều.

Ngay trong sách Đại Việt sử ký toàn thư cũng có ghi chép về sự xuất hiện của loài rùa rất sớm ở Thăng Long. Đây là vùng đất rùa bởi tính chất đất ngập nước của vùng này. “Rùa có từ rất lâu đời ở Thăng long, điều đó không có gì phải bàn. Nhưng đi tìm dấu tích rùa có từ mấy trăm năm trước là điều vô cùng khó, nên cũng chưa thể khẳng định cụ Rùa đang sống ở Hồ Gươm có phải là hậu duệ của rùa trong truyền thuyết hay không”, nhà nghiên cứu Bùi Thiết nhấn mạnh.

TS Nguyễn Văn Sáng, nguyên là cán bộ Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết, trước đây ThS Nguyễn Quảng Trường (cán bộ của Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật) khi làm đề tài luận án thạc sĩ về rùa Hồ Gươm cũng đưa ra quan điểm rùa Hồ Gươm từng được tìm thấy ở Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Tây (cũ). Nó cũng không phải là loài mới mà được phát hiện từ khá lâu với tên gọi là giải Thượng Hải, có tên khoa học là Refetus Swinhoei. Căn cứ vào mẫu xương mai và sọ của loài rùa ký hiệu HN01 lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội, thu tại Hồ Gươm vào năm 1968; Mẫu xương mai ký hiệu T91 lưu giữ tại Bảo tàng động vật (ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội thu tại sông Mã, Thanh Hóa); Mẫu sọ ký hiệu NQT85, lưu giữ tại Viện sinh thái thu tại xã Cẩm Lĩnh, Ba Vì, vào tháng 6/2001, tác giả nhận thấy, những con rùa “chủ nhân của các mẫu này” đều thuộc một loài có tên là giải Thượng Hải.

Ông Tim McCormarck, điều phối viên Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP) cho rằng, cụ Rùa hiện tại cũng có thể là hậu duệ của cụ Rùa trong truyền thuyết, bởi đây là vùng phân bố và sinh sống lâu đời của loài rùa này dù không có những bằng chứng lịch sử ghi nhận lại.

Không có khả năng là loài rùa mới

Trước thông tin rùa Hồ Gươm có thể là loài rùa mới chưa từng được phát hiện ở Việt Nam, ông Tim McCormarck, người đã có 9 năm ở Việt Nam để nghiên cứu về loài rùa Hồ Gươm cho biết, rùa Hồ Gươm phân bố theo hệ thống sông Hồng, sông Mã ở Việt Nam và sông Dương Tử ở Trung Quốc. Nếu Hồ Gươm xưa là một nhánh của sông Hồng thì không có lý do gì nơi đây lại xuất hiện loài rùa mới, trong khi ở các nhánh sông khác thì cùng một loài rùa.

Theo những nghiên cứu đến thời điểm này của ATP, Hồ Gươm chỉ tồn tại một cá thể rùa Hồ Gươm. “Dựa trên các dữ liệu ghi nhận được cùng những bức ảnh chụp cá thể rùa cho đến thời điểm này, có thể khẳng định Hồ Gươm chỉ có một cá thể rùa. Những cá thể khác còn lại rất có thể là mới được thả vào hồ. Vấn đề phải làm rõ là chúng được thả vào thời điểm nào, ai thả? Năm 2010 cũng có một cá thể rùa Nam Bộ chết ở đây, trong khi loài này chỉ phân bố ở Nam Bộ. Muốn xác định các cá thể rùa khác là loài gì, chỉ cần chụp ảnh thật rõ, nét về mai, yếm, đầu, bụng là biết được. Nếu cần thiết thì xét nghiệm gen sẽ biết”, ông Tim McComarck nhận định.

GS Đặng Huy Huỳnh, chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam cho rằng, trên thực tế, số rùa có cân nặng lên đến vài trăm kg cũng không hiếm. Nếu người ta có ý định thả vào đó cũng khó biết mà chỉ xác định được cá thể đó là loài rùa gì. Đối với cụ rùa vừa bắt được, việc xét nghiệm gen để xác định đó là loài gì cần phải làm cẩn trọng, đảm bảo không có sai sót. Cần thiết phải có 2 – 3 nhóm chuyên gia làm việc độc lập với nhau để khẳng định chính xác.

Tô Hội

Theo bee.net.vn

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc