Home » Khoa học, Tiêu Điểm » Rùa Hồ Gươm là ‘cụ bà’
Các nhà khoa học ra kết luận, rùa hồ Gươm là “cụ bà” với trọng lượng là 169 kg, cùng loài với tiêu bản rùa trong đền Ngọc Sơn, Hà Nội.

Chiều nay, ông Lê Xuân Rao, giám đốc sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, phó trưởng ban ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ Rùa Hồ Gươm, chủ trì cuộc họp thông báo kết quả chăm sóc, chữa trị; công bố các thông số về Rùa hồ Gươm và đề xuất thêm các giải pháp chăm sóc và chữa trị.

“Căn cứ đặc điểm cơ thể về đuôi, màu da, gờ mai, kết quả xét nghiệm AND qua mẫu máu ở bông rửa vết thương cùng mảnh da trên miệng vết thương, cho thấy Rùa Hồ Gươm là ‘cụ bà’”, giáo sư Lê Trần Bình, người làm xét nghiệm AND cho cụ Rùa nói.

Rùa hồ Gươm từng bị nhiều vết lở loét trên mình. Ảnh: Hà Hồng.

Cũng theo ông Bình, ông và đồng nghiệp cũng so sánh với các mẫu nhiễm sắc thể trước đây của rùa Quảng Phú, Thanh Hóa (QP1), rùa Bảo tàng Hà Nội (HK1) tạo thành một nhóm riêng hoàn toàn giống nhau một cách tuyệt đối. Từ đó kết luận, rùa mai mềm lớn đang sống ở Hồ Gươm cùng loài với các mẫu rùa đã mô tả và phân tích trước đây.

Tiêu bản Rùa trong đền Ngọc Sơn cũng nằm trong nhóm này.

“Cụ Rùa hiện đang ở bể dưỡng thương không cùng loài với rùa Đồng Mô”, ông Bình nhấn mạnh.

Ông Lê Xuân Rao cho biết, chiều dài toàn thân của Rùa là 185cm; chiều rộng mai là 99 cm, chiều dài đuôi là 35 cm. Cân nặng của Rùa Hồ Gươm sau một tuần được đưa lên bể chữa trị là 169 kg, nhỏ hơn so với tiêu bản trong đền Ngọc Sơn.

Sức khỏe của Rùa hồ Gươm ngày càng tiến triển, các vết lở loét trước đây đã lành. Thức ăn chính cho cụ Rùa hiện nay là cá trôi.

Trong thoìư gian tới khi nhiệt độ môi trường lên cao hơn, một mái che sẽ được làm phía trên bể nuôi cụ Rùa, cùng một đài phun nước nhằm làm mát và cung cấp thêm oxy, ông Rao cho hay.

Ban chỉ đạo sẽ tiến hành làm mãi che nắng có cửa cơ động để thuận lợi cho việc đưa Rùa ra hồ và ngược lại; làm đài phun nước giữa bể để làm mát trong mùa hè và cung cấp thêm oxi”, ông Rao nói thêm.

Ngoài ra, các nhà khoa học đề xuất đưa lồng cao 1,5 m vào vận hành để chuyển Rùa từ bể nuôi dưỡng ra hồ để Rùa quen dần trở lại với môi trường tự nhiên. Tần suất đưa Rùa lên để kiểm tra và bôi thuốc là 2 tuần/ lần; thời gian và tần suất đưa Rùa từ bể nuôi dưỡng ra hồ là 1 tuần/lần, mỗi lần 6 tiếng vào buổi trưa.

Theo vnexpress

Chuyên đề: , , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc