Home » Xã hội » Lạm thu ở trường học: Như hùn tiền đưa “hối lộ”
Lạm thu trong trường học giống người đưa hối lộ biết là sai nhưng không giám hé miệng. Người nhận hối lộ thì càng không dại gì nói ra.

Tình trạng phụ huynh HS không đồng ý với những khoản thu của trường, lớp đề ra nhưng vẫn phải nhắm mắt làm ngơ, âm thầm đóng góp đang diễn ra phổ biến ở hầu hết các trường học trên cả nước.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, việc phụ huynh phải chạy theo một số nhóm phụ huynh và Ban đại diện cha mẹ HS ở lớp để đóng các khoản thu đầu năm cũng giống như tình trạng hùn tiền đưa hối lộ.

Mặc dù chúng ta đã có những văn bản cấm và có đủ bộ máy để xử lý tình trạng đưa và nhận hối lộ, người đưa hối lộ biết là sai nhưng không dám hé miệng. Người nhận hối lộ thì càng không dại gì nói ra. Điều này thực tế đang diễn ra, mọi người ai cũng biết, cũng chấp nhận. Đây là câu chuyện thật đau lòng. 

Nguyen-Minh-Thuyet

GS Nguyễn Minh Thuyết: “Lạm thu trong trường học như tình trạng hùn tiền đưa hối lộ” (Ảnh: Thành Long)

Sở dĩ có chuyện phụ huynh trong lòng không muốn đóng góp và có những bất bình với những khoản thu vô lý nhưng vẫn phải đóng và khi đóng rồi họ lại tụ tập bàn tán và bày tỏ sự bức xúc là do phụ huynh đã bị áp lực của “tâm lý đám đông”. Họ sợ rằng, dưới áp lực của Hội cha mẹ HS, phần đông đã đóng góp mà mình không đóng thì họ sẽ là nhân vật “thiếu ý thức xây dựng”. Điều đặc biệt là con cái họ học ở trường, lớp đó sẽ không được giáo viên quan tâm, thậm chí bị “trù úm”.

Phụ huynh nên mạnh dạn đấu tranh với lạm thu

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, để chấm dứt tình trạng lạm thu thì chính phụ huynh HS là những người đóng vai trò hết sức quan trọng.

Ví dụ phụ huynh muốn giải quyết những bức xúc trong việc lạm thu ở trường, lớp thì phải mạnh dạn đứng lên phản ánh sự việc lạm thu ở trường, lớp đó. Khi đã mạnh dạn nói lên ý kiến của mình thì phải làm đến cùng, chứ không nên làm nửa chừng. Phụ huynh có thể báo cáo với lãnh đạo cấp trên. Nếu phụ huynh tỏ ra sẵn sàng chấp nhận mọi phản ứng, kể cả việc chuyển trường học cho con thì chuyện lạm thu mới có thể giải quyết được, chứ còn tất cả phụ huynh cứ ngồi than thở với nhau thì sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì.

Đồng ý với quan điểm trên, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, nếu phụ huynh biết những khoản thu trong trường, lớp học là sai hoặc trong lòng không đồng ý nhưng vẫn âm thầm đóng thì sẽ chẳng giải quyết được gì mà chỉ làm cho tình trạng lạm thu ở trường học trở nên phức tạp và khó giải quyết.

Nếu phát hiện trường, lớp học của con hoặc nơi nào đó thu sai quy định thì phụ huynh có thể viết thư phản ánh lên các cơ quan quản lý của ngành giáo dục mà không cần phải ghi rõ họ tên, địa chỉ ở đâu. Nội dung thông tin chỉ cần thông báo trường nào mắc sai phạm là các cơ quan của ngành giáo dục sẽ vào cuộc điều tra, làm rõ.

PGD SGD

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống: Phụ huynh có thể viết thư phản ánh lên cơ quan quản lý của ngành giáo dục về các khoản thu sai của trường học nào đó

Đứng ở cấp quản lý giáo dục, ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ GD-ĐT) cho biết, tình trạng phụ huynh không đồng ý với nhiều khoản thu của trường, lớp nhưng vẫn phải đóng đã cho thấy, nhiều người chưa hiểu rõ các quy định về thu, chi trong trường học. 

Bộ GD-ĐT đã Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, trong đó qui định những hoạt động, nhiệm vụ và trách nhiệm của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Ngoài ra, Bộ đang đưa ra Chỉ thị Năm học gửi các địa phương. Trong đó có nội dung qui định về thu, chi trong trường học. Trong văn bản này Bộ nhắc lại các văn bản đã qui định đối với việc thu chi trong nhà trường: Học phí, lệ phí, bảo hiểm y tế, đóng góp tự nguyện… Đồng thời đề nghị UBND các tỉnh/thành phố chỉ đạo ngành giáo dục, các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện đúng các qui định của Nhà nước. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu, gây bức xúc trong dư luận, nhất là vào đầu năm học mới. 

Vì vậy, tất cả phụ huynh cần hiểu rõ những văn bản thu chi trong trường, lớp học để đóng góp cũng một cách đúng quy định cũng như biết được việc mình không cần phải làm những gì. 

Ông Bùi Hồng Quang khẳng định: Bộ GD-ĐT khuyến khích các phụ huynh HS phát hiện và đứng ra tố cáo nhà trường, lớp học, giáo viên thu sai quy định. 

Nếu phụ huynh nào phát hiện sai phạm trong các khoản thu ở lớp thì có thể thông báo cho Hiệu trưởng nhà trường. Nếu phát hiện sai phạm ở nhà trường thì có thể báo lên phòng Giáo dục của quận, huyện. Trong trường hợp các khoản thu ở trường, lớp nào đó không được giải quyết thì phụ huynh có thể thông báo với Sở GD-ĐT địa phương đó. 

Nguyen-Minh-Thuyet Phu-huynh

Nhiều phụ huynh biết những khoản thu ở trường, lớp là sai nhưng vẫn âm thầm đóng góp (Ảnh minh họa)

Chính quyền địa phương phải thấy lạm thu là vấn đề nhức nhối

Những quy định về chống lạm thu do một cơ quan quản lý nhà nước như Bộ GD-ĐT đã nêu rõ, nhiều cán bộ lãnh đạo ngành giáo dục cũng khuyến khích phụ huynh HS phát hiện, lên tiếng tố cáo các cơ sở giáo dục sai phạm trong thu chi nhưng nhiều phụ huynh vẫn biết có những khoản thu là sai mà vẫn âm thầm đóng góp và chưa dám mạnh dạn lên tiếng. Họ sợ mất thời gian, phiền phức tới bản thân và đặc biệt con mình sẽ bị ảnh hưởng.

Chính vì lý do trên mà nhiều trường thoải mái thu và lấy cớ là do phụ huynh tự nguyện đóng góp. Điều này sẽ khó cho cơ quan quản lý kiểm soát và xử phạt. 

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, để giúp phụ huynh tự tin nói lên những sai trái ở trường học thì các cơ quan chức năng của địa phương, trước hết là ngành Giáo dục phải thấy lạm thu là vấn đề nhức nhối và phải đứng ra giải quyết, chấn chỉnh những vụ việc thu sai. Nếu không giải quyết được thì người dân chưa tin tưởng để cung cấp thông tin. 

Còn TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng GD-ĐT nêu quan điểm, việc để cho phụ huynh lên tiếng tố cáo những sai phạm về các khoản thu trong trường học là vấn đề không dễ nhưng vẫn có thể làm được nếu phụ huynh mạnh dạn và dám đối diện với những phiền phức. 

Tuy nhiên, cơ sở giáo dục phải đảm bảo danh tính của phụ huynh cũng như bảo vệ con em họ học ở trường, lớp nào đó. Đơn cử như một số nhân viên đã dám tố cáo những sai phạm trong việc nhân bản kết quả xét nghiệm tại bệnh viện đa khoa Hoài Đức, Hà Nội. 

Ong-Dang-Quoc-Bao

PGS.TS Đặng Quốc Bảo: Việc chống lạm thu còn mang tính hình thức

PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục (nay là Học viện Quản lý giáo dục) cho rằng, mặc dù văn bản Nhà nước và các cơ quan chức năng đã lên tiếng chống lạm thu nhưng đó chỉ là việc “làm cho có” và còn mang nặng hình thức nên người dân chưa tin tưởng tố cáo tiêu cực, gian dối trong giáo dục nói chung và lạm thu nói riêng. Vì vậy, một khi đã chống tiêu cực, lạm thu thì phải làm nghiêm và dứt điểm không nên chỉ hô hào rồi bỏ đó hoặc làm không đến nơi đến chốn. 

Tình trạng lạm thu của các trường học công lập là vấn đề nhức nhối từ nhiều năm nay nhưng cho đến nay vẫn chưa có bài toán giải quyết dứt điểm. Hiện có nhiều ý kiến khác nhau về nguyên nhân cũng như biện pháp để giải quyết tình trạng kéo dài này.

Chu Miên/VOV

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc