Home » Chia sẻ, Nhịp sống trẻ, Tiêu Điểm » Bức thư lay động cư dân mạng của học trò về tiền trường
Bức thư viết về nỗi thống khổ của cha mẹ và cả học sinh nghèo trước muôn nẻo tiền trường làm lay động lòng người.

lop hoc

Bức thư mang tựa đề: “Thư ngỏ của một học sinh gửi ban giám hiệu trường mình đang học” của một học sinh ở Hà Tĩnh được thầy giáo Trần Đình Trợ (trường THPT Hương Sơn, Hà Tĩnh) đăng tải trên trang mạng xã hội đã làm lay động lòng người.

“Kính thưa thầy cô! 

Em viết những dòng này trong lúc đợi bàn tay chai sạn của cha xách xô vữa cuối cùng và đợi bàn tay gầy guộc của mẹ nhặt nhạnh nốt những túi nilong, những vỏ bia, vỏ nước ngọt còn sót lại sau những bữa liên hoan…

Thưa thầy cô, mỗi lần cầm giấy báo nộp khoản tiền này, tiền kia, ánh mắt bố mẹ em chứa đầy ưu tư lo lắng. Sau những đêm thao thức tính toán, bố mẹ chúng em như già đi thêm vài tuổi.

Năm nay, đứa em trai của em thi đỗ vào lớp 10 trường mình, gánh nặng ăn học của chúng em lại càng đè nặng lên đôi vai chín rạn của cha mẹ. Nhiều lúc, thương cha mẹ, em đã định bỏ học nhưng bố mẹ luôn động viên em, cho dù phải bán máu của mình cha mẹ cũng lo đủ tiền cho chúng em đóng góp…

Em xin thầy cô cho em của em không phải đóng tiền ghế nhựa. Em xin nhường chiếc ghế nhựa em đã đóng tiền hồi lớp 10 cho em. Em xin kê dép ngồi cũng không sao đâu thầy cô ạ.

Chúng em xin thầy cô miễn cho chúng em tiền nước uống. Chúng em hứa sẽ uống no nước ở nhà để không phải uống nước mà mình không có đủ tiền để đóng. 

Hàng ngày, vào những lúc ra chơi, chị em em xin phép thầy cô được mang chổi, gầu hót rác đến trường quét dọn để không phải đóng khoản tiền vệ sinh. 

Dù nhà xa, chúng em sẽ cố gắng dậy sớm, đi bộ đến trường. Thầy cô yên tâm, chúng em sẽ không xin thầy cô khoản tiền gửi xe trong trường. 

Em của em mới vào lớp 10, cha mẹ chúng em cắn răng cho tiền để nó may hai áo đồng phục mùa hè theo chủ trương của nhà trường. Nhưng em thực sự không hiểu vì sao các em khối 11 và chúng em khối 12 đã có hai chiếc áo đồng phục mùa hè mà thầy cô vẫn yêu cầu chúng em may thêm chiếc nữa (mẫu mới)? 

Sắp tới, nhà trường còn định triển khai may thêm áo đồng phục mùa đông cho học sinh các khối.

Kính thưa thầy cô, em đành phải chọn hình thức viết thư ngỏ để bày tỏ những tâm sự của mình. Suy nghĩ của em trong lá thư này là suy nghĩ của hầu hết các bạn trong trường. Thầy cô có thể làm phiếu thăm dò ý kiến của học sinh trong toàn trường để chứng thực điều em nói.

Thầy cô sẽ nghe được những suy nghĩ thật, từ tận đáy lòng của học trò chúng em. Nhân thư ngỏ này, em cũng cầu xin các thầy cô lên tiếng giúp chúng em.

Một học trò nghèo của thầy cô”.

Theo Gia đình & Xã hội


6 ý kiến dành cho “Bức thư lay động cư dân mạng của học trò về tiền trường”

  1. bonnhungnhieu 19/09/2013

    trời ơi, khổ quá em ơi, em bỏ học đi, học làm gì? để làm thầy cô giáo và trở thành những người đang thu tiền những khoản của em bây giờ ư, bỏ học đi em ơi, học làm gì….

    Reply
  2. mini 19/09/2013

    Em nên học và thành công để trả thù ại cái xã hội đã tạo nên những con người như thầy cô ở trường em. Chúc mau lớn.

    Reply
    • Tuấn 25/09/2013

      Thông thường nhà trường nào cũng tổ chức họp phụ huynh đầu năm học, và có thông báo công khai các khoản thu. Nếu gia đình nào có khó khăn thì có thể có đề xuất với nhà trường, có lẽ các thầy, cô giáo và gia đình cùng hội phụ huynh sẽ tìm ra giải pháp.

      Rất nhiều phụ huynh khi đi họp thì không có ý kiến gì, nhưng về nhà thì lại tìm cách nói xấu hay chê bai nhà trường. Đây là “đặc sản dân tộc” đấy.

      Những ý kiến cực đoan như thế này chỉ làm tồi tệ thêm tình hình vốn đã không sáng sủa gì.

      Reply
  3. Phạm minh Tâm 19/09/2013

    Ban lãnh đạo nhà trường không biết đã từng nghèo hay cạn tiền túi bao giờ chưa chứ tôi thì đã từng rất nghèo nên tôi hiểu và thương cho các em…đúng là một lũ khốn nạn.

    Reply
  4. Thật là hết biết. Ớn các thầy cô bây giờ quá. cái này mà còn Ngô tất tố thì có tắt đèn tập 2 quá

    Reply
  5. Lê Văn 25/09/2013

    Đừng vội trách các thầy, cô giáo. Nhiều người hay đi từ thái cực này sang thái cực kia.

    Cần phải có đủ thông tin về hoàn cảnh của đa số học sinh trong trường (chứ không phải chỉ của một em học sinh này) và thông tin từ nhà trường cùng các thày, cô giáo trong trường thì mới có cơ sở để đánh giá và tìm ra giải pháp phù hợp.

    Reply