Home » Thể thao » Bật mí chu trình luyện “chiến binh” của Học viện HAGL-Arsenal JMG
Tài năng, may mắn giúp một số “hạt ngọc thô” ít ỏi có thể vượt qua tỷ lệ 1 chọi… 1 nghìn để ghi tên mình vào danh sách học viên Học viện HAGL-Arsenal JMG. Nhưng sau đó, họ còn phải trải qua một chu kỳ huấn luyện đầy chông gai trước khi ra trường…

Ông Huỳnh Mau – Giám đốc điều hành HAGL cho hay: “Trong đợt tuyển khóa 3 gồm các em sinh năm 2000 đến 2003, chúng tôi chỉ chọn được 4 em trúng tuyển chính thức trong số 4 nghìn em trên cả nước. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tuyển thêm 5 em dưới dạng dự bị”.

Trước đó, trong đợt tuyển sinh khóa 1 chính là lứa những Công Phượng, Văn Toàn, Đông Triều, Tuấn Anh… vừa giúp U19 Việt Nam đoạt ngôi á quân U19 ĐNÁ 2013 và thi đấu vô cùng ấn tượng tại vòng loại U19 châu Á 2014, từ 12 nghìn thí sinh trên cả nước, Học viện HAGL-Arsenal JMG mới chọn được 18 em. Tới khóa 2, từ gần 10 nghìn thí sinh trên cả nước, chọn được 10 em.

  da ma

HLV Guillaume (giữa) trong bài tập “đá ma” cùng lứa học viên khóa 3 Học viện HAGL-Arsenal JMG. Ảnh: Tuệ Minh 

Theo ông Mau, thời gian biểu của các học viên HAGL-Arsenal JMG gần như kín đặc trong những ngày thường: “Hơn 6 giờ sáng các em dậy, chuẩn bị ăn sáng rồi đi học văn hóa. Khoảng 11 giờ tập bóng đến khoảng 12 giờ 30. Sau đó nghỉ ăn trưa, ngủ trưa, tới 15 giờ lại làm bạn với trái bóng trong khoảng 1,5 tiếng. Giờ ăn tối là từ 17 giờ 30 đến 18 giờ 30, sau đó chuẩn bị sách vở đi học ngoại ngữ tiếng Anh, Pháp”. 

Các học viên được nghỉ hoàn toàn trong 2 ngày cuối tuần thứ 7, Chủ nhật. Nhưng như một thói quen, một số học viên ngoài việc đọc sách báo, ôn bài, bơi, chơi billiards, bóng bàn, vẫn mang bóng ra sân tập. 

HAG

Các học viên khóa 3 của Học viện HAGL-Arsenal JMG tranh thủ chơi billiards trước khi bước vào giờ học ngoại ngữ buổi tối. Ảnh: Tuệ Minh 

Quan sát một buổi tập kéo dài 1,5 tiếng đồng hồ của Học viện HAGL-Arsenal JMG, bóng gần như luôn lăn trên sân. Với lứa khóa 1 ở độ tuổi 10 đến 13, các em được dành phần lớn thời gian tâng bóng bằng mu, đùi, vai… Sau đó chơi gôn tôm trên phạm vi nhỏ. Đối với lứa khóa 1, khóa 2, các em có nhiều thời gian chơi “đá ma”, thi đấu đối kháng trên khoảng nửa mặt sân. 

Điểm chung dễ nhận thấy ở cả 3 khóa là các học viên được dành thời gian “đá ma”. HLV Guillaume yêu cầu di chuyển nhiều, chuyền bóng nhanh ở phạm vi hẹp. Hiếm khi có cầu thủ nào sử dụng đến 4 lần chậm. Thông thường họ chỉ dùng 1-2 chạm là có thể đưa ra quyết định chuyền bóng hoặc sút bóng khá hợp lý. Các em khóa 1 mới tập luyện ở Học viện được hơn 2 tháng nhưng đã rất khéo, đặc biệt ở khả năng sử dụng má ngoài của cả 2 chân, chuyền bóng nhanh, tinh tế. 

“Các cầu thủ từ khóa 1 đến khóa 3 của Học viện đều chưa được tập các bài tập sức mạnh, mà chỉ tập các bài tập nhanh, khéo léo. Phải sau 18 tuổi, họ mới được tập sức mạnh. Tại vòng loại giải U19 châu Á vừa qua, U19 Việt Nam với thành phần nòng cốt là Học viện HAGL-Arsenal JMG thua kém U19 Australia về thể hình, nhưng lại thường xuyên thắng trong những bước xuất phát, xử lý bóng trong phạm vi hẹp. Trong bóng đá, chỉ cần hơn nửa bước chân là mọi chuyện đã rất khác rồi”, bác sĩ Đồng Xuân Lâm của Học viện HAGL-Arsenal JMG bộc bạch.

Tuệ Minh

Theo danviet


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc