Home » Xã hội » Bản án “đanh thép” trong phiên phúc thẩm ông Nguyễn Thanh Chấn
“Hành vi giết người của Chấn thể hiện sự hung hãn, tàn bạo và hết sức độc ác ”, đó là kết luận của Viện KSND tối cao tại phiên tòa phúc thẩm vào tháng 7/2004.

>> Tại sao anh Chấn kêu oan nhiều năm mới được xem xét?

Liên quan tới vụ án giết người mà hung thủ là ông Nguyễn Thanh Chấn (sinh năm 1961, thôn Me, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang) từng gây chấn động dư luận vào năm 2003, trong hai ngày 26 và 27/7/2004, TAND Tối cao gồm 5 người đã mở phiên tòa công khai tại trụ sở TAND tỉnh Bắc Giang để xét xử vụ án hình sự liên quan tới bị cáo Nguyễn Thanh Chấn. Luật sư Nguyễn Đức Biền là người bào chữa cho ông Chấn trong quá trình xét xử vụ án.

Tại biên bản lấy lời khai ngày 28/9/2003, Nguyễn Thanh Chấn trình bày lí do có đơn tự thú trước cơ quan công an về việc trực tiếp gây cái chết cho nạn nhân Nguyễn Thị Hoan là… mong được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Còn tại phiên tòa phúc thẩm này, bị cáo Chấn cho rằng, ông nhận tội là do công an dùng nhục hình, ép buộc bị cáo phải nhận việc giết chị Hoan.

cao trang

Về lời khai này của ông Chấn, bản cáo trạng cũng nêu rõ: “Lời ngụy tạo trên đây của ông Chấn không có căn cứ bởi tính manh nha, xảo trá của sự bịa đặt. Hơn thế nữa có những tình tiết bí hiểm mà chỉ có người trong cuộc mới biết tường tận bản chất sự việc”.

Cơ quan tố tụng nêu: Khi so sánh và đối chứng với kết quả xác định dấu chân của Nguyễn Thanh Chấn thuộc diện nghi vấn, về kích thước cơ học của hai dấu bàn chân bên phải và bên trái gần đúng kích thước những dấu vết để lại tại hiện trường của vụ án mạng đêm 15/8/2003.

Trả lời trên báo chí về chi tiết này, luật sư Biền nói: “Riêng dấu chân của Chấn ở hiện trường mà cơ quan điều tra thu được khi ướm dấu bàn chân của Chấn lên đó thì gần vừa. Nếu là vân chân, vân tay thì kết luận này còn có cơ sở, nhưng vết bàn chân tương tự nhau khi úp vào sẽ có kích thước khá giống nhau”, theo luật sư Biền thì đây là một tình tiết đặt ra dấu hỏi quan trọng nhất trong vụ án này.

Liên quan tới vật chứng là chiếc dao bấm mà theo lời khai của Chấn thì ông đã vứt phần chuôi dao tang vật vào đống sắt vụn của nhà anh chị Phượng – Thúy vào ngày 31/8/2003, luật sư Biền cho rằng việc chưa thu hồi được chiếc chuôi dao thì chứng cứ chưa đầy đủ và thiếu vững chắc. Mặc dù, trước đó bà Phạm Thị Vì là mẹ đẻ của Nguyễn Thanh Chấn theo nội dung bức thư tay con trai gửi về đã chỉ dẫn cơ quan điều tra thu giữ 3 quả sứ để trong cốp tủ của gia đình. Lời khai của Chấn là đã từng giấu chiếc chuôi dao bấm ở đó rồi chèn 3 quả sứ lên trên!?

Riêng về yếu tố thời gian, các nhân chứng như Nguyễn Thị Liên, Hoàng Thị Viển, Nguyễn Văn An cũng lên tiếng với những tình tiết được cho là khớp với lời khai của Nguyễn Thanh Chấn.

Với lời khai của bà Phạm Thị Nhâm, ông Nguyễn Văn Thực được luật sư Biền dẫn lời khai tại phiên tòa phúc thẩm cùng bảng kê điện tử, tự động thanh toán tiền điện thoại do bưu điện cung cấp để làm chứng cứ ngoại phạm cho Nguyễn Thanh Chấn, Hội đồng xét xử đưa ra nhận xét: tính khách quan và khoa học của Bảng kê điện tử không thể là bằng chứng khẳng định vào thời điểm thực hiện cuộc gọi Nguyễn Thanh Chấn là người “bấm máy”. Lời khai của bà Nhâm, ông Thực về việc Chấn “bấm máy” cũng không có tài liệu nào khác hơn để kiểm chứng.

Và kết luận của phiên tòa phúc thẩm được nêu rõ: Đặc biệt đáng lưu ý rằng thông qua kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy tính chất cơ học và lý học của các thương tích để lại trên thi thể nạn nhân phù hợp với đặc trưng của các loại phương tiện, hung khí mà hung thủ đã sử dụng cũng như tư thế, hành vi tác động lên đối tượng – nạn nhân.

Hành vi giết người của Nguyễn Thanh Chấn tuy không có dự mưu nhưng đã bộc lộ động cơ, mục đích thấy chị Hoan có một chút nhan sắc nhưng là gái bỏ chồng nên lúc đấy, y mò đến nhà chị với chủ định gạ gẫm giao cấu nhằm thỏa mãn dục vọng. Nhưng gặp chị Hoan từ chối thẳng thừng và còn phản ứng quyết liệt trước hành vi sàm sỡ của kẻ gian tình thậm chí đã dùng vỏ chai đập vào mặt y như một đòn cảnh cáo. Lúc này do bị hạ nhục và có phần cay cú, bực tức mặt khác lo sợ tai tiếng với gia đình – vợ con và dân làng Me nên Chấn đã bột phát, nảy sinh việc sát hại chị Hoan với mục đích “giết người bịt khẩu”.

don

Trong hành trình đi kêu oan cho chồng của bà Chiến đã có không biết bao nhiêu đơn thư đã được gửi tới các cơ quan chức năng

Hành vi giết người của Chấn thể hiện sự hung hãn, tàn bạo và hết sức độc ác và cố tình thực hiện tội phạm đến cùng.

Bản án đưa ra với bị cáo Nguyễn Văn Chấn phạm tội “Giết người”, phạt tù chung thân. Thời điểm chấp hành phạt tù được tính từ ngày tạm giam 28/9/2003.

Đến ngày 5/7/2013, bà Nguyễn Thị Chiến đã có đơn kêu oan gửi đến Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao để xác minh thủ phạm thực sự của vụ án này là Lý Nguyễn Chung. Ngay sau khi nhận được đơn, cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức xác minh, lần theo nơi ở của Lý Nguyễn Chung. Theo cơ quan điều tra, chỉ trong 2 tháng, Chung đã sử dụng gần 100 sim điện thoại và liên tục thay đổi chỗ ở.

con ong chan

Anh Nguyễn Chí Quyết, con trai ông Nguyễn Thanh Chấn đang lục tìm lại những giấy tờ liên quan tới hành trình suốt 10 năm đi kêu oan cho bố.

Bên cạnh việc khẩn trương triển khai các biện pháp điều tra, xác minh, cơ quan chức năng còn kiên trì vận động Chung ra đầu thú. Cho đến ngày ngày 25/10, Chung đã ra đầu thú tại Công an huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk và khai nhận đã thực hiện hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan vào tối 15/8/2003 để cướp tài sản. Sau khi nhận bàn giao, Cục điều tra đã di lý Lý Nguyễn Chung ra Hà Nội để điều tra làm rõ hành vi phạm tội của mình.

Chiều nay, 6/11/2013, tại TAND tối cao, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao gồm 15 thẩm phán đã xét xử tái thẩm vụ án mạng năm 2003 liên quan đến ông Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961, ở Việt Yên, Bắc Giang).

Theo đó, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã chấp nhận kháng nghị từ Viện KSND tối cao và đã quyết định: Huỷ bản án phúc thẩm, sơ thẩm để điều tra lại từ đầu.

Theo Trí Thức Trẻ

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc