Home » Thế giới » Trung Quốc ‘ngán’ lực lượng hải quân Mỹ và Nhật ở châu Á-Thái Bình Dương
Trung Quốc quan ngại về việc Mỹ và Nhật sẽ triển khai lực lượng hải quân ở châu Á-Thái Bình Dương trong tương lai, theo nhật báo Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc.
tau san bay my

Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan ở Thái Bình Dương hồi năm 2011 – Ảnh: Reuters

PLA Daily cho hay Đô đốc Jonathan Greenert, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, gần đây đã hé lộ chiến lược của Hải quân Mỹ trong giai đoạn 2014-2018, trong đó nêu rõ việc tăng cường lực lượng Hải quân Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục chiến lược tái cân bằng ở châu Á-Thái Bình Dương, triển khai thêm các tàu chiến, tàu ngầm và máy bay quân sự đến khu vực này, theo PLA Daily. 

Mỹ còn có mục tiêu triển khai 60% trên tổng số lực lượng và khí tài quân sự hải quân nước này đến châu Á-Thái Bình Dương từ nay cho đến năm 2020, PLA Daily cho hay. 

Hồi tháng 12.2013, Nhật Bản đã thông qua 3 văn kiện: Chương trình Quốc phòng trung hạn, Chiến lược An ninh quốc gia và Đường hướng Chương trình quốc phòng quốc gia, nhấn mạnh những quan ngại về an ninh của Tokyo đối với Trung Quốc và Triều Tiên. 

Trong chương trình quốc phòng ngắn hạn (5 năm) của Nhật Bản, Tokyo sẽ tăng cường ngân sách quốc phòng, mua nhiều loại khí tài quân sự, chẳng hạn như: 17 máy bay quân sự MV-22 Osprey, 3 máy bay không người lái, 52 tàu đổ bộ tấn công AAV7, 99 xe tăng tấn công chủ lực, 28 chiến đấu cơ tàng hình và 3 máy bay tiếp nhiên liệu trên không, để chuẩn bị ứng phó với nguy cơ xung đột với Trung Quốc tại quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. 

Ngoài ra, cũng trong chương trình quốc phòng ngắn hạn kể trên, Nhật Bản sẽ tăng cường triển khai lực lượng phòng vệ trên biển đến các khu vực đảo phía tây nam Nhật Bản, gần với Trung Quốc. 

PLA Daily cho hay các cường quốc quân sự vẫn chuộng tàu sân bay và nỗ lực đóng thêm các tàu ngầm hạt nhân, tăng tốc việc phát triển các lớp tàu ngầm mới, đồng thời cải tiến, nâng cấp các tàu khu trục và tàu hộ tống thành những lớp tàu đa chức năng. 

Cũng theo PLA Daily, Bắc Cực sẽ dần trở thành ưu tiên chiến lược hàng đầu của Mỹ, và Nga cũng đang có kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự ở Bắc Cực sau khi Canada có ý định tuyên bố chủ quyền tại Bắc Cực và các vùng biển xung quanh. 

PLA Daily nhận định rằng những động thái này sẽ khiến cho cuộc chạy đua và cạnh tranh ở Bắc Cực trở nên gay gắt hơn. 

Phúc Duy

Theo thanhnien

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc