Home » Xã hội » Bão số 3 gây mưa to, làm tốc mái nhiều căn nhà

pha cat laigiao thông khu vực Phà Cát Lái, quận 2 thành phố Hồ Chí Minh xảy ra ùn tắc cục bộ. Hàng ngàn người dân ở cả hai phía thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai phải gửi xe máy để đi bộ qua phà về nhà.(Ảnh: Bizlive)

Từ 21h00, Quảng Ninh, Hải Phòng và nhiều tỉnh miền Bắc khác đã cảm nhận rõ sự đe doạ của bão số 3, mưa lớn dần, gió ngày càng mạnh…

Bản tin lúc 21h00 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, bão số 3 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sức gió mạnh nhất đạt 102 km/h, lúc này bão cách bờ biển Quảng Ninh khoảng 50 km.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu trước bão, từ 20h tối nay, tại Hà Nội có mưa khá to và gió mạnh. Cư dân sống tại các toà nhà chung cư cao tầng cảm nhận rất rõ tiếng gió rít, đập cửa, mưa ngày càng mạnh.

Tại Quảng Ninh, theo phản ánh của Báo Quảng Ninh online, theo thông tin từ huyện Cô Tô, vào 21h00 tối nay, trên địa bàn huyện đảo Cô Tô có gió cấp 7, 8, giật cấp 10; lượng mưa khoảng 80mm. Tình hình bão tại Cô Tô bắt đầu diễn biến nhanh và phức tạp.

Hiện tại, các phương tiện tàu, thuyền, mảng, lồng bè vẫn an toàn, bên cạnh đó các hộ dân đã chủ động chằng chống lại nhà cửa để đối phó với cơn bão số 3.

Theo thông tin từ Công ty Điện lực Quảng Ninh, vào khoảng 17h30’, ngày 16-9, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, gió mạnh đã khiến cho lưới điện trên địa bàn tỉnh gặp sự cố, gây mất điện tại các địa phương: Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Ba Chẽ, Tiên Yên, Vân Đồn, Cô Tô, Cẩm Phả, Quảng Yên, Đông Triều.

Trong đó, các khu vực mất điện hoàn toàn là huyện Hải Hà, Đầm Hà, Vân Đồn, Cô Tô.

Còn tại Móng Cái, do sức tàn phá của bão, nhiều ngôi nhà đã bị tốc mái.

Tại Hải Phòng, báo Hải Phòng Online cho biết: để chủ động phòng, chống và ứng phó với những diễn biến bất thường của bão, chiều tối 15-9, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố ven biển phía Bắc, bàn biện pháp đối phó với bão. Tại đầu cầu Hải Phòng, Phó chủ tịch UBND thành phố Đỗ Trung Thoại – Trưởng Ban chỉ huy PCLB-TKCN thành phố và các thành viên Ban chỉ huy PCLB-TKCN thành phố dự.

Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành trung ương xác định tâm bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào khu vực các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, với sức gió mạnh, di chuyển nhanh và lượng mưa trong bão khoảng từ 200 đến 300 mm. Như vậy, phải đề phòng những thiệt hại về lũ quét, sập nhà, vỡ đê và các công trình PCLB; thiệt hại về hoa màu, diện tích nuôi thủy sản và tình trạng mất điện gây thiệt hại cho các trang trại chăn nuôi tại các khu vực bão đi qua.

Tại Ninh Bình, theo phản ánh của CTV Mai Dung/Đài PTTH Ninh Bình, ứng phó bão số 3, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh Ninh Bình đã phân công các thành viên trực tiếp xuống địa bàn chỉ đạo công tác ứng phó bão.

Theo đó, tổ chức lực lượng tăng cường tuần tra canh gác, bảo vệ an toàn đê điều, hồ đập đặc biệt là các trọng điểm xung yếu, tập trung kêu gọi tàu thuyền, người nuôi trồng, đánh bắt thủy sản về nơi tránh trú an toàn. Đồng thời, huy động lực lượng khẩn trương thu hoạch diện tích lúa mùa đã chín, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại cho bà con nông dân.

Tại huyện Kim Sơn, đến chiều nay, toàn bộ các phương tiện bao gồm khoảng 129 tàu, với gần 600 người đã vào nơi tránh trú an toàn, hơn 1 nghìn 200 nhân khẩu thuộc 3 xã bãi ngang cũng đã được sơ tán đến nơi an toàn.

Tại TP HCM, phóng viên Ngọc Luân của VOV- TP HCM cho biết Phà Cát Lái đã bị tê liệt. Cụ thể, chiều tối nay, giao thông khu vực Phà Cát Lái, quận 2 thành phố Hồ Chí Minh xảy ra ùn tắc cục bộ. Hàng ngàn người dân ở cả hai phía thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai phải gửi xe máy để đi bộ qua phà về nhà

Nguyên nhân phà Cát Lái tê liệt là do mưa lớn, mố trụ cầu dẫn lên bờ phía Đồng Nai bị sóng lớn đánh lệch, nên bến phà Cát Lái, buộc phải ngưng hoạt động để đảm bảo an toàn cho hành khách. Sớm nhất 0 giờ đêm nay Phà mới trở lại hoạt động bình thường. Để giải quyết tình trạng ùn tắc, tạm thời chính quyền địa phương hai bên bờ Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giữ xe miễn phí để bà con đi bộ theo phà về nhà. Riêng xe ô tô được hướng dẫn đi vòng về đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây.

Phà Cát Lái được số đông người dân lựa chọn để đi từ thành phố Hồ Chí Minh về Đồng Nai, Vũng Tàu. Vì đoạn đường này rút ngắn hơn so với đi quốc lộ 51 gần 20 km. Mỗi ngày có hơn 45.000 phương tiện và hành khách qua lại nút giao thông này. Trước tình trạng phà tê liệt, không ít hành khách đành phải ở lại thành phố để ngày mai tiếp tục đi học, đi làm./.

VOV tổng hợp

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc