Home » Kinh doanh » Trần lãi suất, cái phao buộc hờ?
Ngày 29/10, quyết định điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, các ngân hàng thương mại áp biểu lãi suất huy động mới.
Tỷ giá và lãi suất là rào cản lớn với doanh nghiệp xuất nhập khẩu

Cũng như lần hạ trần lãi suất huy động ngày 17/3/2014, lần này, thị trường tiếp tục có tiếng nói riêng.

Theo điều chỉnh mới, trần lãi suất huy động VND các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm. Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên áp dụng, nhiều ngân hàng thương mại đã “bỏ qua” mức tối đa này.

Ngân hàng chủ động hơn

Như tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), mức cao nhất trong khoảng kỳ hạn quy định trên chỉ 5%/năm, thấp nhất là 4,3%/năm. Tương tự tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ngay cả kỳ hạn 6 tháng ngoài khoảng áp trần cũng áp thấp hơn với 5,3%/năm. Tại nhiều ngân hàng cổ phần lớn, mức tối đa 5,5%/năm cũng không dùng hết.

Diễn biến trên phản ánh trạng thái và nhu cầu vốn của một bộ phận lớn trong hệ thống. Họ tự cân đối, chủ động áp chính sách lãi suất phù hợp với nhu cầu của mình. Hay, tính thị trường trong lãi suất đã cao hơn và “cái phao” trần hiện hành chỉ còn buộc hờ.

Dĩ nhiên, dù chỉ còn buộc hờ với khoảng kỳ hạn hẹp, nhưng trần lãi suất huy động vẫn có ảnh hưởng và có tính định hướng trong hệ thống.

Trong ngày đầu tiên thực hiện điều chỉnh, một số ngân hàng thương mại vẫn áp lãi suất kịch trần, 5,5%/năm ở tất cả các kỳ hạn 1, 2, 3, 4 và 5 tháng. Cùng đó, các mức lãi suất cao từ 8-8,2%/năm được áp ở các kỳ hạn dài.

Với trạng thái vốn và cạnh tranh huy động không đồng đều giữa các thành viên trong hệ thống, trần lãi suất huy động vẫn là một chốt chặn, ép xuống. Dù một bước nhỏ, nhưng việc ép từ 6% xuống 5,5%/năm đối với những thành viên trên cũng là đáng kể để tạo thêm điều kiện để có thể hạ lãi suất cho vay ở họ.

Trong khi các ngân hàng lớn chủ động áp sâu dưới trần, khoảng cách để cạnh tranh huy động giữa các nhóm/thành viên cũng đã được tạo ra.

Chi phí vẫn còn cao

Tại buổi họp báo ngày 28/10, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói rằng, mức giảm 0,5%/năm của trần lãi suất huy động dựa trên cơ sở của lạm phát. Năm nay, lạm phát dự tính kiềm chế ở khoảng trên dưới 4,5%, nhưng năm tới vẫn phải thận trọng. Đây cũng là tính toán có định hướng của trần lãi suất mới điều chỉnh.

Việc hạ trần cũng tạo điều kiện để các ngân hàng nhìn nhau giảm bớt chi phí huy động, tạo điều kiện để tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, tương tác này sẽ có độ trễ nhất định.

Mặt khác, lãi suất mới thấp hơn chỉ bắt đầu áp cho các khoản vay mới hoặc kỳ điều chỉnh mới, trong khi đó tổng dư nợ hiện tại đang áp lãi suất cũ.

Theo đó, lần thứ hai sau ngày 15/7/2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước “hiệu triệu” các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất đối với các khoản nợ cũ. Mục tiêu đề ra là rút tất cả về tối đa 13%/năm.

Cùng đó là “hiệu triệu” các ngân hàng thương mại nhà nước (hiện chiếm trên dưới 50% thị phần cho vay) giảm và áp lãi suất cho vay trung dài hạn tối đa 10%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên; còn các khoản vay ngắn hạn hiện đã áp trần tối đa 7%/năm (giảm từ 8%/năm).

Thống đốc phải kêu gọi, bởi không thể chỉ đạo hoặc đưa thêm mệnh lệnh hành chính vào cơ chế lãi suất hiện nay. Tuy nhiên, nhà điều hành cũng hoàn toàn có thể hỗ trợ cho kết quả của lời kêu gọi bằng các công cụ sẵn có: bơm – hút vốn trong hệ thống với giá hợp lý hơn.

Tại buổi tiếp xúc với các doanh nghiệp trên địa bàn Thanh Hóa tháng trước, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng nói rằng, Ngân hàng Nhà nước có chủ ý khi để trạng thái vốn và thanh khoản hệ thống dồi dào hơn, nhằm tạo điều kiện để giảm thêm lãi suất.

Tại buổi họp báo ngày 28/10, đại diện 4 ngân hàng thương mại nhà nước cùng một lời rằng: là ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, là đầu mối thực thi chính sách tiền tệ, họ sẽ lập tức hạ lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên xuống tối đa 10%/năm, thậm chí xem xét mở rộng cho các khoản vay thông thường (Agribank). 

Cả 4 đại diện trên đều cho rằng, việc điều chỉnh trên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận. Để cân đối, các ngân hàng sẽ phải tiếp tục tinh giảm chi phí hoạt động hơn nữa. 

Về chi phí, đại diện Vietinbank đưa ra một thông tin đáng chú ý: chênh lệch lãi suất đầu vào – đầu ra hiện nay của họ đã co về khoảng 2,2-2,5%/năm. Bởi lẽ, ngân hàng không thể khai thác được hết nguồn vốn huy động, do phải trích các quỹ thanh toán, dự trữ bắt buộc…, cùng đó là chi phí hoạt động và chi phí trích lập dự phòng rủi ro. 

Đã hơn một năm qua, lãi suất huy động VND đã rút về khá sâu, phổ biến dưới 8%/năm, trong khi tỷ trọng lãi suất từ 13-15% vẫn còn đáng kể. Nhưng tỷ lệ lãi biên như phản ánh trên lại co hẹp như vậy, hẳn một phần lớn do chi phí hoạt động đội lên.

Đây cũng là xu hướng thể hiện rõ khi hai năm gần đây nợ xấu tăng cao, các ngân hàng đều gia tăng phần trích lập dự phòng rủi ro. Chi phí hoạt động của các ngân hàng vẫn còn lớn khi vẫn phải trả lãi cho nguồn vốn kẹt ở nợ xấu, cho chi phí trích lập dự phòng đó.

Minh Đức

VnEconomy

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc