Home » Chia sẻ, Nhịp sống trẻ, Tiêu Điểm » Nguồn gốc thú vị của bộ bài Tây và câu chuyện vua già cơ ‘tự sát’
Nhiều người biết rằng bộ bài Tây hiện nay có nguồn gốc từ bộ bài Tarot, nhưng ít ai để ý đến nguyên nhân xuất hiện hình ảnh vị vua trên lá bài Già Cơ ‘tự sát’ từ những năm 1680.

tinhhoa.net-qFq4lz-20141221-nguon-goc-thu-vi-cua-bo-bai-tay-va-cau-chuyen-vua-gia-co-tu-sat

Hình ảnh vị vua trên lá Già Cơ của bộ bài Rouen và trên lá Già Cơ hiện nay.

 

Thú chơi bài được phát triển qua nhiều nền văn hóa, với phong cách nghệ thuật khác nhau, nhưng do sự cấm đoán bài bạc tại một số nơi mà những lá bài mỏng manh có lúc bị hủy hoại và thất lạc. Trải qua nhiều thăng trầm, nhưng rồi chúng vẫn được lưu hành cho đến ngày nay dù nguồn gốc phần lớn vẫn là một bí ẩn.

Có giả thiết cho rằng chính người Trung Quốc chơi bài Tây đầu tiên, tuy nhiên khoảng năm 1000 sau Công Nguyên, người Trung Quốc chỉ sử dụng các tấm giấy như vật định giá trong trò đổ xúc xắc. Cả bài Tarot và bài hiện đại đều liên quan đến bộ bài có tên là Minor Arcana.

Bộ bài Tarot được chia thành hai bộ nhỏ, một là bộ Minor Arcana với 4 nước, mỗi nước 14 lá, tổng cộng có 56 lá. Người Ý sau đó thêm vào 22 lá đặc biệt gọi là bộ Major Arcana làm nên cỗ bài Tarot có 76 lá được chơi trong trò Tarocco. Bài Tarot nổi tiếng về các hình vẽ ấn tượng và có tính biểu trưng cao, ví dụ như tấm bài Pháp sư (The Magician), Tòa tháp (The Tower) và Mẹ Trái đất (The Empress). Cái tên Tarot bắt nguồn từ chữ Tarocco, và cỗ bài Tarot được thầy bói sử dụng hiện nay gần như không thay đổi so với cỗ bài Tarocco trước kia. Tuy nhiên, có bằng chứng cho rằng, bài Tarocco mãi đến năm 1780 mới được sử dụng làm công cụ tiên tri.

 

Có rất nhiều cách bói bài, tùy theo thiết kế của lá bài, truyền thống bói toán trước giờ và bản thân người bói. Chẳng hạn, bộ Major Arcana trực tiếp tiên đoán tình trạng chung chung, trong khi bộ Minor Arcana cung cấp thông tin chi tiết hơn. Mỗi lá bài đều có một ý nghĩa riêng. Bằng cách kết hợp ý nghĩa của từng lá bài theo trật tự rút được, người bói bài sẽ nói cho bạn biết về quá khứ, hiện tại và tương lai của bản thân.

Ví dụ, một số người bói bài cho rằng ý nghĩa của lá Bánh xe Định mệnh (The Wheel of Fortune) trong bộ bài Major Arcana là “thay đổi” còn lá bài 7 Gậy (7 of Wands) của bộ Minor Arcana có nghĩa là “giao tiếp”. Như vậy, kết hợp hai lá bài lại với nhau, ta được một lời tiên đoán là “thay đổi vì chuyện tầm phào”.

4 nước bài trong bộ Minor Tarot có tên là Cốc (Cups), Tiền (Coins), Gậy (Wands) và Kiếm (Swords), mỗi nước có 14 lá xếp từ 1 tới 10, sau đó là các lá Người hầu (Page), Hiệp sĩ (Knight), Hoàng Hậu (Queen), Vua (King). Trong đó, Cốc tượng trưng cho giới nhà thờ, Tiền đại diện cho nhóm thương nhân, Kiếm thay mặt cho chiến binh và Gậy là tầng lớp lao động.

già cơ, bộ bài Tây, bài Tarot, Bài chọn lọc,
Các lá bài Gậy có con số tương ứng với số lượng gậy trong hình. Bên trên từ trái qua là lá 3 of Wands, 7 of Wands và Page of Wands. Các lá Page sau này đã được bỏ đi trong bộ bài hiện đại.

Bộ bài hiện nay có 52 lá do đã bỏ đi 4 lá Page ở mỗi nước. Biểu tượng Cốc, Tiền, Gậy và Kiếm lần lượt được thay bằng Cơ (cœur – trái tim), Rô (carreau – gạch ngói), Chuồn (trèfle – cỏ ba lá), Bích (piques – mũi giáo) với ý nghĩa biểu trưng có lẽ không thay đổi. Các hình vẽ trên bộ bài hiện nay cũng đơn giản hơn, chỉ trừ hình vẽ trên các lá Bồi (viết tắt là J từ chữ Jack), Đầm (viết tắt là chữ Q từ chữ Queen), Già (viết tắt là K từ chữ King).

Một câu hỏi khác được đặt ra là tại sao hình ảnh vị Vua trên lá già cơ lại tự sát?

Xuất phát từ các sự kiện lịch sử trước đây, người ta cho rằng, Charlemagne Đại Đế là hình người được vẽ trên lá già cơ, nhưng theo lịch sử thì ông sống thọ đến 71 tuổi, nên khả năng tự sát rất thấp. Nguồn khác lại cho rằng đó là hình ảnh của Alexander Đại Đế, người qua đời ở tuổi 32 (năm 323 TCN) do sầu khổ vì cái chết của người tình là Hephaestion, nhưng có bằng chứng cho thấy vị vua này bị đầu độc chết chứ không phải tự tử. Lại cũng có giả thuyết khác cho rằng vua Charles VII của Pháp là người được họa trên lá Già Cơ, vị vua này người bị điên loạn do ung thư cuống họng không thể ăn uống và qua đời vào năm 1461. Ông đã tự cắt cổ họng mình để được giải thoát.

Dường như không có sự kiện lịch sử nào thuyết phục để lý giải cho việc vị vua cầm kiếm đưa vào cổ mình trên lá Già Cơ mà chúng ta thấy ngày nay. Liệu có phải điều này đến từ một sự nhầm lẫn.

già cơ, bộ bài Tây, bài Tarot, Bài chọn lọc,

Trước năm 1680, là một họa sĩ được thuê để thiết kế bộ bài mới dựa trên bộ Rouen của Pháp, các lá bài được thu gọn lại chỉ đủ để vẽ phần đầu và thân người. Đối chiếu lại bộ bài ngày nay với bộ Rouen năm xưa, người ta phát hiện nhiều điểm tương đồng. Trong bài Rouen, cả hai vị vua đều mang vũ khí là rìu chiến, và chiếc rìu được giơ lên ngang đầu trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Do khoảng trống hạn hẹp, các nghệ sĩ đã dấu lưỡi rìu phía sau đầu vị vua, và chỉ cho thấy phần cán. Các nghệ sĩ thời sau, do không thấy được lưỡi rìu nên đã nhầm vũ khí của vua là thanh kiếm, và vẽ thành cán kiếm kể từ đó.

Do góc nhìn 2 chiều nên thanh kiếm trông như đâm vào đầu vua, biểu tượng được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay trong các sòng bài khắp thế giới.

Như vậy, tìm hiểu nguồn gốc bộ bài Tây để thấy rằng việc chơi bài từ trước kia chỉ là thú tiêu khiển của giới quý tộc, và mỗi lá bài đều có biểu tượng và hàm ý riêng chứa đựng một sự kiện lịch sử. Nhưng ngày nay, bộ bài đã bị làm cho biến dạng và trở thành phương tiện sát phạt tàn nhẫn khiến bao gia đình nhà tan, cửa nát.

Theo tinhhoa.net – Tổng hợp theo Epoch Times


01 ý kiến dành cho “Nguồn gốc thú vị của bộ bài Tây và câu chuyện vua già cơ ‘tự sát’”

  1. Long Tran 24/12/2014

    Bài để tiên tri chứ đâu phải để chơi.

    Reply

Ý kiến bạn đọc