Home » Xã hội » Vé tàu xe tết và nỗi lo của người lao động
Có lẽ hiếm quốc gia nào như ở Việt Nam, cứ mỗi khi gần tới tết là người dân tại các TP lớn lại lo lắng làm sao kiếm được tấm vé tàu xe để về quê ăn tết.

Vé xe

Năm nào cũng vậy, Bến xe Miền Đông ở Sài Gòn luôn là điểm nóng với cảnh người chen lấn xô đẩy tranh nhau tấm vé, đến cò vé giành giựt khách, đến cảnh nhiều người thấp thỏm lo lắng vì không có được vé để về quê.

Những năm trước nhiều người để về được quê phải chấp nhận chui vào gầm xe (nơi để hành lý), nằm trong không gian chật hẹp với nguy cơ chết ngạt bất cứ lúc nào.

Năm nay dù ngày 20/1 là ngày bán vé chính thức, nhưng do nhu cầu cao nên ngày 11/1 các hãng xe khách thương hiệu tại Bến xe Miền Đông đã bán vé cho khách có nhu cầu về quê dịp tết.

Đến thời điểm ngày 20/1 Bến xe Miền Đông cho biết vé từ ngày 24 đến 29 tết đã bán hết.

Những ngày này lượng người tại Bến xe Miền Đông quá đông dẫn đến cảnh chen chúc xô đẩy. Lực lượng bảo vệ liên tục dùng loa để ổn định và yêu cầu hành khách trật tự, không chen lấn, to tiếng… nhưng vẫn không thể đảm bảo được tình hình.

Không chỉ Bến xe Miền Đông mà ở các Bến xe trong TP lớn, những ngày này lượng người đến rất đông, họ phải xếp hàng từ 2, 3 giờ sáng mong có một tấm vé để về quê ăn tết .

Tại Hà Nội, sau tết dương lịch, nhiều người đã xếp hàng trước cửa một nhà xe lớn ở đường Xã Đàn từ 3h sáng để chờ mua vé xe khách.

Mặc dù giá xăng giảm mạnh nhưng giá vé xe lại tăng lên từ 20% đến 60% so với ngày thường tùy thời điểm khởi hành. Lý giải cho việc tăng giá này các nhà xe cho biết là do chiều xe từ các tỉnh về TP là trống, nhưng xe vẫn phải chạy nên phải tăng giá để bù vào.

Cũng có một lý giải khác cho việc tăng giá là do cước phí tăng theo dịp tết. Riêng tuyến đường Sài Gòn đi Hà Nội có vài ba chục trạm gác, chưa kể các trạm gác đột xuất khác. Mỗi trạm gác phải chung chi 200 ngàn đồng mà không có giấy tờ.

Ở Bến xe Miền Đông , nếu thoạt nhìn vào thì các nhà xe rất tuân thủ các quy định, cứ tới giờ là xe xuất bến. Nhưng nếu quan sát kỹ sẽ thấy họ có một đội chuyên cò mồi, lân la tới gặp các khách để chèo kéo bán vé chợ đen với giá cao, hoặc nhắn khách ra đợi xe ở ngã tư Thủ Đức thì sẽ được chỗ ngồi tốt, giá hợp lý và nhà xe cũng không phải mất chi phí phần trăm cho bến. Nếu khách đợi ngoài bến xe thì được chỗ ngồi tốt nhưng nếu có dịch vụ kèm theo thì giá rất cao, một chiếc xe máy ra bắc là 1 triệu đồng, còn đến miền trung là 700 ngàn đồng.

Vé giả

Hiện nay đã xuất hiện lừa đảo vé xe khách trên Facebook. Theo tin tức từ báo Thanh Niên, chị T.H. mua 2 vé xe tết tuyến Sài Gòn – Phú Yên từ một người qua Facebook. Sau khi nhận vé, thấy vé có phần khác thường, chị T.H. mang vé đến bến xe xác minh với nhà xe thì mới biết đó là vé xe tết giả.

Vậy làm sao để nhận biết được đâu là vé giả, ông Nguyễn Hữu Phúc, trưởng phòng vé của hãng xe Cúc Tư khi xem xét hai tấm vé giả trên đã cho Báo Pháp Luật biết: hai tấm vé này được làm giả khá tinh vi. Vé có đầy đủ các thông tin về ngày giờ đi, số xe, số ghế ngồi… nhưng thiếu một số thông tin nhận dạng như dấu giáp lai giữa hai liên vé cùng mã số thuế; số sêri in bằng mực đen ở phía trên góc phải; giá tiền trên vé thật đóng dấu bằng mực đỏ…

Vé tàu tết

Năm nay do bắt đầu cải tiến bán vé tàu qua mạng từ ngày 1/12 nên việc mua vé tàu là nhẹ nhàng hơn so với vé xe. Đồng thời với việc minh bạch giá bán nên tránh được việc có nhiều mức giá vé khác nhau. Giá vé cũng giảm 17% so với ngày thường, đây là tín hiệu đáng mừng cho người lao động và sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Tuy nhiên cũng xảy ra tình trạng nhiều người báo đăng ký mua qua mạng thành công nhưng khi ra nhận vé thì lại không có. Nhiều người không quen với việc lên mạng, nên không tin tưởng ở việc giao dịch trên mạng nên vẫn đổ về nhà ga, dẫn đến nhiều nhà ga bị quá tải.

Hiện tại Nhà ga Sài Gòn và ga Hà Nội thông báo có rất nhiều vé đã được đặt và thanh toán tiền nhưng chưa có người nhận, ga Sài Gòn là 10.000 vé, ga Hà Nội là 4.500 vé. Các nhà ga này cũng lo lắng nếu tới sát ngày khách mới đến lấy vé có thể dẫn đến quá tải và sai sót.

Người lao động vất vả vì vé tàu xe

Ảnh: Dân Việt

Ảnh: Dân Việt

Tại Bến xe Miền Đông, ngay ngày đầu tiên bán xe tết là ngày 11/1, nhưng đã có rất nhiều người lao động không mua được vé, chị Lê Thị Tâm (quê Đà Nẵng) bức xúc nói với Báo Dân Việt ““Tôi mua vé về Đà Nẵng vào ngày 26 âm lịch. Mấy ngày nay, tôi liên tục gọi điện thoại đến tổng đài hỏi kế hoạch bán vé thì được trả lời là chưa có kế hoạch. Sáng nay, ra đây mới thấy thông báo là đã hết vé. Không biết nhà xe bán vé ở đâu, tại sao lại trả lời như vậy làm cho khách mua không được vé.”

Tương tự, nhiều người bức xúc kéo đến quầy vé của Thuận Thảo để hỏi thì được trả lời số vé hết trên một số tuyến là do khách quen đặt mua, còn vé bán tại bến vào ngày mai (12.1) mới bán.

hanh khach

Nhiều hành khách phản ánh hãng xe Thuận Thảo công bố kế hoạch bán vé không rõ ràng, mập mờ trong cách bán. (Ảnh: Dân Việt)

Lương công nhân tại các Khu Công nghiệp hiện nay là 2,5 – 4 triệu đồng một tháng, phải trả cho các khoản chi phí thuê nhà, tiền điện nước, sinh hoạt. Cả năm làm việc chỉ dư ra được vài triệu, nếu về quê thì riêng chi phí đi về là đã hết sạch tiền dành dụm cả năm, nên nhiều người đã nhiều năm rồi không dám về quê dịp tết.

Mỗi dịp tết đến trong khi các nhà ga bến xe đầy ắp người tranh giành mua vé, thì cũng có những người phải đợi đến khi chính thức nghỉ tết rồi, ra ngã ba Thủ Đức đón xe với hy vọng sẽ trả số tiền thấp hơn là phải mua vé.

Dù năm nào nhà nước cũng công bố chính sách trợ giúp cho người nghèo đón tết, nhưng cứ tết đến những người lao động lại chạnh lòng thấm thía thân phận của mình trong xã hội./.

Ngọn Hải Đăng

Theo daikynguyenvn

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc