Home » Xã hội » Đừng ăn chặn dân nghèo, để người dân đón tết yên vui (phần 3)
dan ngheoThực tế, mấy chục năm qua, sản xuất nông nghiệp Việt Nam chưa phát triển được bao nhiêu, vẫn là những loại cây, loại con, loại quả ấy. Trong khi đó, nhờ thành tựu công nghệ sinh học nên nông nghiệp các nước phát triển đã có những bước tiến rất xa. Do đâu mà một nước nông nghiệp nhưng Việt Nam vẫn phải nhập rất nhiều sản phẩm nông nghiệp của nước ngoài. Ví dụ, nhìn vào quầy bán hoa quả, ta thấy sản phẩm của nội chưa đến một nửa số lượng mặt hàng, còn về giá trị thì cũng thấp hơn. Mời bạn đọc cùng tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề này.

>> Đừng ăn chặn dân nghèo, để người dân đón tết yên vui (phần 1)

>> Đừng ăn chặn dân nghèo, để người dân đón tết yên vui (phần 2)

Sản xuất manh mún, nhờ trời ở nông thôn

Về quy mô, sản xuất nông nghiệp quá nhỏ lẻ, manh mún, không thể tiến lên sản xuất lớn, không thể đưa các công cụ hiện đại như máy cày, máy gieo hạt, máy liên hợp dặt đập được. Cứ nhìn vào đồng bằng sông Hồng, mỗi mảnh ruộng bé tẹo, chỉ vài trăm mét vuông. Lý do vì người ta chia bình quân để công bằng, hộ nào cũng có ruộng cao, ruộng thấp trũng, ruộng xấu, ruộng tốt, trong làng, ngoài đồng đều chia thế. Bình quân mỗi hộ ở bắc bộ chỉ có 3 sào, xấp xỉ 1.000 m2 mà có đến gần chục mảnh ruộng, thì mỗi ruộng chỉ có 100-200 m2. Với diện tích bé, manh mún thế thì không thể đưa máy móc vào được, đến bây giờ vẫn còn cày bằng trâu, trâu cày rồi thì còn thừa 4 góc, phải cuốc bằng tay. Đã có chính sách cho bà con tự đổi, nhưng thủ tục khá phức tạp và người dân đã quen thế rồi.

Bộ nông nghiệp có thống kê, bình quân ruộng trên đầu người của nông dân đồng bằng sông Hồng chỉ bằng khoảng 1/1.000 so với nông dân Mỹ, bằng 1/10.000 so với nông dân Úc.

Về áp dụng cơ giới hóa thì hầu như chưa có, chỉ mới giải quyết được ở khâu tưới nước, có mương thủy lợi và máy bơm nước, không còn phải tát gàu sòng như trước. Như trên đã nói do diện tích ruộng quá bé nên không đưa máy móc vào được. Còn đồng bằng sông Cửu Long thì điều kiện cũng khá hơn, nhưng cũng chỉ có những máy cũ nhập bãi rác của nước ngoài, đã lạc hậu hàng thập kỷ, mà giá máy cũng rất cao, ở trong nước thì chưa sản xuất. Có những nhà nông tự nghiên cứu chế ra máy, gọi là máy “hai lúa”, nhưng cũng chỉ là hơn lao động bằng tay. Nói chung, trong nông nghiệp chưa áp dụng được công cụ hiện đại, việc phun thuốc sâu bằng máy bay thì vẫn chỉ trong mơ.

Về áp dụng công nghệ sinh học lại càng xa vời, chưa lai tạo ra những loại cây, con, quả thật hiệu quả.

Do không chủ động được khoa học công nghệ, kỹ thuật nên sản xuất nông nghiệp vẫn phụ thuộc vào thời tiết, gọi là nhờ “Trời”, thu hoạch, được mùa đều là nhờ trời. Vẫn là giống lúa cũ, năng suất không cao, chất lượng gạo, mùi vị gạo không khác biệt, giá bán vẫn chỉ được 500 đô/tấn, chưa có những loại gạo nổi bật, giá cao hơn như của Nhật, Thái. Các loại hoa, quả, cây, con cũng vẫn như ngày xưa, sự tiến bộ là chưa đáng kể. Trong khi, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật, Úc đã đưa ra nhiều loại quả mới, con giống mới, năng suất, chất lượng vượt trội hơn hẳn những loại cũ. Đây cũng là lý do gạo Việt Nam có giá thành cao hơn gạo Thái Lan, các sản phẩm nông nghiệp như ngô, đỗ tương, lạc, sắn, các loại hoa quả, thực phẩm, thịt cá đều giá cao hơn Trung quốc.

Ngược lại, do không hiểu biết, do tham lợi trước mắt nên nông dân đã sử dụng những loại hóa chất độc hại, loại thuốc kích phọt, thuốc trừ sâu để tưới, bón cây hoa màu, rau quả mong được năng suất cao; chăn nuôi gia súc gà, lợn, cá.. bằng thức ăn kích thích tăng trưởng, tồn dư hóa chất độc hại lớn; bảo quản hoa quả tươi bằng những hóa chất độc. Nhìn chung sản suất nông nghiệp đang có nhiều nhân tố không an toàn, không đảm bảo vệ sinh thực phẩm, bẩn, ô nhiễm có ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người. Hậu quả là người tiêu dùng lảng tránh rau bẩn, thịt bẩn, hoa quả bẩn do nông dân sản xuất để vào siêu thị mua sản phẩm sạch, như vậy mất dần thị trường. Đây cũng là một nhân tố làm cho sản phẩm nông nghiệp của nước ngoài dán mác “sạch” đã ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam.

Nguyên nhân tiếp theo là từ tính tự phát, không có quy hoạch vùng sản phẩm nên có một số sản phẩm nông nghiệp đang trong tình trạng khủng hoảng thừa.

Lúc chặt cây tiêu để trồng điều, lúc thì chặt điều trồng cà phê, trồng mía… Do tự phát nên nông dân thấy loại nào cho thu nhập cao hơn thì tự do chuyển đổi, rất tốn kém về vốn đầu tư và thời gian, mà nếu nghe theo nhà quản ly, nhà khoa học thì còn nguy hiểm hơn, vì họ không sát thực tế. Việc doanh nghiệp phối hợp với nông dân để thu mua sản phẩm cũng chưa hoàn toàn theo thị trường, còn ép giá, thậm chí chỉ thu mua tùy hứng, làm nhà nông đã nhiều khi phải đốt cả ruộng mía vì không bán được, để quá lứa; đổ bỏ sữa bò vì không bán được…như đã được báo chí đưa tin.

Hơn nữa, chính quyền thu quá nhiều các loại phí nông nghiệp.

Ở các nước phát triển đều có trợ giá, hỗ trợ cho nông nghiệp. Ở ta trong khi sản xuất rất khó khăn, thì nhà nước lại thu quá nhiều các loại phí, mới đây báo chí cũng nêu chuyện nực cười là 1 con gà cõng 14 loại phí; 1 lít mật ong hàng chục loại phí vô lí; một hạt thóc hiện nay cũng phải “cõng” tới hàng chục loại phí, nào là phí sản xuất nông nghiệp, vệ sinh môi trường, quản lý trạm thủy lợi, trạm điện… các loại phí này nhiều đến nỗi, tháng trước một vị lãnh đạo Bộ Nông nghiệp nghe phản ánh cũng phải ngỡ ngàng, sửng sốt. Phí nhiều thì giá thành tăng, trong khi năng suất lao động thấp, mỗi hộ bình quân chỉ có 0,3 ha đất, với bình quân 1,7 lao động/hộ thì giá thành sản tạo ra so với 1 hộ nước ngoài có bình quân trên 10 ha thì phải cao nhiều rồi.

Đó là những nguyên nhân chính làm cho năng suất lao động khu vực nông nghiệp rất thấp, thu nhập của nông dân quá thấp và cuộc sống quá khổ, bấp bênh, nhờ trời. Kết quả là nông dân bỏ ruộng, trả ruộng đã xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước, có nơi âm thầm, có nơi ồ ạt. Nếu những năm 2011 trở về trước, việc bỏ hoang ruộng đất mới xảy ra ở một số tỉnh như Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Ninh… chủ yếu trên diện tích chung quanh các doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp, thì hiện nay ở Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hà Nội… ngày càng có nhiều hộ nông dân bỏ ruộng và làm đơn trả ruộng, kéo nhau ra phố làm ăn. Có những người mặc dù không “ly hương” nhưng cũng “ly nông”, bỏ ruộng. Theo số liệu thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tại các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đã có đến 2.011,90 ha đất ruộng bị người dân bỏ hoang và trả lại chính quyền; số hộ nông dân bỏ ruộng là 6.040 hộ, số hộ nông dân trả ruộng là 2.009 hộ.

(còn tiếp)

Thành tâm

Theo daikynguyenvn


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc