Home » Kinh doanh » Doanh nghiệp nói gì trước “cú sốc” tăng giá điện
GIA DIEN
Giá điện tăng đã bồi thêm khó khăn cho doanh nghiệp.
Vài ngày tới, điện sẽ tăng giá thêm 7,5%. Thời báo Kinh tế Sài Gòn ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp đại diện một số ngành sản xuất về tác động của đợt tăng chi phí đầu vào ngay trong thời điểm đầu năm 2015 – vốn được cho là “năm vì doanh nghiệp”.

>> Thấy gì từ việc tăng giá điện của EVN

Ông Nguyễn Xuân Hàn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco):

– Nói thực tình thì sức khỏe của các doanh nghiệp hiện nay vẫn còn yếu lắm. Bây giờ lại bồi thêm tăng giá điện thì chắc sẽ có nhiều doanh nghiệp rời bỏ thị trường, người lao động, rồi người tiêu dùng sẽ tiếp tục gặp khó là điều chắc chắn.

Tôi nghĩ “cú sốc” tăng giá đầu năm như vậy chắc chắn sẽ tác động đến niềm tin của doanh nghiệp vào các chính sách, định hướng của Nhà nước. Tất nhiên là nếu giá cả đầu vào tăng, trong ngắn hạn doanh nghiệp không sập tiệm ngay, nhưng lâu dài nếu không trụ được thì tự khắc phải rời cuộc chơi.

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam:

– Với lượng điện tiêu thụ bình quân 90 kWh để làm ra một tấn xi măng (tính từ công đoạn nung clinke đến công đoạn nghiền ra thành phẩm xi măng), các doanh nghiệp trong ngành chúng tôi đang đau đầu với việc tính toán lại chi phí đầu vào, tìm các giải pháp cắt giảm chi phí hợp lý, cân nhắc giá bán đầu ra sao cho phù hợp trong những ngày tới để có thể duy trì sức cạnh tranh trên thị trường.

Trên thực tế, các doanh nghiệp đã nghe thông tin điện sẽ tăng giá từ cuối năm 2014. Tuy nhiên, khi biết được thông tin giá điện chính thức tăng từ ngày 16-3 tới chúng tôi đều cảm thấy khó khăn đang chồng chất ở con đường phía trước.

Ai cũng nghĩ chi phí đầu vào tăng chỉ cần điều chỉnh giá bán sản phẩm là xong, nhưng thực tế quyết định tăng giá bán đối với ngành xi măng vào thời điểm này tương đối khó bởi sức tiêu thụ vẫn còn yếu.

Một trong những giải pháp của ngành xi măng ứng phó với việc tăng giá điện là giảm mức tiêu thụ điện bằng cách tận dụng nguồn nhiệt lò nung (hay còn gọi là nhiệt thừa) để phát điện. Giải pháp này có thể giúp bổ sung được 30% lượng điện tiêu thụ cho mỗi nhà máy xi măng, tuy nhiên số lượng nhà máy áp dụng giải pháp này còn quá ít.

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam:

– Sản xuất thép là một trong những ngành sản xuất tiêu thụ nhiều điện và mỗi khi giá điện biến động sẽ kéo theo hàng loạt khó khăn cho doanh nghiệp.

Giá thép vẫn đang giảm liên tục. Nếu tính từ đầu năm 2014 đến nay, giá thép trong nước đã giảm trên dưới 1 triệu đồng/tấn trước sức ép về nhu cầu thị trường giảm và thép ngoại nhập tiếp tục tràn vào Việt Nam.

Trong khi doanh nghiệp còn đang xoay xở giảm giá bán thì chi phí đầu vào lại tăng. Không cần nói ai cũng hiểu điều này chắc chắn gây thêm áp lực đối với kế hoạch sản xuất của ngành thép.

Với mức tiêu thụ bình quân 700 kWh điện cho mỗi tấn phôi thép, nếu giá điện tăng thêm 7,5% thì giá thành sản xuất tăng thêm 80.000 đồng/tấn phôi, đẩy giá thành tăng thêm 0,7%.

Hiện nay toàn ngành thép chỉ duy trì khoảng 60% công suất sản xuất của các nhà máy thép xây dựng do nhu cầu thị trường chưa tăng và áp lực của nguồn thép nhập khẩu. Khá nhiều doanh nghiệp trong ngành đã cắt giảm sản lượng.

Ông Trần Minh Tú, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kềm Nghĩa Sài Gòn:

– Tôi nghĩ Nhà nước đã có những chính sách điều hành kinh tế khá tốt trong thời gian qua, lạm phát đã được kìm hãm. Thực tế cho thấy doanh nghiệp nào còn trụ lại được cho đến bây giờ có nghĩa là sức khỏe của họ khá tốt, nếu không đã phá sản trong thời gian qua rồi. Đợt biến động tăng chi phí đầu vào kỳ này theo tôi sẽ không có tác động lớn đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp đã vượt qua những đợt sóng gió vừa qua.

Ông Ngô Đức Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Quốc tế Thắng Lợi:

– Sắp tới giá điện tăng, chi phí điện để vận hành nhà máy dĩ nhiên sẽ tăng theo, tuy nhiên trong sản xuất hàng may mặc giá điện chỉ chiếm một phần nhỏ trong giá thành. Điều làm doanh nghiệp lo là, các chi phí đầu vào khác cũng sẽ tăng, như vải, phụ liệu, bao bì, tức là tất cả chi phí vật tư đều tăng. Giá xăng tăng cũng làm tăng giá vật tư, vận chuyển nội bộ và đi thuê đều tăng. Tất cả những chi phí tăng này dồn vào trong giá thành sản phẩm.

Trong ba tháng đầu năm nay, May Quốc tế Thắng Lợi đã ký xong các hợp đồng để giao hàng từ nay đến tháng 6-2015. Bây giờ, giá điện bất ngờ tăng, công ty sẽ cố gắng thương lượng giá với khách hàng, nhưng khả năng họ đồng ý là rất thấp, vì họ cũng gặp khó khăn do tình hình thị trường nhìn chung vẫn ảm đạm. Đây thực sự là bài toán khó cho doanh nghiệp.

Giữa năm nay, chúng tôi sẽ ký lại các hợp đồng nhưng không biết có đàm phán được giá mới hay không, việc này tùy thuộc tình hình thị trường xuất khẩu. Hiện giá cả đầu ra (giá xuất khẩu) không tăng vì nhiều thị trường xuất khẩu (như Mỹ, châu Âu) đang khó khăn. Nền kinh tế Mỹ đang khởi sắc, nhưng tôi chưa thấy tín hiệu lạc quan từ thị trường may mặc ở đây.

Hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ, với quy mô chỉ khoảng 3-5 chuyền may, thậm chí không có đơn hàng, không có việc làm. Khách hàng giờ ít tìm đến những doanh nghiệp nhỏ như vậy. Nếu có khả quan thì chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đang chiếm hai phần ba doanh thu xuất khẩu của Việt Nam, vốn có nhiều lợi thế về khách hàng, nguồn cung vải, nguyên phụ liệu. Họ mua tận gốc, bán tận ngọn, trong khi nhìn chung doanh nghiệp trong nước chủ yếu bán qua trung gian.

Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn:

– Mỗi tháng công ty chi trả từ hơn 2,5-3 tỉ đồng tiền điện, chiếm gần 5% trên tổng giá thành. Bây giờ giá điện tăng thêm 7,5%, tiền điện cũng tăng tương ứng, thêm hơn 200 triệu đồng mỗi tháng. Vấn đề là với các đơn hàng đã ký có thời hạn sáu tháng đến một năm, giờ công ty không thay đổi giá được nữa, khách hàng nước ngoài đâu có quan tâm giá điện tại Việt Nam có tăng hay không. Đối với thị trường nội địa, công ty chắc phải tăng giá bán, nhưng hiện chưa thể tăng được, vì đầu năm tình hình tiêu thụ còn chậm chạp.

Tôi cho rằng giá điện tăng 7,5% cũng được, nhưng phải có lộ trình, chứ như hiện nay là tăng quá đột ngột, trong khi lương thì mới tăng lên đây. Thị trường nội địa cũng như xuất khẩu từ năm ngoái đến giờ vẫn còn khó khăn, khách hàng nước ngoài đều giảm lượng mua, họ còn duy trì chủ yếu các đơn hàng giá thấp. Có những đơn hàng xuất khẩu của chúng tôi gần như không có lợi nhuận, nhưng vẫn chấp nhận để duy trì dòng tiền, lao động.

Trong các cuộc họp gần đây, lãnh đạo một số địa phương và Chính phủ đã cam kết sẽ có một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu như lãi suất vay vốn giảm sẽ giúp bù phần nào vào chi phí điện tăng. Nhưng quan trọng nhất vẫn là thị trường. Nếu thị trường tốt lên và chấp nhận việc tăng giá thì doanh nghiệp sẽ đỡ hơn, nếu không, doanh nghiệp buộc phải cắn răng giữ giá để giữ thị phần.

Văn Nam – Thu Nguyệt thực hiện

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyên đề: ,

01 ý kiến dành cho “Doanh nghiệp nói gì trước “cú sốc” tăng giá điện”

  1. chung cu ha noi 16/03/2015

    giá điện tăng, rồi giá xăng tăng, giá thành sản xuất sẽ tăng theo, các mặt hàng sẽ tăng. Doanh nghiệp càng ngày càng khó

    Reply

Ý kiến bạn đọc