Home » Kinh doanh » ‘Độc quyền mới vội vã đòi tăng giá’
Một DN thực sự cạnh tranh thì dù không minh bạch với ai cả nhưng vẫn cố gắng hoạt động sao cho hiệu quả nhất chứ không thì tự nó sẽ chết. Các DN độc quyền không phải lo chuyện đó, vì ông không thể chết được.

Ừa qua, một số tập đoàn lớn thuộc Bộ Công thương như Tập đoàn than – khoáng sản VN, Tập đoàn điện lực VN… đã phản ánh việc thua lỗ do biến động tỷ giá và đề nghị phân bổ vào giá thành sản xuất.

‘Độc quyền mới vội vã đòi tăng giá...’
ảnh minh họa

 
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội, đã trả lời báo chí về vấn đề này.
EVN đề nghị phân bổ số lỗ do điều chỉnh tỷ giá vào giá điện, ông thấy điều này có hợp lý không?
– Khi tỷ giá tăng, không phải doanh nghiệp (DN) nào cũng tăng giá ngay lập tức, dù rất nhiều DN phụ thuộc vào nhập khẩu. Vì sao các DN cũng phải nhập khẩu mà họ không tăng giá ngay, vì họ không liên quan đến nhà nước, không có quyền lực gì cả; thứ hai là họ nhải cạnh tranh rất khốc liệt, phải nhìn khách hàng, dò đối thủ…, tăng giá sợ mất khách hàng. “Ông” nào tăng ngay lập tức là có tính độc quyền cao, vì không phải cạnh tranh với ai, không phải lo mất khách hàng, chỉ phải xin phép thôi.
Ông có cho rằng, DN đang mượn cớ để tăng giá trong thời gian tới?
– Theo tôi, có hai trường hợp: Một là họ phải tăng theo đúng như cái mà họ bị buộc phải tăng (do biến động tỷ giá thực sự) và hai là mượn cớ đó để tăng lên. Về nguyên tắc, một hàng hóa được làm ra thì cần đầu vào từ nhiều nguồn khác nhau. Những nguồn đầu vào phải nhập khẩu, tính bằng USD thì sẽ thay đổi theo tỷ giá – nếu hợp đồng được cam kết theo tỷ giá thả nổi.
Còn nếu đã quy đổi ra tiền đồng rồi, ví dụ như ký cách đây 1 – 2 năm bằng USD nhưng đã quy đổi cố định ra tiền đồng, thì giờ cũng không chịu tác động tỷ giá. Hợp đồng với Trung Quốc cũng không quan trọng lắm, vì chủ yếu quy đổi ra USD. Những hợp đồng mà theo tỷ giá USD và là hợp đồng thả nổi thì nó sẽ phải tăng lên.
Các khoản nợ hay máy móc này họ đầu tư cũng tăng lên do tỷ giá. Nhưng chúng ta biết máy móc khi tăng thì giá trị của máy móc ấy được rải ra để trả trong hàng chục năm. Cho nên tỷ giá có tăng thì cũng chỉ phải trả phần của năm đó (năm tăng tỷ giá đó thôi). Mức tăng cũng như mức tăng của các nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu khác thôi. Từ đầu năm đến nay, tỷ giá tăng 5%. Nếu họ muốn thay đổi theo đúng như thế thì họ có quyền thay đổi 5%.
Nhưng điều đó không có nghĩa là giá thành (sản phẩm đầu ra) sẽ tăng 5%, vì chi phí này nằm một phần trong giá thành thôi. Lấy ví dụ chi phí nhập khẩu chiếm 30% hay 40% chi phí giá thành thì đơn giản lấy phần đó nhân với 5% biến động tỷ giá trên sẽ ra mức biến động giá thành cơ bản có thể điều chỉnh do biến động tỷ giá.
Cụ thể, nếu chi phí trên là 40% thì giá thành đầu ra chỉ tăng 2%. Như vậy, mức độ biến động giá thành do biến động tỷ giá sẽ tùy thuộc vào mức chi phí nhập khẩu đầu vào của từng DN nhưng rõ ràng sẽ luôn nhỏ hơn mức điều chỉnh tỷ giá 5% vì luôn có phần giá trị gia tăng và chi phí trong nước tương đối lớn. Con số cụ thể biến động là bao nhiêu hoàn toàn có thể tính được nếu các DN hợp tác, công bố con số (về chi phí nhập khẩu) ra cho mọi người biết và nhận định.
Tôi nghĩ, bản thân họ biết rất rõ điều đó. Với giả định trên (chi phí nhập khẩu chiếm 40%) mà họ muốn tăng giá thành đầu ra 5% vì biến động tỷ giá thì như vậy là không đúng, mà vì lý do bù các khoản lỗ khác của họ.
Theo ông, ở đây phải có sự giám sát thế nào với các tập đoàn để việc họ kêu lỗ hay đòi tính số thua lỗ do biến động tỷ giá vào giá thành được xem xét một cách hợp lý?
Minh bạch là rất cần thiết nhưng phải cải cách cái gốc của vấn đề. “Ông” phải thay đổi để nâng cao hiệu quả. Một DN thực sự cạnh tranh thì dù không minh bạch với ai cả nhưng vẫn cố gắng hoạt động sao cho hiệu quả nhất chứ không thì tự nó sẽ chết. Các DN độc quyền không phải lo chuyện đó, vì ông không thể chết được.
Người dân là con tin của ông rồi. Người dân chỉ cần chậm nộp tiền điện 1 tuần là bị cắt điện, còn ông lỗ nghìn tỉ, hay vỡ ống nước thì không ai cắt ông được cả, tức là có sự không tương xứng vì không kiểm soát được “ông”.
Trong thị trường có 2 thứ để kiểm soát một DN: Một là Chính phủ, người dân; hai là đối thủ cạnh tranh. Trong đó, đối thủ cạnh tranh là kiểm soát tốt nhất. Vì thế tăng tính cạnh tranh một cách thực sự phải là yếu tố quan trọng. Còn bất đắc dĩ, trong những thị trường không thể cạnh tranh được như thị trường truyền phát điện thì phải sử dụng công cụ minh bạch để người dân thể hiện quan điểm. Để có cạnh tranh, để tạo ra được một môi trường cạnh tranh, vai trò của Chính phủ vô cùng quan trọng.

Theo xaluan

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc