Home » Kinh doanh » Hàng quán tăng giá mạnh sau Tết
Với mức tăng trung bình 20-50%, các cửa hàng ăn uống đang thi nhau đẩy giá, dù giá lương thực – thực phẩm đều hạ nhiệt so với thời điểm trước Tết.

Lên Hà Nội sớm so với lịch nhập học của trường để ôn thi, Mai Anh (sinh viên năm thứ tư Đại học Y Hà Nội) đành bấm bụng cơm hàng cả tuần trời vì… “đứa bạn em mang hết nồi và bếp gas du lịch sang nhà bạn nó để liên hoan từ trước Tết. Giờ hai đứa nó đều chưa lên, em không có đồ để nấu nên đành ăn quán”, Mai Anh giải thích.

Thế nhưng, các hàng quán đều lên giá một cách chóng mặt khiến cô sinh viên năm tư đành tính nước về quê ôn thi. Mai Anh cho biết cô ở sâu trong ngõ 79 Cầu Giấy và các hàng ăn còn tăng giá vùn vụt. “Hàng bún đậu ngày trước em ăn có 10.000 đồng một suất, bây giờ lên tới 15.000 đồng, bún chả thì tăng từ 15.000 lên 20.000 đồng một suất, riêng đĩa bún mua thêm, người ta cũng tính 5.000 đồng, nước đóng chai 20 lít, trước mua có 17.000 đồng, giờ lên 20.000 đồng… Kiểu này, chắc em về quê ôn thi hoặc mang mấy cái bánh chưng lên ăn đỡ vậy”, cô nói.

Trong khi giá lương thực – thực phẩm tại các chợ đều giữ giá hoặc hạ đôi chút so với thời điểm Tết thì hàng quán vẫn tăng giá chóng mặt. Ảnh: Hoàng Hà.

Ngay đến những người đi làm, có thu nhập cũng cảm thấy phiền lòng với kiểu tăng giá này. Chị Hạnh (Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội), nhân viên kế toán của một công ty tư nhân, phàn nàn, mùng 6, chị ăn bát bún ốc ngay gần nhà giá cũng lên tới 30.000 đồng.

Trong khi đó, giá lương thực – thực phẩm tại các chợ đều giữ giá hoặc hạ đôi chút so với thời điểm Tết. Một cân thịt bò có giá từ 150.000-200.000 đồng tùy loại. Ốc có giá 20.000 – 40.000 đồng mỗi kg tùy loại ốc vặn, ốc mít hay ốc nhồi; cua có giá 10.000 đồng một cân, tôm có giá từ 10.000 – 50.000 đồng mỗi lạng tùy kích cỡ…Các loại thịt lợn và thịt gà đều hạ giá đôi chút so với Tết, 5-10%. Còn mặt hàng rau củ quả thì giá giảm đáng kể, 15-20%.

Tuy nhiên, khi được hỏi lý do tăng giá sau Tết, các chủ cửa hàng đều ngập ngừng cho qua hoặc trả lời chung chung vì giá cả tăng nên mọi thứ phải tăng theo. Tuy nhiên, giá tăng song chất lượng đồ ăn thậm chí còn dở hơn. Chị Trà (nhân viên bưu điện) cho hay, hàng bún cá gần nhà chị cũng tăng từ 15.000 đồng lên 20.000 đồng mỗi bát. “Nhưng nếu tăng giá mà ngon hơn, nhiều cá hơn thì cũng không sao. Đằng này, nước thì nhạt nhẽo, được lèo tèo vài miếng cá, mình thấy ăn còn không bằng ngày trước”, chị Trà than thở.

Hầu hết những cửa hàng ồ ạt tăng giá một cách tự do đều là những hàng quán nhỏ. Bác Mỹ, chủ cửa hàng bán mỳ vằn thắn lâu năm trên phố Mai Hắc Đế bộc bạch, nếu các cửa hàng tăng giá một cách không tính toán sẽ khiến khách hàng bỏ sang những cửa hàng khác. Khi đó họ có tăng giá nhưng mất khách thì lợi nhuận còn giảm hơn nhiều. “Giáp Tết, giá thực phẩm leo thang, nhiều cửa hàng cũng phải tăng giá đôi chút nhưng vẫn được khách hàng chấp nhận. Còn ra Tết, giá nguyên liệu hạ mà họ tính tăng giá theo phong trào thì đương nhiên khách hàng sẽ quay lưng”, bác Mỹ chia sẻ.

Xuân Ngọc

Theo vnexpress

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc