Trung Quốc nói đã đưa thông báo cho các đơn vị kiểm soát không lưu của Việt Nam về kế hoạch hoạt động của tàu bay Trung Quốc trong Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh). Cục hàng không đã bác bỏ thông tin này.
Cục Hàng không bác bỏ thông tin Trung Quốc đã thông báo bay
Trong thông cáo phát đi chiều 15/1 của Cục Hàng không, cơ quan này một lần nữa khẳng định không nhận được bất cứ thông báo nào từ Trung tâm bay hiệu chuẩn của Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc, mặc dù đã liên tục tổ chức kiểm tra công văn, điện văn, điện tín tại tất cả cơ quan, đơn vị và liên lạc trực thoại của các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan của Việt Nam.
Để vào quần đảo Trường Sa của Việt Nam, máy bay Trung Quốc phải bay qua FIR Hồ Chí Minh. |
Ngày 14/1, tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc phía Việt Nam khẳng định Trung Quốc không thông báo cho các đơn vị kiểm soát không lưu của Việt Nam về kế hoạch hoạt động của tàu bay Trung Quốc trong Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh), gây uy hiếp an toàn hàng không dân dụng.
Phía Trung Quốc cho rằng hồi 17h46 ngày 28/12/2015, Trung tâm bay hiệu chuẩn của Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc đã thông báo cho FIR Hồ Chí Minh về kế hoạch bay, đường bay và các thông tin kỹ thuật khác liên quan đến hoạt động của tàu bay Trung Quốc.
Trước đó, ngày 11/1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng ngang ngược bác bỏ công hàm phản đối của Việt Nam và cho rằng không cần phải thông báo cho bất cứ ai việc máy bay nước này hạ cánh ở Trường Sa.
Chiều 12/1, Cục Hàng không cho biết, cơ quan này đã kiểm tra công văn, điện tín và liên lạc trực thoại của các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu từ ngày 28 đến 29/12/2015 (trong đó có hơn 19.000 điện văn) nhưng không nhận được bất kỳ thông báo bay nào từ phía Trung Quốc như nước này tuyên bố.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, từ ngày 1 đến 8/1, Trung Quốc đã tiến hành 46 chuyến bay vào vùng FIR Hồ Chí Minh mà không thông báo, gây uy hiếp nghiêm trọng an toàn hàng không biển Đông. Cục đã gửi thư về vụ việc cho Văn phòng Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế châu Á – Thái Bình Dương và đề nghị có biện pháp giải quyết.
Sau việc hàng loạt máy bay của Trung Quốc bay ra đá Chữ Thập, các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về hành động của nước này. Mỹ cảnh báo nguy cơ gia tăng căng thẳng, bất ổn trong khu vực. Nhật Bản khẳng định không chấp nhận hành động trên, còn Philippines thông báo cân nhắc trao công hàm phản đối Trung Quốc điều máy bay ra đá Chữ Thập.
Theo thông cáo báo chí của Cục Hàng không Việt Nam tối 9/1, cơ quan này đã gửi thư đến Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC), nhắc lại Công hàm chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đồng thời phản đối mạnh mẽ hoạt động bay của các tàu bay Trung Quốc đe dọa đến an ninh, an toàn; tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không có thêm các hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam, và không lặp lại hành động tương tự, tôn trọng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế. Cục Hàng không cũng gửi thư thông báo đến nhà chức trách hàng không của các quốc gia thành viên ICAO, Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), Liên đoàn quốc tế các hiệp hội người lái tàu bay (IFALPA), Tổ chức các Nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay quốc tế (CANSO), Liên đoàn quốc tế các hiệp hội kiểm soát viên không lưu (IFATCA), Hiệp hội các Nhà khai thác hàng không tại Việt Nam (AOC), hơn 100 hãng hàng không quốc tế có các chuyến bay thường lệ trong vùng thông báo bay Hồ Chí Minh, đề nghị phối hợp phản đối hoạt động bay của tàu bay Trung Quốc đã uy hiếp an toàn hàng không. |
Đoàn Loan
Theo Vnexpress
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!