Home » Chia sẻ, Cuộc sống số » Chuyện những người nhặt được của rơi tìm người trả lại
Dù cuộc sống khốn khổ như thế nào, khi gặp tiền rơi dù số tiền lớn nhưng vẫn không có chút lòng tham, họ nhặt và trả lại chủ nhân.

Chuyện về những người nghèo khó nhặt được của rơi mang trả lại.

Dù sống trong cảnh nghèo khổ, thậm chí là mang bệnh tật đang cần tiền để chữa trị, nhưng nhiều người khi nhặt được tiền lớn đều mang trả lại cho người đánh mất. Bởi, với họ đó là nhân đức và lẽ sống.

Từ trước đến nay, những câu chuyện về nhặt được của rơi tìm người trả lại luôn là hành động được rất nhiều người nể phục và nêu gương. Đã có rất nhiều người và rất nhiều câu chuyện mà mỗi lần nhắc đến, làng trên xóm dưới đều không khỏi khâm phục.

Những ngày gần đây, câu chuyện về ông Nguyễn Hữu Vinh (SN 1961), tổ trưởng tổ bảo vệ của Trường CĐ nghề Công nghệ Hà Tĩnh, nhiều lần nhặt được tiền nhưng đều mang trả lại người đánh mất luôn được người ra kẻ vào rỉ tai nhau.

“Tôi dù nghèo khó thiếu thốn thật nhưng không tham tiền của người khác. Tôi biết đó là mồ hôi công sức của họ, mất đi họ cũng đau khổ cũng tìm kiếm, hãy thử đặt mình vào vị trí của họ để cảm nhận nếu như mình đánh rơi hàng trăm triệu, hàng chục đô la thì sẽ như thế nào”. Đó là câu nói đầu tiên khi tôi gặp ông Vinh tại nhà riêng ở tổ dân phố 7, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).

Khi nghe tôi có nhã ý muốn nghe câu chuyện về nhiều lần nhặt được tiền nhưng đều mang trả lại người đánh mất, ông Vinh cười, có ý không muốn. Bởi, với ông đó không phải là công trạng.

Sau một hồi trò chuyện, tôi mới hay biết, ông đã rất nhiều lần nhặt được của rơi với số tiền từ 1 – 2 triệu đến hàng trăm triệu. Và sau những lần ấy, bằng bất cứ mọi giá, ông lại liên hệ với người đánh mất để trả lại.

Chuyện về những người nghèo khó nhặt được của rơi mang trả lại - Ảnh 1

Ông Vinh kể về những lần nhặt được số tiền lớn nhưng đều mang trả lại

Câu chuyện ông nhớ nhất là 3 lần nhặt được số tiền và tài sản rất lớn. Ông Vinh kể, lần thứ nhất, cách đây 10 năm, trong khi đang làm việc bảo vệ trường, ông nhặt được 800 triệu của một người ở tỉnh Hà Tĩnh.

“Gia cảnh tôi hồi ấy khó khăn lắm, 800 triệu là cả một số tiền lớn mà tôi có thể dùng để xây nhà, lo cho con cái học hành nếu như giữ lại không trả. Nhưng lương tâm tôi không làm được. Tôi đã bàn với vợ, cất công tìm kiếm chủ nhân số tiền này để trả lại. Sau khi nhận tài sản từ tay tôi, người này đã hậu tạ một số tiền nhưng tôi không nhận. Họ còn cho tôi một miếng đất ở thị xã Hà Tĩnh, nhưng tôi vẫn từ chối”, ông Vinh kể.

Theo ông, ngày ấy nếu nhận miếng đất kia thì giờ đây gia đình cũng đã sống trong thành phố, nhà cửa đàng hoàng. Nhưng bản thân ông không làm được, bởi như lời ông Vinh nói, “đó là mồ hôi công sức của người ta chứ đâu phải của mình”.

Tiền đó ông để lại cho gia đình thì sẽ phải sống trong ám ảnh, cắn rứt. “Cũng như giết người mà bỏ trốn vậy chị ạ, mình nhặt được của người khác số tiền lớn mà để tiêu dùng thì cuộc sống nó ngột ngạt, khó chịu lắm. Thà tôi mang trả mà cả đời không phải dày vò, ân hận”, ông Vinh nói.

Lần thứ 2 là ngày 29 tết Bính Thân, trong ca trực của mình, khoảng gần 12h đêm, ông Vinh lại nhặt được một chiếc túi bên trong có 100 triệu đồng tiền Việt Nam và hơn 4.000 USD của một chủ doanh nghiệp đánh rơi. Ngay sau khi nhặt được, ông Vinh cũng đã nhanh chóng tìm người mất để trả lại. Và rồi khi được hậu tạ, ông vẫn kiên quyết khước từ.

Lần thứ 3 ông nhặt được số tiền lớn là ngày rằm tháng Giêng. Hôm đó, ông Vinh nhặt được một chiếc ví da của học viên học lái ô tô người ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), bên trong có đựng 20 triệu tiền mặt, hơn 4.000 USD và rất nhiều giấy tờ quan trọng khác. Lần này cũng vậy, ông đã nhanh chóng báo với các phòng, ban chức năng của trường để thông báo cho người đánh rơi đến nhận lại và “lắc đầu” với số tiền được hậu tạ.

Tâm sự về những lần nhặt được của rơi và mang trả, ông Vinh nói: “Mỗi lần tôi trả lại tài sản, những người đánh rơi đều rất cảm động và có ý hậu tại nhưng tôi từ chối. Bản thân tôi là bộ đội ở Campuchia thời chiến, gia cảnh khó khăn, con cái học hành, số tiền nhặt được bằng 5 – 7 năm tiền lương bảo vệ nhưng tôi nhất quyết không để lại dùng. Nhiều người xung quanh họ bảo nếu không để lại thì đem đi làm từ thiện, nhưng tôi thấy, đó không phải tiền do công sức mình làm ra sao mình có thể lấy danh nghĩa mình để làm từ thiện. Đối với tôi, nhặt được của rơi phải trả lại, đó là đạo lý, là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người. Tôi cũng luôn giáo dục con cái mình như vậy”.

Chuyện về những người nghèo khó nhặt được của rơi mang trả lại - Ảnh 2

Trong suốt 14 năm làm công tác bảo vệ, ông Vinh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ

Trước những sự nể phục của mọi người, ông Vinh cũng chỉ khiêm tốn cười. Bởi cách sống đó mà hơn 14 năm công tác tại trường, ông Vinh luôn có trách nhiệm với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cũng là câu chuyện về hàng động nhặt được của rơi mang trả người đánh mất, mỗi lần nhắc đến chị Nguyễn Thị Chính (SN 1969), trú tại thôn Liên Yên, xã Thạch Hội, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) khắp làng trên xóm dưới đều không khỏi nể phục.

Chị Chính là người đã nhặt được chiếc ví bên trong có hơn 40 triệu đồng của anh Nguyễn Văn Trọng, trú tại xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh và mang trả lại.

Điều đáng để mọi người xôn xao kể mãi về chị là dù mang trong mình căn bệnh ung thư không có tiền chữa trị, nhưng khi nhặt được tiền, người phụ nữ nghèo liền tìm cách liên lạc với chủ nhân để trả lại. “Tôi cần tiền chữa bệnh nhưng không tham tiền của người khác”, đó là câu nói của chị mà mỗi lần ai đó nhắc đến câu chuyện này.

Theo đó, trưa ngày 31/12/2015, khi ra đóng cổng để chuẩn bị cho bữacơm trưa, chị Chính vô tình thấy một chiếc ví da nằm bên vệ đường. “Tôi cứ nghĩ chắc ai đó không dùng chiếc ví nữa nên vứt đi, nhưng khi nhặt lên thì thấy chiếc ví căng tròn. Tôi mở chiếc ví thấy rất nhiều tiền mặt và tiền đô la. Chưa bao giờ cầm trên tay khoản tiền lớn như vậy nên tôi run chẳng biết phải làm gì, bèn cầm chiếc ví vào nhà rồi gọi điện ngay cho chồng”, chị Chính kể lại.

Sau khi nghe vợ kể lại, anh Dương Chí Hán (SN 1969) đã về nhà cùng vợ kiểm tra kĩ chiếc ví và phát hiện trong có hơn 1000 USD và 20 triệu tiền mặt, ngoài ra còn có một số giấy tờ tùy thân mang tên Nguyễn Văn Trọng cùng số điện thoại.

“Vợ chồng tôi ngồi nhìn chiếc ví hồi lâu, gia đình tôi đang khó khăn, khoản tiền “trên trời rớt xuống đó” chắc chắn có thể giúp tôi chữa bệnh, đóng học phí cho con, thoát khỏi cảnh nợ nần. Nhưng rồi, lương tâm không cho phép, người ta cũng phải làm việc cực khổ mới kiếm ra ngần ấy tiền, mình đâu có quyền sử dụng những đồng tiền mồ hôi xương máu đó”, chị Chính thật thà nói về nguyên nhân tìm chủ nhân trả lại số tiền nhặt được.

Chuyện về những người nghèo khó nhặt được của rơi mang trả lại - Ảnh 3

Dù mang trong minh căn bệnh ung thư vú với chi phí điều trị hàng trăm triệu nhưng khi nhặt được số tiền lớn, chị Chính vẫn sẵn sàng trả lại người đánh mất.

Ngay sau đó, vợ chồng chị Chính đã lấy số điện thoại của anh Trọng trong ví và gọi cho chủ nhân. Sau khi bảo anh Trọng xác minh lại xem trong ví có những gì, biết chắc chắn chủ nhân chiếc ví rồi đọc địa chỉ nhà để anh đến nhận.

Hành động đẹp của vợ chồng chị Chính khiến mọi người phải khen ngợi, thán phục. Gia đình anh chị vốn khó khăn, nuôi 3 đứa con ăn học chỉ với mấy sào ruộng và chăn nuôi lợn, gà. Năm 2014, chị Chính phát hiện mình bị ung thư vú phải ra Hà Nội chữa trị với chi phí hết 200 triệu đồng, vay mượn chạy vạy khắp nơi mới đủ. Đến nay, hàng tháng tiền thuốc men điều trị cũng ngót ngét mấy triệu đồng, khó khăn chất chồng vậy mà anh chị vẫn sắn sàng trả lại số tiền lớn nhặt được.

Chia sẻ về sự việc này, anh Trọng cho hay, “Tôi rất cảm kích tấm lòng vợ chồng chị Chính, dù có thuyết phục thế nào, họ vẫn nhất quyết không chịu nhận hậu tạ. Chẳng biết làm gì để cảm ơn, tôi bèn viết một bức thư tay gửi cho UBND xã nhờ đọc trên sóng phát thanh, bày tỏ sự biết ơn và để mọi người học tập”.

Ông Nguyễn Thanh Long, Chủ tịch UBND xã Thạch Hội cho biết: “Hành động của vợ chồng chị Chính rất đáng trên trọng. Đây là hành động rất hiếm có, rất đáng khâm phục, đáng để mọi người học tập và noi theo”.

Theo nguoiduatin.vn

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc