Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Người dân cùng doanh nghiệp quay cuồng do phí đường bộ cao hơn cả giá xăng
Việc thu phí đường bộ quá cao với mật độ các trạm thu phí dày đặc khiến nhiều người phải ca thán. Dù thế vào tháng 4, mức phí tiếp tục tăng từ 25% đến 50% tại tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và quốc lộ 5.
Cao tốc Hà Nội - Hải phòng  (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Người dân phản ứng

Một trong những tuyến đường bị phản ánh nhiều là tuyến đường cao tốc từ Hà Nội đi Hải Phòng chỉ có 120 km nhưng mức phí thu đến 200.000 đồng, còn nếu chạy xe container cả đi cả về mất tiền triệu. Các tuyến đường ngoại ô Sài Gòn cũng bị ca thán bởi quá nhiều các trạm thu phí.

Trước phí đường bộ quá cao vượt ngưỡng chịu đựng, người dân và doanh nghiệp từng phải phản ứng bằng cách dùng ô tô chặn ngang Trạm thu phí Quán Hàu tại Km 672+472 trên QL 1A, đoạn qua địa phận huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Sở dĩ người dân phản ứng vì phí đường bộ nơi đây tăng đột biến từ 20 ngàn đồng lên 35 ngàn đồng/lượt

Ùn tắc do người dân phản đối tăng phí tại Trạm thu phí Quán Hàu trên QL 1A, đoạn qua địa phận huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: danviet.vn)

Ùn tắc do người dân phản đối tăng phí tại Trạm thu phí Quán Hàu trên QL 1A, đoạn qua địa phận huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: danviet.vn)

Việc tăng phí giao thông đường bộ thời gian qua cùng những lời ca thán khiến Bộ Giao thông Vận tải phải xin lùi hạn tăng phí đến tháng 6/2016, thế nhưng Bộ Tài chính đã không đồng ý với đề xuất này. Trong thông cáo báo chí hồi đầu năm, Bộ Tài chính đã trả lời rằng: “Bộ Tài chính thấy rằng đề nghị của Giao thông vận tải chưa phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cam kết với nhà đầu tư trong hợp đồng BOT Nhà nước đã ký và không thể ban hành Thông tư lùi thời hạn ngay được vì phải thực hiện theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.

Khi người dân và các công ty vận tải đã quá sức chịu đựng thì Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã nói:  “Cứ tăng phí cao tốc Hà Nội – Hải Phòng nếu vắng thì lại… giảm”, ông Trường diễn giải điều này với báo Dân Việt, ông cũng nói thêm rằng:

“Các trạm nằm trong lộ trình tăng phí vẫn tăng bình thường. Thực ra việc tăng là cần thiết và hợp lý, nhưng tăng như thế nào để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay thì phải cân nhắc 3 điều kiện: Việc hoàn vốn của nhà đầu tư, sức chịu đựng của người dân và tốc độ phát triển của nền kinh tế”.

Ông Nguyễn Hồng Trường – Thứ trưởng Bộ GTVT. (Ảnh ngaynay.vn)

Ông Nguyễn Hồng Trường – Thứ trưởng Bộ GTVT. (Ảnh ngaynay.vn)

Phí đường bộ cao hơn cả tiền xăng

Các doanh nghiệp vận tải cũng cảm thấy bất bình với phí đường bộ hiện nay, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội cho biết: “Khi thông xe tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, giá thu phí quá cao, nếu chạy 1 xe container hay xe tải từ Hải Phòng lên Hà Nội, cả đi cả về mất 1.000.000đ.”

Phí đường bộ tuyến đường Hà Nội đi Hải Phòng đã tăng 25% tính từ ngày 1/4. Nhưng ngay cả khi chưa tăng phí các doanh nghiệp vận tải đã than rằng phí còn cao hơn cả tiền xăng. Ông liên chia sẻ điều này với báo Đất Việt rằng: “Bản thân tôi cũng đã thử nghiệm đi xe 4 chỗ vào tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, giá cước đi vào tuyến đường tính ra khoảng 1.500đ/km, trong khi, tiền xăng chỉ 1.200đ/km. Như vậy phí cầu đường hiện nay đã cao hơn so với phí xăng dầu, vậy phải xây dựng giá thành vận tải như thế nào?

Đây cũng chính là câu trả lời cho các câu hỏi, vì sao lại có nghịch lý, xăng dầu giảm giá nhưng các doanh nghiệp khó có thể giảm được giá cước vận tải”

“Ai cũng biết, muốn đường tốt thì phải đóng tiền, nhưng phải làm sao để nó tương đương với thu nhập quốc dân, bởi vì, ai cũng muốn đi đường tốt, nhưng phải phù hợp với mức sống của người dân”

Mới đây nhất Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho báo chí biết hầu hết các trạm thu phí đều thu với mức 1.500 đồng/km với xe tiêu chuẩn, riêng tuyến Hà Nội đi Hải Phòng thu 2.000 đồng/km

Như vậy mức phí này cao hơn nhiều vớ số tiền xăng là 1.200 đồng/km

Thu phí cao, người dân tìm cách tránh trạm

Bắt đầu từ tháng 4/2016 các trạm thu phí dự án BOT đều tăng, cụ thể như sau:

Tuyến cao tốc Hà Nội- Hải Phòng (xe dưới 12 chỗ) tăng 25%: Thấp nhất 160.000 đồng/lượt, cao nhất 840.000 đồng/lượt.

Quốc lộ 5 tăng 50%: từ 15.000 đồng- 40.000 đồng/lượt

Cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ (Hà Nội): thu phí như đường mới, 45.000 đồng/lượt xe 9 chỗ, 75.000 đồng/lượt xe trên 9 chỗ.

Nhiều người chỉ đi con đường vài km, nhưng cả 2 lượt đi về đã mất 90.000 đồng. Đối với những ai kinh doanh taxi vận tải thì càng khó khăn, vì nếu tăng cước phí thì người dân chẳng còn ai muốn đi taxi nữa.

Nhiều người cảm thấy bất bình và tìm cách tránh đi qua trạm, thậm chí đi luôn cả vào đường làng.

Con đường vào thôn Nam Lãnh, xã Quảng Phú, mỗi ngày có hàng chục ô tô đi qua để tránh các trạm thu phí. Người dân phải làm rào chắn hai đầu đường để chặn xe, chỉ xe trong làng mới được vào.

Thế nhưng chỉ chặn được xe to, xe nhỏ vẫn có thể lọt vào, có người còn chặt đứt dây rào chắn để cho xe vào.

Việc tăng phí đường bộ quá cao ảnh hưởng lớn đến người dân cũng như các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp trước đây vẫn giao hàng tận nơi cho khách nhưng nay phải bỏ, người mua hàng đến tận nơi mua thì cũng ngại khi phải trả thêm phí đường bộ cả đi lẫn về quá cao.

Các doanh nghiệp vẫn tải cũng sẽ phải tính lại mức phí vận chuyển quá cao, nhiều khả năng giá hàng hóa sẽ phải đội lên và người tiêu dùng lại là người cuối cùng phải chịu thiệt thòi.

Ngọn Hải Đăng

Theo daikynguyenvn.com

Bài liên quan:

>> Sự thật về nước Mỹ qua lời kể của một du học sinh Trung Quốc

Chuyên đề:

2 ý kiến dành cho “Người dân cùng doanh nghiệp quay cuồng do phí đường bộ cao hơn cả giá xăng”

  1. Đức 22/04/2016

    Thế ko lạm phát mới lạ.

    Reply
  2. thientam 22/04/2016

    từ hà nội xuống khu công nghiệp Phố Nối A, cả đi và về hết 50.000 đ tiền dầu, còn phí qua trạm soát vé 45.000 x 2 = 90.000 đ . Bó tay, phục ông nhà nước !!!!!

    Reply

Ý kiến bạn đọc