Home » Xã hội » Doanh nghiệp nhà nước: Đầu tư ngàn tỷ rồi lỗ trắng tay
Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán trong năm 2015 cho thấy bức tranh về khối doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục có nhiều mảng tối bởi tình trạng thua lỗ, mất vốn lên đến nhiều nghìn tỷ đồng.
hang-nghin-ty-dong-von-nha-nuoc-nguy-co-mat-trang

Nhà nước đang có nguy cơ mất vốn tại nhiều doanh nghiệp. Ảnh: V.M

Hàng nghìn tỷ đồng vốn Nhà nước nguy cơ mất trắng

Số liệu nêu trên được Kiểm toán Nhà nước đưa ra sau khi xem xét báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước năm 2014 tại 38 tập đoàn, tổng công ty, công ty Nhà nước (tổng cộng 234 doanh nghiệp).

Nguy cơ giải thể, mất trắng hàng nghìn tỷ đồng vốn Nhà nước

Kết quả kiểm toán cho thấy trong số 38 tập đoàn, tổng công ty, công ty nêu trên, có 5 đơn vị thua lỗ (Tổng công ty Hàng hải, Tổng công ty 15, Tổng công ty Xây dựng công nghiệp, Tổng công ty mía đường II và Công ty In Đắk Lắk). Trong đó khoản lỗ tại Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) lên tới 3.478 tỷ đồng, Tổng công ty 15 là 471 tỷ, Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) lỗ 131 tỷ đồng… 33 doanh nghiệp còn lại đã có lãi và bảo toàn được vốn.

Kiểm toán Nhà nước cho biết, nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt, dẫn đến thất thu, quá hạn, nợ khó đòi… Một số đơn vị xoá nợ chưa đủ điều kiện, trích lập dự phòng chưa đúng quy định, nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm với số tiền lớn chưa được thu hồi… Chẳng hạn, Mobifone có khoản nợ khó đòi 312 tỷ đồng, Tổng công ty Xây dựng 65,8 tỷ đồng, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia 53,8 tỷ đồng, Tổng công ty Điện lực miền Bắc 49,8 tỷ đồng…

Bên cạnh một số đơn vị đầu tư tài chính có hiệu quả, nhiều nơi vẫn góp vốn vào doanh nghiệp có tình trạng tài chính xấu, nguy cơ ngừng hoạt động hoặc phải giải thể như Vận tải Viễn dương Vinashin, Vận tải Biển Đông, Vận tải Biển Bắc, Vận tải Dầu khí Việt Nam, Xi măng Hạ Long…

Một số doanh nghiệp âm vốn chủ sở hữu lớn
(Đơn vị: tỷ đồng)

Doanh nghiệp Vốn chủ sở hữu
Công ty Vận tải Viễn dương Vinashin -8.481
Công ty Vận tải Biển Đông -3.403
Công ty Vận tải Biển Bắc -2.219
Công ty Vận tải dầu khí Việt Nam -2.114
Công ty Xi măng Hạ Long -1.655
Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất -1.108
Công ty Cảng Quốc tế Cái Mép -1.075
Công ty Xi măng Quang Sơn -665
Công ty Cảng Quốc tế SP-PSA -539
Công ty Cổ phần Hàng Hải Đông Đô -317
Công ty Cổ phần Thủy sản Đông Nam -156
Công ty Cổ phần Vận tải biển và Hợp tác lao động quốc tế -124
Công ty Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí (PVFI) -71

Một số doanh nghiệp khác thì ghi nhận lỗ lớn như Công ty Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (lỗ 1.473 tỷ đồng), Công ty TCT Miền Trung (lỗ 725 tỷ đồng), Công ty Phát triển Phú Mỹ (421 tỷ đồng)…

Tại Tổng công ty Lâm nghiệp, 5 công ty con lỗ lũy kế 19 tỷ đồng, 6 công ty liên doanh, liên kết lỗ lũy kế 54,7 tỷ đồng và 657.218 USD. Tại Hapro có 7 công ty con lỗ lũy kế 26,9 tỷ đồng, 15 công ty liên doanh, liên kết lỗ lũy kế 94,5 tỷ đồng, 3 khoản đầu tư dài hạn khác lỗ lũy kế 69 tỷ đồng…

Tình trang lỗ lũy kế lớn hơn vốn đầu tư của chủ sở hữu cũng xảy ra tại hàng loạt đơn vị như Công ty Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hạnh Phúc lỗ 852 tỷ đồng trong khi vốn đầu tư 210 tỷ đồng; Công ty Vận tải biển Viship lỗ 749 tỷ đồng trên vốn góp 32 tỷ, Công ty Tiếp vận Biển Đông lỗ 53 tỷ đồng trên phần góp 10 tỷ…

Một số tập đoàn, tổng công ty sử dụng tài sản sau đầu tư không hiệu quả, gây lãng phí vốn, thua lỗ; mua sắm, thanh lý tài sản không đúng quy định. Tại Vinalines, 51 đơn vị có vốn đầu tư của công ty mẹ thua lỗ hoặc hiệu quả thấp. Còn tại Tập đoàn Dầu khí, khoản đầu tư 800 tỷ đồng vào Oceanbank mất toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông. Tổng công ty Dầu Việt Nam, năm 2014 cũng phải trích lập dự phòng 1.915 tỷ đồng đối với 14 doanh nghiệp có lỗ lũy kế…

Những ông lớn nặng nợ cho Nhà nước

Hoạt động kinh doanh của nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chủ yếu dựa vào vốn vay của các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng… dẫn đến hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao. Tính đến cuối năm 2015, Chính phủ đã phải bảo lãnh vay vốn hơn 26 tỷ USD cho các doanh nghiệp thuộc khối này.

Dẫn đầu trong số doanh nghiệp có nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao là các công ty thuộc Vinalines như Công ty Công nghiệp tàu thủy Cà Mau (154 lần), Công ty Phát triển Hàng hải (55 lần), Cảng Năm Căn (17 lần), Công ty Sửa chữa tàu biển Vinalines Đông Đô (40 lần), Cảng Cái Lân (27 lần)… Công ty mẹ COMA cũng có số nợ gấp 12 lần vốn chủ sở hữu…

Một số đơn vị lỗ và đã tính đến phương án giải thể như Công ty Bất động sản Bến Thành Đức Khải, Công ty liên doanh Trung tâm thương mại chợ Ngã Tư Sở ngừng hoạt động từ tháng 8/2013, Công ty Đầu tư xây dựng phát triển thương mại ngừng hoạt động từ năm 2009…

Ngoài ra, kiểm toán còn chỉ ra nhiều vấn đề khác như hầu hết các tập đoàn, tổng công ty hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản đều còn dự án chậm tiến độ. Một số dự án phải tạm dừng triển khai, gây lãng phí vốn đầu tư. Việc triển khai dự án còn tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến hiệu quả…

Các doanh nghiệp phản ánh không đúng doanh thu, chi phí như Mobifone chưa thực hiện đầy đủ các quy định về khuyến mại, về xác định và báo cáo giá thành, giá cước dịch vụ viễn thông. Tổng công ty Dầu Việt Nam kinh doanh xăng dầu chưa đúng quy định. Đặc biệt, có công ty còn chưa sử dụng hết diện tích đất đang quản lý, sử dụng không đúng mục đích và chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất. Tình trạng cử người đại diện doanh nghiệp quản lý phần vốn cũng còn nhiều hạn chế.

Bạch Dương

Theo vnexpress.net

Chuyên đề: ,

01 ý kiến dành cho “Doanh nghiệp nhà nước: Đầu tư ngàn tỷ rồi lỗ trắng tay”

  1. Quốc Thắng 21/07/2016

    Hãy kiểm tra tài sản bọn chó “đỏ” lũ quan lại quản lý những công ty này sẽ thấy tài sản của bọn cộng bẩn giàu khủng khiếp thế nào…

    Reply

Ý kiến bạn đọc