Home » Thế giới » Nga – Trung có gần nhau hơn sau tập trận Biển Đông?
Đây là cuộc tập trận chung lần thứ 4 giữa hải quân hai nước. Năm ngoái, đợt tập trận diễn ra trên biển Địa Trung Hải, trong một nỗ lực được Trung Quốc coi là nhằm củng cố hợp tác giữa quân đội hai nước.

Tập trận Biển Đông khó giúp ‘tình một đêm’ Nga – Trung thêm mặn nồng

Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau để thách thức Mỹ, nhưng những nghi kỵ và sóng ngầm khiến hai nước khó có thể trở thành đồng minh chiến lược của nhau.

tap-tran-bien-dong-kho-giup-tinh-mot-dem-nga-trung-them-man-nong

Tàu chiến Nga tham gia cuộc tập trận chung với hải quân Trung Quốc. Ảnh:News.cn

Trong tuần qua, báo chí Trung Quốc hết lời ca ngợi cuộc tập trận hải quân chung diễn ra trên Biển Đông với Nga, trong đó có các bài tập phòng không, chống ngầm, đổ bộ chiếm đảo. Trong khi truyền thông Trung Quốc coi đây là một sự kiện lớn đánh dấu quan hệ gần gũi hơn giữa hai nước, các chuyên gia phân tích cho rằng Nga – Trung vẫn chưa thể trở thành đồng minh chiến lược của nhau một cách thực chất.

Cuộc tập trận hải quân chung Nga – Trung được tổ chức gần hai tháng sau khi Tòa Trọng tài bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” Bắc Kinh đơn phương vẽ ra, bao phủ gần hết diện tích Biển Đông. Theo các nhà phân tích, mục đích chính của cuộc tập trận này là phát đi tín hiệu mạnh tới Mỹ và các nước khác.

“Đây rõ ràng là màn phô diễn lợi ích chiến lược mới, rằng Nga và Trung Quốc, hay thậm chí cả hai cùng nhau nếu cần, sẽ là những bên có lợi ích ở Biển Đông”, Alexander Neill, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Singapore, nhận định trên VOA.

Đây là cuộc tập trận chung lần thứ 4 giữa hải quân hai nước. Năm ngoái, đợt tập trận diễn ra trên biển Địa Trung Hải, trong một nỗ lực được Trung Quốc coi là nhằm củng cố hợp tác giữa quân đội hai nước.

Dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể tìm thấy tiếng nói chung trong trong việc đối phó với thách thức từ Mỹ, chẳng hạn như các cuộc tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông hay động thái triển khai hệ thống Phòng thủ Khu vực Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc, ông Neill cho rằng sự hội tụ lợi ích giữa hai nước chỉ giống như “mối tình một đêm”.

“Khi sức mạnh quốc gia của Nga đang suy giảm ở mức độ chiến lược, Trung Quốc đã trỗi dậy ở mức độ toàn cầu, và đây là một điểm giao thoa, một thời điểm mà hai quốc gia có chung một số lợi ích”, ông nói.

Dấu ấn trên Biển Đông

Nga gần đây ngày càng chú ý hơn tới khu vực Thái Bình Dương và Đông Nam Á, khi các lệnh cấm vận hà khắc của phương Tây bắt đầu phát huy tác dụng với Moscow. Việc Nga đồng ý tham gia tập trận cùng Trung Quốc trên Biển Đông chính là một biểu hiện mới nhất cho sự chuyển hướng đó.

“Nga đã bắt đầu củng cố sự hiện diện ở Viễn Đông trong vài năm qua, và họ muốn để lại dấu chân ở đâu đó trên Biển Đông”, Alexander Huang, trợ lý giáo sư tại Đại học Tamkang, Đài Loan, nhận định. “Đây có thể chỉ là một hành động phô diễn không mấy ý nghĩa về mặt quân sự, nhưng nó rõ ràng nhằm phát tín hiệu cho Mỹ”.

Tuy nhiên, lợi ích chung trong việc thách thức Mỹ không đồng nghĩa với việc Moscow chỉ muốn hợp tác với riêng Bắc Kinh. Ông Huang nhấn mạnh rằng cuộc tập trận năm nay được tổ chức ở gần bờ biển Trung Quốc, cách xa các điểm nóng tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các nước khác trên Biển Đông, chứng tỏ Nga không muốn vì hợp tác với Trung Quốc mà làm mất lòng các nước khác trong khu vực.

“Ngoài ra, khi điều lực lượng ra xa bờ biển để tập trận, bạn sẽ phải cần đến tàu sân bay”, Huang nói. “Điều đó khiến cuộc tập trận trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Bởi vậy họ không muốn thực hiện điều đó trong năm nay”.

Sóng ngầm

Trong khi đó, các nhà phân tích Trung Quốc lại cho rằng mối quan hệ Nga – Trung sẽ ngày càng trở nên khăng khít hơn, và việc thách thức Mỹ chính là tác nhân khiến hai nước xích lại gần nhau.

Bài bình luận đăng trên tờ Global Times hôm qua nhấn mạnh cuộc tập trận hải quân chung cho thấy Bắc Kinh và Moscow có thể hợp tác với nhau vì lợi ích cốt lõi như thế nào. Từ trước tới nay, Trung Quốc luôn cho rằng mình có “lợi ích cốt lõi” ở Biển Đông.

“Nga đang đối mặt với các lệnh cấm vận kinh tế vì sáp nhập Crimea, và chỉ có Trung Quốc mới có thể giảm bớt gánh nặng cho Moscow. Trung Quốc đang bị Mỹ và Nhật Bản kiềm chế ở Biển Đông và biển Hoa Đông, và chỉ có Nga mới đủ mạnh để giảm bớt sức ép cho Bắc Kinh”, bài báo viết.

Bài bình luận này cho rằng cuộc tập trận cho thấy mối quan hệ chiến lược Trung – Nga không chỉ là một liên minh, mà hợp tác song phương và sự tin cậy chính trị lẫn nhau giữa hai nước đã phát triển lên một tầm cao mới.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích quốc tế chỉ ra rằng quan hệ Nga – Trung khó có thể đạt được đến mức độ như Global Times kỳ vọng, bởi nó luôn tiềm ẩn những sự nghi kỵ lẫn nhau cùng những đợt sóng ngầm chưa bao giờ chấm dứt.

Dù Tổng thống Putin tuyên bố quan hệ hai nước đã đạt đến mức độ “chưa từng thấy”, kim ngạch thương mại song phương lại sụt giảm 5% mỗi năm, giảm xuống còn 28 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2016. Trong khi đó, Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, với tổng kim ngạch lên tới 263 tỷ USD trong nửa đầu năm nay.

Moscow đã từng kỳ vọng việc cải thiện quan hệ với Bắc Kinh sẽ giúp Nga nhanh chóng vượt qua khó khăn về kinh tế, nhưng có vẻ như thực tế không cho thấy điều đó. “Quan hệ chính trị của chúng ta đang đi trước quan hệ kinh tế”, phó thủ tướng Nga Igor Shuvalov đã phải thừa nhận trong một bài phát biểu hôm 2/9.

Vasily Kashin, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Kinh tế Moscow, cảnh báo rằng Nga có thể trở thành “chư hầu” của Trung Quốc trong cuộc đối đầu với Mỹ, bởi nền kinh tế Trung Quốc lớn gấp 8 lần Nga, theo NBC.

tap-tran-bien-dong-kho-giup-tinh-mot-dem-nga-trung-them-man-nong-1

Binh sĩ Trung Quốc cầm cờ Nga trong cuộc tập trận. Ảnh: News.cn

“Trung Quốc có thể tìm cách để Nga chung đường với mình trên Biển Đông vào thời điểm này, nhưng điều đó không có nghĩa là họ cùng chung chí hướng”, Ashley Townshen, chuyên gia phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Sydney, nhận định.

Theo Townshend, sự chung đường về lợi ích mà hai nước đang tìm kiếm chỉ mang tính chất ngoại giao, chứ không phải là thực chất. “Nếu Nga bị coi là đối tác đồng minh của Trung Quốc ở Đông Á, điều đó sẽ làm tổn hại đến lợi ích quốc phòng của họ trong khu vực này”, ông nói.

“Nga đang có những hợp đồng bán vũ khí giá trị lớn cho các nước khác trong khu vực, thế nên Moscow không hề muốn ngả về phía Trung Quốc quá nhiều trong các tranh chấp trên Biển Đông”, Townshend nhấn mạnh.

Trí Dũng – Theo Vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc