Home » Tiêu Điểm, Xã hội » Gạo Việt Nam hụt hơi trong cuộc đua xuất khẩu

Chạy theo số lượng, không quan tâm đến chất lượng và thương hiệu sản phẩm, gạo Việt Nam ngày càng hụt hơi trong cuộc đua xuất khẩu ra thế giới.

lua-gao

Ảnh Kinh tế Nông thôn

Theo thông tin từ Bộ Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn, xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2016 đạt 4,88 triệu tấn, trị giá 2,2 tỷ đô la, giảm 25,8% so với năm 2015.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt đến đỉnh vào năm 2012 với sản lượng 7 – 8 triệu tấn, thế nhưng sau đó sản lượng xuất khẩu cứ giảm dần, và đến năm 2016 sản lượng xuất khẩu ở mức thấp nhất tính năm năm 2012 đến nay.

Như vậy mục tiêu hướng đến sản lượng xuất khẩu cao, trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới không đạt được, đồng thời Việt Nam hầu như không xây dựng được một thương hiệu nào có tiếng trên thế giới.

Nguyên nhân dẫn đến xuất khẩu gạo giảm mạnh

Các số liệu thống kê cho thấy Trung Quốc vẫn luôn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam từ năm 2012 đến nay, chiếm thị phần 35%(thời điểm cao nhất là 50%), tuy nhiên việc xuất khẩu gạo vào thị trường này luôn không ổn định.

Năm 2016 lượng gạo xuất sang Trung Quốc cũng giảm mạnh cả về đường chính ngạch và tiểu ngạch.

Do gạo Việt Nam xuất sang Trung Quốc có chất lượng rất kém nên phía Trung Quốc đã ra Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với việc xuất khẩu gạo. Tuy nhiên việc này vẫn chưa thực hiện được vì vẫn chưa tìm được công ty khử trùng, giám định nào của Việt Nam mà được Trung Quốc chấp nhận để khử trùng gạo trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Dù thế việc xuất khẩu gạo theo đường chính ngạch sang Trung Quốc vẫn được thực hiện bằng các biện pháp kỹ thuật tạm thời, tuy thế số lượng xuất khẩu bị ảnh hưởng.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, phía Trung Quốc quản lý chặt việc nhập khẩu gạo qua biên giới với Việt Nam và chống buôn lậu gạo, khiến việc xuất khẩu gạo theo đường tiểu ngạch cũng không thuận lợi.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn biết nguyên nhân xuất gạo của Việt Nam giảm do là  do bị cạnh tranh bởi gạo của Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia. Các năm trước đây xuất khẩu gạo tiểu ngạch qua biên giới Trung Quốc rất tốt, nhưng năm nay, do chính sách nhập khẩu của họ đã thay đổi và chủ yếu tập trung cho chính ngạch nên gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong khi năng lực của các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu theo đường chính ngạch chưa cao.

Không chỉ Trung Quốc, số liệu thống kê cho thấy lượng gạo xuất khẩu các nước khác cũng giảm: Philippines giảm 67,4%, Malaysia giảm 43%, Singapore 35%, Đài Loan 14%

Trong khi xuất khẩu gạo sang các nước truyền thống giảm mạnh, thì xuất khẩu gạo sang châu Phi lại tăng, Bờ Biển Ngà tăng 31%, Ghana tăng 41% và trở thành thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam.

Ảnh vinafood

Ảnh vinafood

Học hỏi cách làm gạo của Campuchia

Trong khi đó gạo Campuchia được xem là đang lấn dần dần thị phần gạo Viêt Nam, ngay cả trong nước, tại nơi vựa lúa lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều hộ dân thích dùng gạo Campuchia.

Đặc biệt các tiệm cơm để giữ được khách đều dùng gạo Campuchia. Các loại gạo Sa Mơ, Móng Chim, Sóc Miên,… của Campuchia được ưa chuộng, chỉ cần nhấc điện thoại là sẽ có người mang gạo đến tận nơi từ vài kg cho đến vài chục tấn

Quan tâm đến chất lượng sản phẩm, sản lượng xuất khẩu gạo của Campuchia thấp hơn nhiều so với Việt Nam nhưng lại tăng trưởng rất nhanh, năm 2015 tăng trưởng đến 53% so với năm trước

Để tìm lối thoát cho gạo Việt Nam,  tỉnh Sóc Trăng đã cử các quan chức cùng chuyên viên ngành nông nghiệp đi sang Campuchia học tập kinh nghiệm, đi cùng đoàn có cả Giáo sư Võ Tòng xuân, nhà nông học hàng đầu Việt Nam (theo tin từ báo Thanh Niên).

Tại đây các chuyên gia của Việt Nam đã học được rất nhiều từ cách làm gạo của Campuchia. Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp Campuchia (CEDAC) đã tuyển chọn được giống lúa thơm là Phka Roumdoul vào năm 2009, và giống lúa này có 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới.

Campuchia không chú trọng năng suất sản lượng cao như ở Việt Nam mà lại chú trọng đến chất lượng gạo, giống gạo thơm ở đây chiếm đến 40% diện tích canh tác

Chú trọng chất lượng, CEDAC đã xây dựng chương trình làm gạo sạch chất lượng cao. 50.000 ha đất được quy hoạch cùng 100.000 hộ nông dân tham gia để trồng lúa hữu cơ.

Chương trình làm gạo sạch hữu cơ ngay lập tức nhận được sư giúp đỡ của các tổ chức phi lợi nhuận, nhằm tạo ra các sản phẩm thân thiện môi trường nhất.

Các công đoạn làm gạo sạch rất khắt khe đạt tiêu chuẩn Organic của Mỹ và tiêu chuẩn châu Âu, tuyệt đối không sử dụng hóa chất, phân vô cơ, thuốc trừ sâu; phân bón nơi đây hoàn toàn từ phân hữu cơ thân thiện với môi trường và sức khỏe.

Nhờ thế gạo Campuchia đạt chuẩn Hữu Cơ và được Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ (USDA), và tổ chức BCS Oko-Garantie của Đức cấp giấy chứng nhận chất lượng. Khi cấp giấy chứng nhận BCS, các chuyên gia của tổ chức này định kỳ đều đến Campuchia đề giám sát kiểm tra quy trình sản xuất và sản phẩm mà họ đã cấp giấy chứng nhận.

Với sản phẩm chất lượng cao như vậy, gạo Campuchia được chào đón tại Mỹ và châu Âu.

Bên cạnh đó, Campuchia cũng rất chú trọng xây dựng thương hiệu, khi họ in logo gạo ngon nhất thế giới lên thương hiệu của mình.

Trong khi gạo Việt Nam chủ yếu xuất sang Trung Quốc và châu Phi, thì gạo Campuchia đã đến được các thị trường khó tính nhất như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Ông Hồ Quang Cua, nguyên Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Sóc Trăng nói: “Gạo của Campuchia đã xuất khẩu tới những thị trường khó tính nhất thế giới, có giá trị vượt 65% giá bình quân của thị trường: 1.475 USD/tấn so với khoảng 890 USD tấn. Campuchia đã thành công với thương hiệu gạo của mình; trong khi đó việc xây dựng thương hiệu gạo ở Việt Nam vẫn còn trầy trật”

Chạy theo số lượng, nhưng nhu cầu thế giới lại là chất lượng

Trong khi Việt Nam chạy theo số lượng, thì xu hướng trên thế giới lại muốn gạo có chất lượng, Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết giai đoạn 2015 – 2023 nhu cầu gạo chất lượng cao trên thế giới sẽ tăng với các loại gạo thơm, gạo hạt tròn, gạo trắng hạt dài, gạo thảo dược…

PGS.TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành (Tập đoàn Lộc Trời) cho biết: “Từ trước đến giờ Việt Nam chỉ chú trọng số lượng mà ít quan tâm đến chất lượng, cũng không phân biệt được trong số 140 doanh nghiệp thuộc VFA doanh nghiệp nào có vùng nguyên liệu kiểm soát được hạt gạo của mình mà không đấu trộn nhiều giống lúa với nhau. Bởi vậy các doanh nghiệp cứ mạnh ai nấy chạy, tìm được nhà nhập khẩu nào thì cứ xuất, miễn là có lời.

Doanh nghiệp Việt không quan tâm đến chuyện xuất như vậy thì sang năm có xuất được nữa hay không, họ chỉ nghĩ đến chuyện xuất một mẻ dăm ba nghìn tấn lời được bao nhiêu tiền bỏ túi chứ không nghĩ đến tương lai lâu dài của hạt gạo Việt Nam”.

Cần thiết phải xây dựng thương hiệu cùng chất lượng sản phẩm

Tại Hội thảo “Phát triển thị trường cho gạo Việt sạch và nông sản hữu cơ” diễn ra ngày 7/10/2016, TS Nguyễn Quốc Vọng làm việc tại Bộ Nông nghiệp bang New South Wales (Úc) có lời phát biểu rằng: “Hiên nay, có 500.000 người Việt Nam và cả triệu người Châu Á ở Úc vẫn ăn gạo, nhưng người ta chỉ ăn gạo Thái. Ngay cả siêu thị bán đồ cho người Việt Nam cũng bán gạo Thái, không thấy chỗ nào có Made in Việt Nam. Tuy nhiên, cũng trong những bao gạo Thái tôi thấy có nhiều giống gạo Việt Nam. Nước họ đã mua gạo của chúng ta và đóng bao, ghi nhãn gạo Thái để xuất khẩu. Như vậy là gạo Việt có chất lượng nhưng chưa có thương hiệu. Cho đến lúc này trên thị trường nước ngoài, tôi chưa thấy một sản phẩm nào có thương hiệu, đặc biệt gạo càng không”.

Cũng tại buổi hội thảo này, GS Võ Tòng Xuân cho biết: nông sản Việt Nam rất phong phú nhưng nông dân vẫn cực nhọc sản xuất mà lợi nhuận luôn thấp hơn so với các lao động khác. GẠO Việt Nam chất lượng kém, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, kỹ thuật tụt hậu, lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp. Môi trường kinh doanh manh mún, không tập hợp được liên minh sản xuất theo chuỗi.

Ông cũng cho rằng gạo Việt Nam phần lớn không nhãn mác không rõ nguồn gốc, trong khi đó, gạo có bao bì có nhãn hiệu chủ yếu là của Thái Lan, Campuchia, Nhật. Gạo Việt xuất khẩu chủ yếu theo hình thức qua hợp đồng chính phủ mang nhãn hiệu của khách hàng, vài doanh nghiệp tư nhân có xuất khẩu riêng nhưng sản lượng còn khiêm tốn.

Ở trong nước gạo Việt cũng không được đánh giá cao, bà Lê Thị Tú Anh – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Nông nghiệp GAP cho biết: Gạo Việt đang bị mất điểm trên thế giới, ngay cả trong nước gạo Việt cũng không có chỗ đứng, người có tiền đi mua gạo Thái Lan hoặc Campuchia về ăn

Trước thực tế chất lượng gạo Việt kém và chưa xây dựng được thương hiệu, GS Võ Tòng Xuân chia sẻ trên Motthegioi rằng: “Tóm lại, hàng hóa của Việt Nam muốn xuất khẩu tốt cần có chất lượng cao, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có quyền tác giả. Bước vào sân chơi hội nhập thì những quy định này còn khắt khe hơn nữa”

Ánh Sáng

Bài liên quan:

>> Việt Nam học hỏi gì từ Campuchia – nước xuất khẩu gạo sạch chất lượng cao hàng đầu thế giới

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc