Ép Lý Hiền phải tự sát, phế truất Lý Triết là những bước cờ chính trị của người đàn bà tham vọng Võ Tắc Thiên.
>> Cuộc tranh giành quyền lực giữa mẹ con Võ Tắc Thiên (phần 1)
Ép Thái tử Lý Hiền phải tự sát
Sau khi Thái tử Lý Hoằng qua đời ít lâu, Thái tử Lý Hiền được đưa lên thay thế. Trong mắt Võ Tắc Thiên, Lý Hiền là đứa con văn võ toàn tài, rất được lòng Mẫu hậu. Sau khi lập làm Thái tử, lại làm một việc rất có ý nghĩa là tổ chức quan lại chú thích cuốn “Hậu Hán thư”.
Võ Tắc Thiên và Đường Cao Tông trong phim. (Ảnh minh họa: Sohu)
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu lịch sử, đằng sau việc Lý Hiền chú thích cuốn “Hậu Hán thư” có ẩn giấu một số ý tứ chính trị rất quan trọng. Trong đó đã liệt kê những phụ nữ can dự chính sự trong lịch sử nhà Hán, nhắc tới chuyện khi đó Lữ Hậu sử dụng cực hình với Thích phu nhân. Điều này dễ khiến người ta liên tưởng tới việc Võ Tắc Thiên đối xử tàn ác với Vương hoàng hậu và Tiêu Thục phi. Đặc biệt, trong cuốn sách lại nhắc đi nhắc lại chuyện nữ không can thiệp chuyện triều chính. Đây đều là những việc khiến Võ Tắc Thiên không hài lòng.
Một sự kiện khiến Võ Tắc Thiên thấy chướng tai gai mắt là khi sức khỏe Cao Tông quá yếu, không thể xử lý việc triều chính thì Hoàng đế đã có ý định nhường ngôi lại cho Võ Tắc Thiên. Giao quyền lực cho Võ Tắc Thiên và nhường ngôi cho Thái tử là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Điều này có thể ẩn giấu ý tứ rằng Cao Tông vẫn chưa thực sự muốn rời khỏi ngôi vị Hoàng đế. Khi sự việc được công bố, một lực lượng đứng sau Thái tử đứng lên cực lực phản đối.
Đứng trước tình thế đó, Võ Tắc Thiên tự tay viết hai bức thư cho Thái tử. Một bức là “Thiếu Dương chính phạm” có ý nói, con là Thái tử cần phải đứng đúng vị trí của mình. Một bức khác là “Hiếu tử truyện” ý muốn nói con cần phải làm một đứa con có hiếu. Động thái này của Võ Tắc Thiên kỳ thực là muốn cảnh cáo Thái tử nếu có ý định lên làm vua. Hai bức thư của Võ Tắc Thiên chính là vũ khí để đánh lại con trai mình, Thái tử Lý Hiền.
Theo China.com.cn, Lý Hiền là người chưa có kinh nghiệm trong chính trường, dưới sự uy hiếp của Võ Tắc Thiên, ông bắt đầu có những biểu hiện bất thường. Ông trở nên buông thả, ngày ngày đắm chìm trong tửu sắc.
Theo sử sách ghi chép lại, khi đó Lý Hiền rất sủng ái một người đàn ông tên Triệu Đạo Sinh, ban thưởng cho hắn rất nhiều tiền bạc. Võ Tắc Thiên đương nhiên không bỏ qua chi tiết này, một mặt bẩm báo lên Đường Cao Tông, mặt khác ép Triệu Đạo Sinh thừa nhận chuyện Thái tử có âm mưu làm phản, Đông cung của Thái tử giấu rất nhiều vũ khí.
Năm 680, sau khi lập án điều tra, Lý Hiền bị giáng làm thường dân vì tội mưu phản, giam trong nhà lao, sự nghiệp chính trị kết thúc hoàn toàn. Nhưng Võ Tắc Thiên vẫn chưa buông tha. Bà còn mang tất cả áo giáp tìm thấy trong cung của Thái tử ra đốt ở ngoài thành Lạc Dương để bêu rếu tội mưu phản của Thái tử trước thiên hạ.
Cuối cùng, Võ Tắc Thiên phái tướng quân Khâu Thần Tích tới nơi Lý Hiền bị giam giữ, ép Lý Hiền phải tự sát.
Phế truất Trung Tông Lý Triết
Võ Tắc Thiên không từ thủ đoạn, thậm chí giết con để lên ngôi Hoàng đế. (Ảnh minh họa: Aixiumei)
Ngày thứ hai sau khi Lý Hiền bị phế truất thì đứa con thứ 3 của Võ Tắc Thiên là Lý Hiển được lên ngôi Thái tử, đổi tên thành Lý Triết. Sau khi làm Thái tử, Lý Triết chỉ ham vui chơi, không chuyên tâm lo việc triều chính như Lý Hiền. Cho tới khi biến cố xảy ra, Cao Tông qua đời tại Lạc Dương.
Đối với Võ Tắc Thiên, Cao Tông băng hà là một cơ hội tuyệt hảo để giành ngôi Hoàng đế, nhưng bà vẫn sắp xếp cho Thái tử kế vị trước linh cữu của Cao Tông theo di thư mà ông để lại. Thực ra, bà đã biết mình nắm phần thắng trong tay bởi trong bức di thư có viết: “Thái tử kế vị trước linh cữu, việc lớn trong triều không có người quyết thì đều nghe theo Thiên hậu”.
Cao Tông qua đời, Hoàng đế mới bận bịu việc tang lễ trong vòng 27 ngày theo quy định, không thể xử lý việc triều chính. Trong khoảng thời gian này, Võ Tắc Thiên sẽ thay Hoàng đế cai quản việc nước.
Cũng trong khoảng thời gian ấy, Võ Tắc Thiên phải tìm cách dàn xếp mọi việc để việc chuyển giao quyền lực sang tay bà sẽ diễn ra thuận lợi nhất. Đầu tiên bà thăng quan tiến chức cho người thân của Lý Đường Tông. Đồng thời bà bắt đầu tăng cường sức mạnh quân đội, thăng chức cho những người tin cậy của bà trong Ngự lâm quân.
Quan trọng nhất là bà chuyển nơi nghị sự của Tể tướng từ Môn hạ tỉnh sang Trung thư tỉnh để thuận lợi cho việc thực thi quyền lực. Tất cả mọi việc đều nằm trong sắp xếp của Võ Tắc Thiên, bà đã tính toán rất kỹ lưỡng.
Sau khi hết 27 ngày tổ chức lễ tang cho Cao Tông, Đường Trung Tông chính thức thiết triều. Nhưng tính cách bồng bột của Lý Triết lập tức làm nảy sinh nhiều vấn đề. Để làm hài lòng Hoàng hậu, Lý Triết nhiều lần tìm tể tướng Bùi Đàm thương lượng để cất nhắc chức quan cho nhạc phụ, lần cuối cùng là yêu cầu Bùi Đàm thảo chiếu đưa nhạc phụ lên chức tể tướng.
Tuy nhiên, Bùi Đàm nhất quyết không đồng ý, to tiếng với Trung Tông. Trung Tông rất tức giận nói: “Ngươi có tư cách gì mà không đồng ý, ta muốn cho Vi Huyền (nhạc phụ của Hoàng đế) cả thiên hạ cũng có liên quan gì tới nhà ngươi”.
Nghe qua thì giống như một câu bộc phát khi tức giận, nhưng lời Thiên tử đâu phải trò đùa. Bùi Huyền lập tức nắm được cơ hội, bẩm báo tình hình cho Võ Tắc Thiên. Lấy đó làm cớ, tới năm Tự Thánh, Võ Tắc Thiên mời văn võ bá quan trong triều tới điện Càn Nguyên, tuyên bố phế truất Đường Trung Tông Lý Triết, lập đứa con thứ 4 của bà là Lý Đán thành Hoàng đế Đường Duệ Tông.
Lên ngôi Hoàng đế
Võ Tắc Thiên vượt qua nhiều thế lực để trở thành nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Baike)
Đường Duệ Tông là đứa con rất ngoan ngoãn, nhìn thấy thảm cảnh của những người anh trai liền chủ động thỉnh cầu mẫu hậu thay mình thiết triều. Còn ông lui về phía sau làm một vị Hoàng thượng bù nhìn, hữu danh vô thực. Nhưng không phải ai cũng như Duệ Tông chỉ mong bảo toàn tính mạng.
Sau khi Võ Tắc Thiên nắm hết quyền bính trong tay, bên trong quan lại và hoàng thân quốc thích dấy lên làn sóng phản đối quyết liệt, thậm chí xuất hiện những cuộc binh biến phản loạn.
Đặc biệt, năm 684, xuất hiện sự kiện “Dương Châu khởi binh” nhằm phản đối Võ Tắc Thiên trực tiếp nắm quyền. Đây là cuộc binh biến phản loạn có quy mô lớn nhất từ khi nhà Đường được thành lập, nhưng cũng bị Võ Tắc Thiên nhanh chóng dập tắt.
Tuy nhiên, cuộc phản loạn này này đã ảnh hưởng rất lớn tới cục diện triều đình bởi nó liên can tới Tể tướng Bùi Đàm. Bùi Đàm cũng là người phản đối Võ Tắc Thiên kế vị Hoàng đế nên tham gia vào cuộc binh biến.
Sau khi phản loạn được dẹp yên khoảng 20 ngày thì Bùi Đàm bị chém tại Lạc Dương. Ngay sau khi giết Bùi Đàm, tại hiện trường, Võ Tắc Thiên giáo huấn quân thần nói: “Trong số các ngươi nếu là quan văn thì còn có ai lợi hại hơn Bùi Đàm, địa vị chắc chắn hơn Bùi Đàm sao?” Không ai dám lên tiếng.
Từ đó về sau trong triều không còn ai có thể tạo vây cánh uy hiếp tới sự lộng quyền của Võ Tắc Thiên nữa. Điều này đồng nghĩa với việc Võ Tắc Thiên đã chiến thắng trong cuộc tranh giành ngôi vị Hoàng đế với các Thái tử và quan lại trong triều, bà trở thành nữ Hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Hoa.
(Theo khoahoc.com.vn)
Tin đã đưa:
>> Những bí ẩn kinh ngạc trong lăng mộ Võ Tắc Thiên
>> Bí mật phong thủy lăng mộ Nữ hoàng Võ Tắc Thiên
>> Tội ác của Võ Tắc Thiên được dân gian truyền lại ra sao?
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!