Home » Cổ truyền, Văn hóa » Sau Trần Hưng Đạo, ai là người có công lớn giúp Đại Việt chiến thắng quân Nguyên lần thứ ba

Trong cuộc chiến chống quân Nguyên lần thứ ba, có một trận đánh mang tính bước ngoặt lịch sử, quyết định thắng lợi của Đại Việt, trận đánh ấy mang dấu ấn của Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư.

Trần Khánh Dư

Đền thờ Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư tại Vân Đồn. (Ảnh từ baoquangninh.com.vn)

Sau 2 lần xâm lược Đại Việt nhưng đều bị thảm bại, Hoàng Đế nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt quyết đưa quân tiến đánh Đại Việt lần nữa nhằm phục thù.

Quân Nguyên chuẩn bị lương thực dồi dào sẵn sàng cuộc chiến lâu dài với Đại Việt

Qua kinh nghiệm từ hai lần thua trước, Quân Nguyên nhận thấy rằng đều gặp khó khăn về lương thực, Quân Đại Việt thực hiện theo kế sách của Hưng Đạo Vương là “vườn không nhà trống” khiến quân Nguyên không sao tìm được lương thực nuôi đội quân khổng lồ khiến bị bại trận.

Chính vì thế mà lần này quân Nguyên chuẩn bị lương thực rất kỹ lưỡng, 70 vạn thạch lương được chuẩn bị cho cuộc tiến quân này (có sách cho rằng 17 vạn thạch lương). Để nếu không thực hiện được kế sách đánh nhanh thắng nhanh thì vẫn có đủ lương thực để phục vụ cho cuộc chiến lâu dài với Đại việt.

“Xin khất hai, ba ngày” để lập công chuộc tội

Tháng 12/1287 quân Nguyên tràn sang biên giới Đại Việt, 50 vân quân Nguyên chia làm 3 ngả cùng tiến đánh.

Trong đó cánh quân thủy đặt dưới sự chỉ huy của Ô Mã Nhi với 700 chiến thuyền mới đóng cùng 120 chiến thuyền của Hải Nam. Đi theo các chiến thuyền này còn có đội thuyền chở 70 vạn thạch lương do Trương Văn Hổ chỉ huy.

Quân Đại Việt tổ chức đánh chặn đội thủy binh ở cửa Vạn Ninh (Móng Cái), với chiến thuật đánh để tiêu hao bớt sinh lực quân Nguyên rồi rút đi để bảo toàn lực lượng.

Thủy quân Nguyên tiến đến Vân Đồn, Nhân Huệ Vương Khánh Dư được giao trọng trách trấn giữ nơi đây. Thế nhưng trước thế quân Nguyên mạnh, Trần Khánh Dư chỉ có 100 thuyền không thể ngăn được, để thủy quân Nguyên ung dung đi qua.

Ô Mã Nhi tiến quân rất thuận lợi nên cho rằng quân Việt đã bại, nên muốn tiến quân nhanh đến Vạn Kiếp nhằm hội quân và lập công với Thoát Hoan, đấy cũng là y muốn đánh nhanh thắng nhanh của quân Nguyên.

Thế nhưng Ô Mã Nhi tiến nhanh thì cũng là lúc các thuyền lương nặng nề bị bỏ lại. Trần Khánh Dư chuẩn bị cho quân tiến đánh các thuyền lương này.

Thế nhưng Thượng Hoàng Trần Thánh Tông hay tin Trần Khánh Dư không ngăn thủy binh của Ô Mã Nhi thì cả giận, sai Trung sứ đến Vân Đồn triệu Khánh Dư về kinh chịu tội.

Trần Khánh Dư đang chuẩn bị đánh thuyền lương, nếu đi về Kinh chịu tội thì sẽ mất đi cơ hội này nên nói với Trung sứ rằng: “Lấy quân pháp mà xử, tôi cam chịu tội, nhưng xin khất hai, ba ngày để mưu lập công rồi về chịu tội búa rìu cũng chưa muộn” (Đại Việt Sử ký Toán thư).

Trận đánh tiêu diệt sạch 70 vạn thạch lương

Trần Khánh Dư cho quân mai phục từ Vân Đồn (Cẩm Phả ngày nay) kéo dài một đoạn, quân chủ lực tập trung cửa Lục (Hòn Gai)

Thuyền lương của quân Nguyên đến Vân Đồn thì bị tập kích, không có quân chủ lực bảo vệ, Trương Văn Hổ cố gắng qua Vân Đồn rồi hướng vào đất liền. Nhưng đến Lục Thủy thì quân của Trần Khánh Dư được bố trí ngày càng đông vây chặt.

Biết không thể giữ được lương thực, Trương Văn Hổ lệnh đổ xuống sông, bản thân may mắn thoát chết chạy về Quỳnh Châu (Hải Nam, Trung Quốc ngày nay).

Về trận Vân Đồn Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi chép như sau: “Ngày 30/12/1287, thủy quân Nguyên do Ô Mã Nhi gồm 650 chiến thuyền đánh vào Vân Đồn. Trần Khánh Dư chỉ có 100 chiến thuyền nên không chống đỡ nổi địch, thất bại nhanh chóng. Tin đến tai triều đình, vua Trần sai trung sứ xiềng Khánh Dư giải về kinh. Khánh Dư nói: “Lấy quân pháp mà xử, tôi cam chịu tội, nhưng xin khất hai, ba ngày để mưu lập công rồi về chịu tội búa rìu cũng chưa muộn”.

Khâm Định Việt sử thông giám Cương Mục ghi chép rằng: “Khánh Dư đoán chắc thuyền của giặc đã đi qua rồi, thì thuyền tải lương tất đi theo sau, liền thu thập tàn quân, sẵn sàng chờ đợi. Một lát sau, quả nhiên thuyền tải lương của Văn Hổ đến, Khánh Dư đón đánh, quân Nguyên bị thua to…”.

Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim mô tả rằng: “Ô Mã Nhi đem thuyền đi đến ải Vân Đồn gặp quân của Trần Khánh Dư chặn đường không cho đi. Ô Mã Nhi thúc quân đánh rát một trận, quân Khánh Dư thua bỏ chạy cả. Quân Nguyên kéo thẳng ra bể đi đón thuyền lương… Được mấy hôm Ô Mã Nhi ra bể gặp thuyền lương của Trương Văn Hổ, lại đem quân trở vào đi trước dẹp đường, Trương Văn Hổ đem thuyền lương theo vào sau… Trương Văn Hổ tải các thuyền lương vào cửa bể Lục Thủy Dương. Khánh Dư đổ quân ra đánh, Văn Hổ địch không nổi, bao nhiêu thuyền lương bị quân Khánh Dư phá cướp mất cả, và bắt được khí giới rất nhiều…”.

Không có lương thực quân Nguyên đành rút toàn bộ về nước

Quân Nguyên chiếm được thành Thăng Long, nhưng chờ mãi không thấy thuyền lương tới, Thoát Hoát liền lệnh cho Ô Mã Nhi tìm thuyền lương của Trương Văn Hổ. Ô Mã Nhi tìm không thấy thuyền lương lại còn bị quân Việt phục kích nên bị thiệt hại nhiều. Lo bị trách phạt, Ô Mã Nhi cướp được 4 vạn thạch lương trên đường đi đưa về Thăng Long.

Số lương thực may mắn cướp được giúp quân Nguyên kéo dài một thời gian ngắn, khi hết lương thì lâm vào tình cảnh bi đát, các cánh quân đi truy tìm lương thực, nhưng dân Đại Việt thực hiện kế sách “vườn không nhà trống” của Hưng Đạo Vương nên quân Nguyên không dễ tìm được lương thực.

Đồn thời với kế sách “lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh”, “dùng đoản binh phá trường trận” của Hưng Đạo Vương, các cánh quân của Đại Việt liên tục tiến đánh quân Nguyên để tiêu hao bớt sinh lực địch rồi rút ngay, khiến quân Nguyên luôn phải căng mình ra để đối phó.

Đặc biệt quân Đại Việt tập kích mật độ dày đặc vào ban đêm, khiến quân Nguyên lâm vào cảnh ban ngày thì thiếu ăn không có lương thực, ban đêm không ngủ được, khiến quân sĩ nhanh chóng mệt mỏi, không còn tinh thần chiến đấu mà chỉ muốn được trở về.

Không sao tìm được lương thực trước kế sách “vườn không nhà trống”, lại bị tấn công liên tục, vào tháng 3/1288 Thát Hoan quyết định phải rút quân về nước. Tức chỉ sau 3 tháng sang Đại Việt, quân Nguyên không còn lựa chọn nào khác phải rút quân về.

Trong đó chiến công rất lớn thuộc về Trần Khánh Dư. Lịch sử đã trôi qua, một số nhà phân tích ngày nay đã bình luận rằng trong cuộc chiến chống quân Nguyên lần thứ ba, nếu người có công lớn nhất là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, thì người có công lớn thứ hai chính là Trần Khánh Dư.

Trần Hưng

Theo trithucvn.net

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc