Home » Cổ truyền, Văn hóa » Ba đời liên tục làm “Trạng”: Phần 1 – Nhà toán học đầu tiên của Việt Nam

Đây là Gia đình duy nhất có 3 đời liên tục làm “Trạng”, nhưng chính thức đậu Trạng Nguyên chỉ có đời sau cùng, hai đời trước đều đỗ Hoàng Giáp, tiến sĩ, nhưng nhờ tài năng và công lao to lớn mà được người dân yêu mến và phong làm “Trạng”.

Trong lịch sử khoa bảng Việt Nam, có những dòng họ nổi tiếng bởi nhiều người đậu tiến sĩ, trong đó phải kể đến dòng họ Vũ ở Mộ Trạch, Hải Dương với nhiều người trong họ cùng đỗ đạt và làm quan trong Triều.

Về nguồn gốc dòng họ Vũ, trithucvn đã có bài viết “Nguồn gốc dòng họ Vũ nổi danh nhờ khoa bảng”. Họ Vũ có một chi ở Mộ Trạch, một chi ở Trung Quốc, cả hai chi ấy khoa bảng đều hiển đạt cả.

Theo “Công dư tiệp ký”, đời vua Lê Hy Tông, Thương thư Hoàng Công Bao đi sứ nhà Thanh, có một ông già họ Vũ đón đường hỏi thăm về con cháu họ Vũ ở nước nam, khi được biết ở nước nam con cháu họ Vũ đều hanh thông con đường khoa bảng, nhiều người đỗ đạt làm quan to, ông cụ vui lắm liền nói rằng ở Trung Quốc: “Họ Vũ tôi ở đời nào cũng có người đỗ đạt, mà hiện nay đang được thịnh vượng”.

Cuốn  “Đăng khoa lục sưu giảng” mô tả rằng: “Họ Vũ làng Mộ Trạch, huyện Đường An, tỉnh Hải Dương. Khoa giáp rất thịnh, thường mỗi khoa hai ba người đỗ cùng khóa, anh em chú cháu làm quan đầy triều. Thời bấy giờ các quan triều nói đùa rằng: các ông họ Vũ bàn việc họ, việc làng tại triều đình à?”.

Thuở bé đã có tài năng thiên bẩm, tiếng đồn lan khắp nơi

Vào thời vua Lê Nhân Tông có gia đình ông Vũ Bá Khiêm thuộc họ Vũ làng Mộ Trạch sinh hạ được mộ cậu bé kháu khỉnh đặt tên là Vũ Hữu. Ngay từ thuở nhỏ Vũ Hữu đã nổi tiếng bởi tài năng thiên bẩm về tính toán, trong làng ai có tranh chấp phân chia ruộng đất đều nhờ cậu bé tính toán giúp. Tiếng đồn lan khắp cả vùng Đường An, Trấn Hải Dương.  

Theo sách “Kể chuyện thần đồng Việt Nam” một lần ông Vũ Bá Khiêm dẫn theo con đến nhà bạn chơi. Chủ nhà có chiếc đều cày nạm bạc rất đẹp, nhưng cái nõ lại bằng đồng nên muốn thay cái nõ bằng bạc. Thế nhưng chủ nhà không biết phải dùng bao nhiêu bạc cho cái nõ, nghe tiếng Vũ Hữu đã lâu nên nhờ cậu bé tính hộ.

Vũ Hữu cầm cái nỏ điếu trên tay suy tính, chủ nhà liền nói “uống chén trà cho minh mẫn đầu óc đã cháu”. Cầm chén trà Vũ Hữu liền nảy ra cách tính, cậu rót thêm vào chén trà cho nước đầy đến đổ ra ngoài. Rồi đặt chén trà vào trong chiếc đĩa, rồi nhúng hẳn chiếc nỏ điếu vào trong chén trà.

Nước trong chén trà đổ ra đĩa, Vũ Hữu nói rằng: “Số bạc cần mua để đúc nỏ điếu bằng đúng số nước trong chén này”.

Tính toán không sai một viên gạch

Năm 1460 vua Lê Thánh Tông lên ngôi, nhà Vua khuyến học và chiêu hiền đãi sĩ, khoa thi năm 1462 sĩ tử các nơi nô nức đăng ký dự thi. Lúc đó cả nước nổi lên có hai thiên tài nức tiếng là Quách Đình Bảo và Lương Thế Vinh, Vũ Hữu đươc biết đến là thần đồng vào lúc đó, nhưng chỉ ở tài năng tính toán.

Đến kỳ thì Đình năm 1463 Lương Thế Vinh đỗ Trạng nguyên, Quách Đình Bảo đỗ Thám hoa, còn Vũ Hữu đỗ Hoàng Giáp và được giao giao giữ chức Lang trung ở Khâm hình viện.

Sách “Công dư tiệp ký” ghi lại câu chuyện Vũ Hữu sửa chữa thành Thăng Long. Năm ấy 3 cửa thành là Đoan Môn, Đại Hưng và Đông Hoa được xây từ thời nhà Lý lâu ngày nên bị đổ. Vua Lê Thánh Tông sai sửa lại, nhưng các quan bộ Công lúng túng không tính ra được khối lượng vật liệu và  dự toán kinh phí.

Nghe tin Khâm hình viên lang trung Vũ Hữu có biệt tài đo đạc, tính toán, là thiên tài từ nhỏ vua liền triệu ông đến giao nhiệm vụ. Vũ Hữu quan sát các cửa thành, tính toán rồi tâu với Vua rằng: “Thần đã xem kỹ cửa Đông Hoa, thấy hỏng nhiều hơn cả. Cửa đó lại lớn nhất, xây dựng khó hơn, xin bệ hạ cho sửa cửa này trước”.

Vũ Hữu

Vũ Hữu đo đạc xây cửa thành Thăng Long. (Ảnh: WikiToan.com)

Vua đồng ý và nhấn mạnh rằng không được kéo dài như những đại thần trước. Tối hôm đó Vũ Hữu thắp đèn suốt đêm đo đạc.

Sáng hôm sau ông vào Triều tâu với Vua cùng bá quan số vật liệu cần thiết để sửa lại các cửa thành. Các quan trước đó tính không ra số vật liệu cần xây dựng bẽ mặt liền tâu với Vua rằng: “Xin bệ hạ chớ vội tin lời của quan Lang trung kẻo hỏng việc hệ trọng”.

Một số quan khác tâu rằng cứ để quan Lang Trung làm, nhưng nếu số vậ liệu xây dựng bị sai lệch dù một viên gạch cũng phải chịu tội. Vua Lê Thánh Tông nhìn Vũ Hữu hỏi: “Nhà ngươi thấy ý kiến đình thần đề xuất thế nào?”.

Giữ thái độ thản nhiên, Vũ Hữu đáp: “Tâu bệ hạ, thần xin lĩnh ý”.

Đúng ngày khởi công, các quan kéo đến cổng thành Đông Hoa, lo sợ Vũ Hữu giành mất công trạng, các quan liền tìm cách giấu đi một viên gạch, để nhân đó vin vào bộ luật Hồng Đức khép Vũ Hữu vào tội lừa dối Vua. Nhưng Vũ Hữu biết chuyện tâu lại với Vua, cuối cùng vụ việc được sáng tỏ.

Cổng thành được xây xong vừa khớp số vật liệu tính toán khiến nhà Vua rất hài lòng, tuy nhiên các viên quan đại thần hôm trước tức tối la lên: “Quan Lang trung, ngài tính toán rất tài, thế mà vẫn còn thừa một viên”.

“Xin các ngài hãy thư thả, viên gạch đó tôi đã tính toán trước, dùng để thay thế viên gạch bị vỡ ở tường thành phía Tây cửa Đông Hoa”, Vũ Hữu nói.

Rồi Vũ Hữu cùng Vua và các quan đại thần sang bên kia tường thành, sai thợ trèo lên gỡ viên gạch vỡ ra và đem trám viên gạch mới vào thì vừa khít.

Nhà Vua rất đẹp lòng, khen Vũ Hữu đúng là bậc thần toán, rồi sai tặng ông 100 mẫu ruộng tốt.

“Trạng Toán”: Nhà toán học đầu tiên của Việt Nam

Vũ Hữu sinh cùng thời với nhiều nhân tài lúc đó, Năm 1484 Lễ bộ Thượng thư Quách Đình Bảo tâu với Vua nên dựng bia tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám nhằm khuyến học tìm được hiền tài trong nước. Văn Miếu Quốc Tử Giám thành nơi ghi danh tiến sĩ khoa bảng vẫn còn đến tận ngày nay.

Lương thế Vinh được gọi là “Trạng Lường” bởi giỏi đo lường, người dân gọi Vũ Hữu là “Trạng Toán” bởi ông rất giỏi tính toán, viết sách và giúp đỡ được rất nhiều cho dân chúng, ông được xem là nhà toán học đầu tiên của Việt Nam.

Nếu như Trạng Lường Lương Thế Vinh để lại đời sau cuốn “Đại thành toán pháp”, thì Trạng Toán Vũ Hữu để lại đời sau cuốn “Lập thành toán pháp”. Cả hai cuốn sach này trở thành sách giáo khoa về toán học trong suốt nhiều thế kỷ.

lap-thanh-toan-phap

Bảng cửu chương trong cuốn sách “Lập thành Toán pháp”. (Ảnh từ báo Đà Nẵng)

Vũ Hữu làm quan lập kỷ lục khi làm Thượng thư đến 6 bộ khác nhau, ông làm quan trải qua 7 đời vua, đến năm 70 tuổi mới nghỉ hưu.

Sau này con trai và cháu ngoại của Trạng Toán Vũ Hữu đều là những nhân tài của đất nước và cũng được phong “Trạng”.

(còn nữa)

Trần Hưng

Theo trithucvn.net

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc