Triều Tiên không báo cáo bất kỳ ca nhiễm Covid-19 nào, sự thật là như thế nào?
Triều tiên tuyên bố 0 ca nhiễm trong bối cảnh đất nước này có cơ sở hạ tầng y tế yếu kém và đặc biệt là đường biên giới chung có nhiều lỗ hổng với Trung Quốc. Đối với một kỷ lục hoàn hảo trong việc ngăn chặn đại dịch COVID-19, các chuyên gia trên thế giới không khỏi bày tỏ sự hoài nghi.
Triều Tiên cho biết các nỗ lực chống dịch của họ là “vấn đề sống còn của quốc gia”. Theo đó nước này đã cấm khách du lịch, trục xuất các nhà ngoại giao và hạn chế nghiêm ngặt về giao thông và thương mại xuyên biên giới.
Trước năm 2021 phía Triều Tiên cho biết họ đã cách ly hàng chục nghìn người có biểu hiện nhiễm bệnh, nhưng điều kỳ lạ là không có 1 ca nào nhiễm Covid-19. Và trong năm nay đất nước này đã ngừng cung cấp thông tin về số người cách ly.
Quân sĩ chết vì dịch nhưng không được thừa nhận
Ngày 6/3/2021, một bản báo cáo của Quân đội Bắc Triều Tiên mô tả chi tiết về tác động của virus Vũ Hán đối với lực lực binh sĩ của đất nước này đã bị rò rỉ.
Theo tờ ‘The Sun’ (của Anh) cho biết báo cáo mật này nêu rõ: có 180 binh sĩ đã tử vong vào tháng 1 và tháng 2; khoảng 3.700 binh sĩ hiện đang được kiểm dịch. Những người lính tử vong này từng đóng quân ở các tỉnh tiếp giáp đường biên giới với Trung Quốc.
Theo tờ Dailynk, các thi thể bị nhiễm dịch được khử trùng trước khi đem đi hỏa táng: “Có rất nhiều xác chết [được hỏa táng trong quân đội] và họ muốn tránh tin tức này bị rò rỉ ra bên ngoài.”
Tiếp đến vào ngày 6/9/2021, một nguồn tin trong quân đội ở tỉnh Gangwon,Triều Tiên đã tiết lộ với trang DailyNK rằng: trong tháng 7 và tháng 8 năm nay, có 45 binh sĩ đã chết tại phòng điều trị bệnh truyền nhiễm của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2. Hiện tại các phòng điều trị này đều bị đóng cửa và những bệnh nhân trong đó đã được bí mật chuyển đi nơi khác.
Trong số đó, nơi có binh lính chết nhiều nhất là ở khu vực đóng quân giáp với biên giới Trung Quốc. Và số người chết nhiều nhất là trong các phòng điều trị nghi nhiễm COVID-19. Sau khi nghe tin nhiều binh sĩ bị chết thì nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã “nổi cơn lôi đình” và yêu cầu tăng cường công tác chống dịch.
Theo nguồn tin tiết lộ, điều kiện sống của những binh sĩ bị cách ly vô cùng khó khăn, họ bị đưa đến các khu cách ly tạm thời được xây dựng trong các khe núi cách xa quân đội. Ở đây những người bị mắc bệnh không được chẩn đoán và điều trị rõ ràng. Cụ thể mỗi ngày họ chỉ được đo nhiệt độ 1 lần, tắm nắng 1 lần và không có thức ăn bổ sung dinh dưỡng, chỉ được cung cấp 450g cơm nguội tạp, nước canh rau cải mỗi ngày.
Người bị cách ly vì nghi mắc COVID-19 bị đối xử như kẻ phản bội
Ngày 19/7, DailyNK dẫn nguồn tin từ nội bộ Triều Tiên cho biết: nếu một người ở Triều Tiên có các triệu chứng nghi mắc COVID-19 như sốt, ho… thì họ sẽ được đưa đi cách ly. Những người còn lại sẽ coi họ như kẻ phản bội dân tộc. Thậm chí mọi người sẽ không dám đi qua nhà của người bị cách ly, ngay cả người nhà của họ cũng bị liên lụy.
Những người từng bị cách ly ở Triều Tiên sẽ bị xã hội lạnh nhạt, thậm chí là bị ghẻ lạnh ở nơi công tác… Điều này không chỉ tác động đến tinh thần mà còn ảnh hưởng đến kinh tế của họ rất lớn. Thậm chí có người đã phải chết đói vì bị kỳ thị và không tìm được công việc. Do đó người dân Triều Tiên nói rằng, chỉ cần sau khi vào khu cách ly thì rất khó tiếp tục sống. Ngay cả khi đã ra khỏi đó thì cũng sẽ bị chết vì bệnh tật hoặc chết đói.
Chính quyền Triều Tiên thậm chí còn xem những người vi phạm các quy tắc phòng chống dịch như tù nhân chính trị để trừng phạt.
Theo nhật báo ‘Dong-a Ilbo’ (Hàn Quốc), một quan chức chính phủ thuộc diện cách ly đã bị bắn chết ngay lập tức vì dám tự tiện tới một nhà tắm công cộng mà không được phép của chính quyền. Một quan chức thuộc Bộ An ninh Quốc gia được cho là đã bị đày đến một trang trại xa xôi hẻo lánh sau khi cố gắng che giấu lịch trình của ông tới đất nước có dịch bệnh.
Nạn đói liên tục tiếp diễn vì các biện pháp chống dịch cực đoan
Theo ‘Hãng thông tấn Yonhap’, vào ngày 14/6/2021, Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) đã công bố một báo cáo ước tính rằng, năm nay Triều Tiên sẽ thiếu hụt tới 858.000 tấn lương thực.
Một báo cáo khác từ ‘Chương trình Lương thực Thế giới’ (WFP) cũng ước tính rằng, trước khi Triều Tiên đóng cửa biên giới vì đại dịch và trục xuất tất cả các cơ quan viện trợ vào năm ngoái, thì tại đất nước này đã có 10,3 triệu người (hơn 40% tổng dân số) đã bị suy dinh dưỡng. Thậm chí còn có thông tin cho rằng nhiều binh sĩ Triều Tiên bị suy yếu vì đói và một số đã đào tẩu, khiến toàn bộ quân đội không còn sức chiến đấu.
Đáng lưu ý là vào ngày 8/4/2021, khi tham dự lễ bế mạc Đại hội Đảng Lao động, Kim Jong-un đã so sánh tình thế kinh tế khó khăn hiện tại với nạn đói những năm 1990 ở Bắc Hàn. Nạn đói năm 1990 đó đã khiến hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người Triều Tiên thiệt mạng. Đây là lần đầu tiên Kim Jong-un công khai thừa nhận khốn cảnh hiện tại của đất nước.
Như thế có thể thấy bên trong bức màn 0 ca nhiễm Covid-19 thì người dân Triều Tiên phải trả cái giá khá đắt.
Tử Vi (t/h)
Theo tinhhoa.net
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!