Home » Sức khỏe » Gà nhuộm bột sắt có thể gây ung thư

Nhiều người tiêu dùng đang lo lắng trước thông tin người bán hàng có thể dùng bột sắt để tạo màu vàng bóng mượt cho da gà.

Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, giảng viên Viện Công nghệ sinh học – Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội), khẳng định các loại bột sắt công nghiệp thường được dùng để mài mòn, đánh bóng bề mặt trong lĩnh vực ô tô, máy bay, máy móc, nhựa, giày, da, gỗ, ngũ kim, điện tử cao cấp…, tuyệt đối không được sử dụng làm phụ gia thực phẩm trong bất kỳ trường hợp nào.

Gà vàng đắt hàng hơn gà trắng

Lượn qua khu chợ tại phố Vĩnh Tuy (Hà Nội), những con gà màu vàng xuộm cùng với gà trắng được bày ngay cạnh nhau để phục vụ nhu cầu của “thượng đế”. Thấy người mua thắc mắc sao cùng gà ta mà có con da màu trắng, con da màu vàng thì chủ cửa hàng bảo: “Người còn có người đen, người trắng, nói chi đến gà da trắng hay vàng”.

Ở chợ phố Đông Tác (Hà Nội), những quầy bán thịt gà mổ sẵn được bày trên chiếc mẹt kê cao ngay dưới lòng đường. Giá gà ta sống ở mức 100.000 đồng một con, thịt gà đã làm sẵn nguyên con có giá 110.000 – 130.000 đồng một kg. Những con gà ở đây cũng vàng xuộm, bắt mắt. Một chủ cửa hàng cho biết, loại gà vàng thường bán đắt hàng gấp đôi gà trắng (gà để mộc, không nhuộm màu), chắc do tâm lý của khách thích gà đẹp.

 

Nên cẩn trọng khi mua thực phẩm đã được giết mổ, chế biến sẵn.

Ảnh: Đức Long.

Tại một cửa hàng bán gà ngay đầu phố, giải thích màu vàng ươm của da gà, chủ cửa hàng nói: “Đây là gà ta nhưng được nuôi cám ngô nhiều nên da gà mới có màu vàng đẹp như thế. Ăn loại gà này thịt vừa dai vừa thơm và ngậy, đảm bảo rất ngon”. Khi thấy khách nghi ngờ liệu có phải ngâm bột sắt – một loại hóa chất giúp da thịt gà chuyển từ màu trắng sang màu vàng – chủ cửa hàng vừa xua tay đuổi quầy quậy, vừa bảo: “Tại nhà các bà thích mua gà vàng óng thì chúng tôi phải chiều chứ, hỏi han gì, lắm chuyện”.

 

Không được phép sử dụng

Theo tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, trong danh mục của Bộ Y tế, bột sắt tinh chế được phép sử dụng như một phụ gia thực phẩm để điểm xuyết trên bề mặt một số sản phẩm thực phẩm bị lỗi. Đối với phụ gia được phép sử dụng, trên bao bì bao giờ cũng ghi rõ tên hóa chất, thành phần hóa học; tính năng kỹ thuật và tính chất vật lý (dạng lỏng hay rắn), liều lượng, cách dùng (cho lúc nóng hay nguội), tính độc với con người, độc với nồng độ bao nhiêu.

Ngoài ra, người mua có thể căn cứ vào số hiệu INS (international number system) – mã số quốc tế về phụ gia thực phẩm – in trên bao bì để biết chất này có được phép sử dụng hay không. Đây là ký hiệu được Ủy ban Codex về thực phẩm xác định cho mỗi chất phụ gia khi xếp chúng vào danh mục các chất phụ gia thực phẩm. “Những loại không có ký hiệu INS trên bao bì đều là những hàng trôi nổi, không được phép sử dụng. Đối với những phụ gia có trong danh mục được phép sử dụng của Việt Nam, liều an toàn đối với người chỉ tính bằng mg/kg trọng lượng cơ thể. Nếu không tuân thủ nghiêm ngặt quy định này sẽ rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Nhiều hóa chất có thể gây ngộ độc tức thì hoặc ngộ độc trường diễn với các tổn thương gan, phổi trầm trọng hoặc gây ung thư”, ông Thịnh nói.

Bột sắt công nghiệp có độ tinh khiết thấp, gồm rất nhiều tạp chất không an toàn như chì, thủy ngân, cat-mi… Các tạp chất này đều là chất độc, đặc biệt nguy hại đối với sức khỏe con người. Chẳng hạn, chì là chất độc, khó thải loại, khi vào cơ thể sẽ theo máu đến gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh, cơ… và gây tổn thương ở đó. Ngộ độc chì không chỉ gây buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, tiêu phân xám đen, đau bụng, nhiễm độc máu gây suy thận, sẩy thai, liệt chi… mà còn có thể dẫn tới hôn mê và tử vong. Ngộ độc thủy ngân và cat-mi nặng hơn, có thể gây tử vong nhanh chóng.

Vì vậy, các chuyên gia đều khuyên, tuyệt đối không dùng bột sắt làm chất phụ gia thực phẩm vì có thể gây hoại tử gan, ung thư. Việc bổ sung sắt phải có sự chỉ định của bác sĩ.

Tường Linh – Xuân Trường

Theo baomoi.com


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc