Home » Cổ truyền, Văn hóa » Giai thoại ‘Ăn mày cứu chúa Nguyễn Ánh’

Trong số những chuyện về sự thoát nạn may mắn của Nguyễn Phúc Ánh còn có chuyện thú vị không kém, đó là việc có lần ông vua tương lai này được những người ăn mày thuộc một nhóm “cái bang” cứu.

Trong những lần binh biến, Nguyễn Phúc Ánh may mắn nhiều lần thoát nạn một cách kỳ lạ.

Sau khi các nhân vật chủ chốt của dòng tộc Nguyễn Phúc người bị bắt, kẻ bị giết thì trách nhiệm khôi phục quyền vị của dòng họ này ở Đàng Trong đặt hết lên vai Nguyễn Phúc Ánh, vị chúa Nguyễn cuối cùng và sau này là người lập ra một triều đại mới, đó là triều Nguyễn (1802-1945).

Để có chính danh, năm Canh Tý (1780) Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vương ở Gia Định, đúc ấn “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo”.

Mặc dù bôn ba khắp nơi, kêu gọi, chiêu dụ các lực lượng ủng hộ, thậm chí cầu viện cả ngoại bang nhưng nhiều lần Nguyễn Phúc Ánh bị quân Tây Sơn đánh bại, bị truy lùng gay gắt, có lúc đói khát không có lương ăn thức uống; khi thì tùy tùng thất tán hết, chạy theo ông chỉ có vài người, tình cảnh vô cùng bi đát, quẫn bách. Suốt 25 năm, Nguyễn Phúc Ánh chạy gần khắp nơi trong Nam, khi về Cà Mau, khi trốn ra đảo Phú Quốc, khi lại phiêu bạt sang Xiêm La (Thái Lan ngày nay)…

Điều kỳ lạ là có những lúc trốn chạy tưởng đã cùng đường, không thể nào thoát khỏi quân Tây Sơn, thế mà Nguyễn Phúc Ánh lại may mắn thoát nạn và sau này được thêu dệt như huyền thoại, khi thì do “lòng trời giúp”, lúc được người đời cứu, có bận thì do cỏ cây, muông thú che chở. Như chuyện một hôm có con cá tự dưng nhảy vào thuyền ông, báo tin đừng sớm ra khơi tránh khỏi bị thuyền Tây Sơn đón bắt ngoài biển; hoặc có lần thuyền Nguyễn Phúc Ánh định ra khơi, bỗng có con kỳ đà lội qua sông chặn đường, sau đó dò la tin tức mới rõ nếu ra thì sẽ bị quân Tây Sơn bắt (Câu: Kỳ đà cản mũi phát sinh từ chuyện này).

Hay như chuyện xảy ra năm Quý Mão (1783) quân Tây Sơn vào Nam đánh khiến Nguyễn Phúc Ánh phải bỏ chạy tháo thân, đến một con sông nước chảy xiết lại có nhiều cá sấu, thuyền thì không có, chợt thấy có con trâu nằm trên bờ ông bèn cưỡi trâu bơi qua sông, đến giữa dòng nước chảy xiết, nhấn chìm trâu thì bỗng đâu cá sấu đỡ trâu lên, cứu ông thoát được lên bờ….

Trong số những chuyện về sự thoát nạn may mắn của Nguyễn Phúc Ánh còn có chuyện thú vị không kém, đó là việc có lần ông vua tương lai này được những người ăn mày thuộc một nhóm “cái bang” cứu.

Chuyển kể rằng, sau một lần giao tranh với quân Tây Sơn thất bại, Nguyễn Phúc Ánh chỉ còn một thân một mình bỏ chạy vào khu vực làng Nhơn Ngãi ở thành Gia Định (nay thuộc khu vực giao lộ Nguyễn Trãi – Cống Quỳnh, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM). Không rõ vì biết thân thế hay vì cảm thương con người đang bôn tẩu kia sắp lâm vào cảnh chết chóc, hoặc cũng có thể do xuất phát từ lòng nhân hậu, giàu tính nghĩa hiệp “giữa đàng thấy chuyện bất bình…” của người phương Nam mà họ đã ra tay cứu giá.

Lúc đó một toán quân Tây Sơn đuổi theo truy bắt rất ngặt, tưởng Nguyễn Phúc Ánh khó mà thoát được, may sao khi chạy đến đây, nhóm ăn mày một mặt cử người dẫn đường đưa ông đi ẩn nấp. Một mặt họ xúm lại gọi cả băng “cái bang” cùng la hét ầm ĩ, người thì đánh trống, kẻ đập thùng, gõ xoong chảo… làm như nơi đây có binh hùng tướng mạnh khiến cho toán quân Tây Sơn đang truy đuổi phải chùn bước vì tưởng binh mã chúa Nguyễn đông lắm, e rằng khó địch lại nên phải rút lui, nhờ đó mà Nguyễn Phúc Ánh thoát nạn.

Về sau, khi đã lên ngôi hoàng đế, nhớ tới ơn xưa, vua Gia Long Nguyễn Phúc Ánh đã ban thưởng cho những người ăn mày cứu giá và cho phép họ lập thành xóm rồi ban cho ba chữ Tân Lộc Phường lấy làm tên cho xóm cái bang đó.

Theo xaluan.com

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc