Home » Khoa học, Tiêu Điểm » Trái đất được sinh ra từ hố đen vũ trụ?

Trái đất, con người rốt cuộc được sinh ra từ đâu? Các nhà thiên văn học khẳng định rằng, toàn bộ địa cầu được tạo ra từ những hạt bụi bao quanh mặt trời khi ngôi sao này mới hình thành. Tuy nhiên bản thân những hạt bụi đó do đâu mà có, từ đâu mà tới thì vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp.

Mới đây, một nhà nghiên cứu thuộc đại học Manchester của Anh đã tuyên bố rằng, họ đã trả lời được câu hỏi từ lâu đã khiến các nhà khoa học đau đầu này. Và đáp án chắc chắn chắc chắn sẽ khiến nhiều người bất ngờ: Trái đất được sinh ra chính từ những hố đen trong vũ trụ.

Các vật thể giống sao (Quasar) có thể là nguồn gốc sản sinh ra các hạt bụi vũ trụ, nguyên liệu cấu thành nên cách ngôi sao, hành tinh và cả sự sống. Ảnh: Wikipedia

Các nhà khoa học lập luận rằng, những hạt bụi trong vũ trụ hiện nay đều do các ngôi sao (định tinh) hình thành từ 10 tỷ năm trước phun trào mà thành. Tuy nhiên những ngôi sao này khi Hệ Mặt trời vừa mới hình thành vào 4,5 tỷ năm trước vẫn còn rất trẻ. Vì vậy, khó có khả năng chúng có thể sản sinh ra số lượng bụi nhiều đến như vậy.

Trên cơ sở ấy, các nhà khoa học cho rằng, các hạt bụi xuất hiện vào thời kỳ đầu của vũ trụ chắc chắn phải được tạo ra từ một nơi nào đó khác. Người ta đặt ra giả thiết rằng, một vật thể giống sao (Quasar) có thể chính là nguồn gốc tạo ra các hạt bụi trong vũ trụ vào thời kỳ đầu. Từ giả thiết này, các nhà khoa học đã sử dụng kính thiên văn vũ trụ Spitzer để quan sát tỉ mỉ một vật thể giống sao nằm cách trái đất 8 tỷ năm ánh sáng có tên gọi là PG2112+059.

Các nhà khoa học đã tiến hành phân tích quang phổ tia hồng ngoại của một số lượng nhỏ những hạt bụi phóng xạ và phát hiện ra rằng, các hạt bụi bao quanh vật thể giống sao PG2112+059 bao gồm rất nhiều khoáng chất hình thành nham thạch.

Các nhà nghiên cứu cho biết, những vật chất này có thể là nguồn gốc tạo ra những hạt bụi vũ trụ, thứ nguyên liệu không thể thiếu trong quá trình tạo thành những ngôi sao, hành tinh và cả cuộc sống của con người.

Những khoáng vật này chắc chắn là do vật thể giống sao tự tạo ra. Bởi lẽ, trong điều kiện khắc nghiệt ngoài vũ trụ, cấu trúc dạng tinh thể của chúng sẽ khó tồn tại trong thời gian quá dài, các tia vũ trụ sẽ nhanh chóng hủy diệt chúng thành những hạt không có hình dạng xác định.

Quasar120710.jpg

Một vật thể giống sao mang ký hiệu 3C 273. Ảnh: Wikipedia.

Điều này cho thấy, những hạt bụi này vừa mới được hình thành. Mối quan hệ giữa các hạt bụi và vật thể giống sao trở thành một chứng cứ chắc chắn cho kết luận chính các vật thể giống sao đã tạo ra các hạt bụi bao quanh chúng.

Trên thực tế, vật thể giống sao chính là những hố đen cực lớn bị bao quanh bởi các tinh vân hình tròn và một lượng lớn các tia bức xạ. Chúng được biết đến như là những hệ sao đang hoạt động cực mạnh trong quá trình hình thành.

Vật thể giống sao được sinh ra từ khi vũ trụ mới hình thành đồng thời chúng được rất nhiều các nhà thiên văn học để ý tới vì chúng là nguồn phát xạ sóng điện vô tuyến khổng lồ. Khi các vật chất bị hút vào lỗ đen chúng giải phóng năng lượng đã tích tụ, tạo ra sóng điện vô tuyến và rất nhiều các tia khác.

Tuy nhiên, không phải tất cả những vật chất đều bị hố đen nuốt chửng. Một bộ phận vật chất sau quá trình thiêu đốt và chuyển hóa lại bị đẩy ra ngoài. Cuộc giằng co dai dẳng trong vũ trụ này đến nay vẫn chưa dừng lại. Và đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc hình thành của các ngôi sao cũng như những nguyên tố mới.

Các nhà nghiên cứu nước Anh đã lập kế hoạch tìm kiếm bụi vũ trụ xung quanh những vật thể giống sao khác, tiến thêm một bước chứng minh cho giả thiết của mình. Họ cho biết, có thể vật thể giống sao không phải là nguồn gốc duy nhất sinh ra các hạt bụi trong vũ trụ thời kỳ đầu, cũng có thể Trái đất và sự sống của con người được sinh ra từ một nắm đất. Tuy nhiên, điều quan trọng là nắm đất ấy cuối cùng đã tạo nên lịch sử phát triển với những nền văn minh rực rỡ và đáng tự hào.

Kết quả của công trình nghiên cứu này được đăng tải trên Tạp chí Vật lý học thiên thể (Astrophysical Journal) số ra mới nhất.

(Theo vietnamnet)


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc