Home » Sức khỏe, Tiêu biểu sideshow » Châm cứu điều trị đau mỏi
Nếu bạn đau cơ, nhức mỏi, có lẽ điều cuối cùng bạn mong muốn là có một ai đó châm kim lên cơ thể bạn. Rất nhiều người chuyển sang phương pháp châm cứu để điều trị giảm đau. Vậy người phương Tây nghĩ gì về hiệu quả của phương pháp điều trị này?

Tiến sĩ Cohen cho biết châm cứu hoàn toàn an toàn nếu do một bác sĩ có trình độ thực hiện.

Nếu ý nghĩ một ai đó châm kim lên cơ thể bạn có thể làm bạn cảm thấy đau đớn, hãy tưởng tượng rằng bạn bị châm kim khi đang phải chịu đựng những cơn đau. Thoạt nghe có vẻ trái ngược nhưng rất nhiều người quay sang phương pháp châm cứu để điều trị giảm đau.

Châm cứu là một bộ phận của ngành y học cổ truyền Trung Quốc. Thuật châm cứu sử dụng những cây kim bằng kim loại rất mỏng châm lên những huyệt nhất định trên cơ thể.

Tiến sĩ Marc Cohen, giáo sư chuyên ngành y học bổ sung thuộc trường Đại học RMIT, cho biết theo lý thuyết, châm cứu kích thích những điểm đặc biệt trên cơ thể và khai thông dòng chảy tự nhiên của khí trong cơ thể. Người ta cho rằng khí bị ứ đọng sẽ sinh bệnh và thông khí sẽ giúp cho cơ thể tự lành bệnh.

Bạn cũng có thể nghĩ rằng châm cứu là một phương pháp làm dịu những cơn đau tại những điểm gây đau nhức. Cohen cho biết: “Nếu bạn có thể tìm thấy huyệt nào đó trên cơ thể là nguyên nhân gây đau nhức thì bạn hãy châm cứu vào điểm đó để giảm đau.”

Điều thú vị là những điểm châm cứu không phải luôn nằm ở vùng bị đau. Ví dụ, những người bị đau mắt thường tìm những điểm nhạy cảm giữa ngón chân cái và ngón bên cạnh. Điểm châm cứu để điều trị cứng khớp vai – tình trạng không cử động được khớp vai lại nằm trên ống chân.

Các bằng chứng khoa học

Tuy nhiên, mặc dù thuật châm cứu đã được áp dụng hàng ngàn năm qua, các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực lý giải cơ chế hoạt động của phương pháp này.

Theo Tiến sĩ Cohen, có hai giả thuyết lý giải cơ chế hoạt động của thuật châm cứu. Một giả thuyết cho rằng việc châm kim kích thích giải phóng endorphin (một loại thuốc giảm đau tự nhiên do não sản sinh) và gây ra phản ứng kích thích giúp cơ thể tự điều trị bệnh. Một giả thuyết khác lại cho rằng châm cứu có tác động mạnh tới tâm lý giúp kích hoạt cơ chế tự giảm đau trong cơ thể.

Điều đáng ngạc nhiên là khoa học hiện đại có rất ít bằng chứng về tác dụng giảm đau của châm cứu. Hiện đang có hai nghiên cứu chất lượng cao nhưng với quy mô nhỏ tập trung nghiên cứu chủ yếu điều trị đau lưng và đau đầu. Vì vậy, các nhà nghiên cứu mới chỉ có thể thu thập và tổng hợp kết quả.

Theo một bản tổng hợp năm 2009, gồm 22 công trình nghiên cứu đang được thực hiện về các biện pháp phòng bệnh đau nửa đầu bằng phương pháp châm cứu, sau ba đến bốn tháng, những người điều trị bằng châm cứu ít thấy các cơn đau đầu hơn so với những người không điều trị hoặc sử dụng thuốc tân dược hàng ngày. Những người điều trị châm cứu cũng gặp ít tác dụng phụ không mong muốn như tác dụng phụ của thuốc tân dược. Một bản tổng hợp khác trong năm 2009 cũng cho thấy châm cứu giúp cho những cơn đau đầu do căng thẳng ít xảy ra hơn và ít nghiêm trọng hơn.

Đối với chứng đau lưng mãn tính, một nghiên cứu của Đức năm 2007 với 1.162 người tham gia đã phát hiện thấy châm cứu có hiệu quả gấp gần hai lần so với các liệu pháp thông thường (sử dụng thuốc tân dược, trị liệu vật lý và tập thể dục). Một nghiên cứu khác của Mỹ năm 2009 cũng cho những kết quả tương tự.

Tuy nhiên, những bản tổng hợp gần đây nhất tập hợp các kết quả về chứng đau vùng thắt lưng mãn tính không vẽ ra một bức tranh nhiều triển vọng như trên: các nghiên cứu phát hiện thấy châm cứu có tác dụng hỗ trợ các phương pháp điều trị thông thường nhưng chưa có đủ bằng chứng chứng tỏ phương pháp này hiệu quả hơn các phương pháp khác.

Thêm vào đó, báo cáo năm 2009 về phương pháp châm cứu điều trị nhiều chứng đau nhức phát hiện thấy châm cứu có tác dụng giảm đau không lớn nhưng không ai biết chắc liệu hiệu quả của phương pháp điều trị này có phải do những tác động về tâm lý hay không.

Hãy thử nghiệm phương pháp châm cứu

Mặc dù chưa có những thông tin kết luận nhưng rất nhiều người vẫn chọn châm cứu để điều trị một số chứng đau nhức như đau răng, chứng đau bụng trong thời kỳ kinh nguyệt hay sưng khuỷu tay do chơi quần vợt.

Nếu bạn muốn thử nghiệm phương pháp châm cứu, hãy đến khám ở những phòng khám đa khoa có điều trị bằng châm cứu hay tới gặp một bác sĩ y học cổ truyền Trung Quốc.

“Bác sĩ đa khoa Tây y sẽ sử dụng loại thuốc tân dược và được Medicare kiểm soát. Bác sĩ y học cổ truyền Trung Quốc sẽ đề cao phương pháp chẩn đoán và điều trị theo y học cổ truyền Trung Quốc, bao gồm chẩn đoán qua quan sát lưỡi và bắt mạch”, Tiến sĩ Cohen cho biết.

Tiến sĩ Cohen cho biết thêm một buổi châm cứu thường kéo dài 15-30 phút và một đợt châm cứu ban đầu mỗi tuần một lần trong vòng 6 tuần là thời gian trung bình để điều trị một chứng bệnh đau mỏi mãn tính. Với những hiện tượng đau nhức cấp tính, bạn có thể điều trị ít thời gian hơn và thường cảm thấy tác dụng ngay sau khi châm cứu. Đối với bệnh mãn tính, bạn có thể cảm thấy dịu cơn đau ngay nhưng sau đó bạn có thể cảm thấy đau lại rồi dịu đi sau các buổi châm cứu trước khi chứng bệnh đỡ hẳn.

Tuy nhiên, cần phải chờ đợi một thời gian mới có thể biết châm cứu có hiệu quả hay không. “Hãy điều trị ít nhất 3 hoặc 4 lần cho đến 6 lần trước khi khẳng định rằng châm cứu không hiệu quả đối với bạn”, Cohen nói.

Châm cứu có an toàn không?

Tiến sĩ Cohen cho biết châm cứu hoàn toàn an toàn nếu do một bác sĩ có trình độ thực hiện. “Tất cả các loại thuốc đều có tác dụng phụ và chắc chắn các phương pháp điều trị giảm đau (như dùng steroid hay thuốc chống viêm) cũng có những tác dụng phụ nghiêm trọng. Các bác sĩ điều trị châm cứu cần sử dụng loại kim châm cứu dùng một lần để giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm bệnh.”

Tiến sĩ Cohen khuyên rằng khi đến điều trị bằng châm cứu, bệnh nhân nên hỏi trình độ của bác sĩ (thông thường, bác sĩ điều trị châm cứu phải tham gia một khóa đào tạo có cấp bằng trong 4 đến 5 năm), giấy đăng ký với hiệp hội châm cứu chuyên nghiệp cũng như kinh nghiệm của bác sĩ về tình trạng bệnh bạn đang mắc phải.
Nếu bạn quyết định áp dụng phương pháp châm cứu, trước tiên bạn cần phải điều trị bằng phương pháp y học thông thường để đảm bảo không bỏ sót những triệu chứng tiềm ẩn bên trong.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về điều trị giảm đau khuyến cáo cần thận trọng không nên quá phụ thuộc vào châm cứu hay bất cứ phương thức điều trị nào. Tiến sĩ Paul Wrigley, chuyên gia cao cấp tại Học viện Nghiên cứu Điều trị Giảm đau ở Sydney, khuyên rằng việc học những phương pháp tự điều trị giảm đau – như tăng dần nhịp độ hoặc giảm mức độ lo lắng có thể giúp giảm ảnh hưởng tiêu cực của những chứng bệnh gây đau nhức trong cuộc sống hàng ngày của bạn

Như vậy, mặc dù thuật châm cứu có thể hỗ trợ một số người điều trị giảm đau nhưng bạn nên chọn phương thức điều trị phù hợp nhất cho riêng mình.

Theo bayvut


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc