Home » Tiêu biểu sideshow, Văn hóa » Đà Lạt suýt thành thủ đô Đông Dương (*)
Từ khi mới khai sinh, Đà Lạt đã được người Pháp quy hoạch khá bài bản với dự định sẽ biến nơi đây thành thủ đô của Liên bang Đông Dương. Trong suốt chiều dài lịch sử, mặc dù phải trải qua nhiều biến động nhưng người Pháp luôn tỏ ra khá sốt sắng với việc quy hoạch thành phố này.

Toàn quyền Đông Dương khảo sát Đà Lạt

Năm 1893, sau một thời gian dài “nằm gai nếm mật”, bác sĩ Yersin đã khám phá ra Đà Lạt. Với độ cao 1.500m so với mặt nước biển, mặt bằng cao nguyên là những quả đồi thoai thoải mở rộng ra phía chân núi Langbiang, khí hậu ôn đới quanh năm mát mẻ. Đặc biệt, có thể đáp ứng được tất cả các yếu tố về nhu cầu nghĩ dưỡng. Nơi đây nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của người Pháp.

Tuy nhiên, khi mới “khai sinh”, khu vực Dankia (cách Đà Lạt 15km về phía Tây Bắc) là nơi người Pháp dự định quy hoạch để thiết lập một địa điểm nghỉ dưỡng chứ không phải Đà Lạt. Theo các tài liệu ghi lại, sau 4 năm phát hiện ra Đà Lạt, bác sĩ Yersin đã trình lên Toàn quyền P. Doumer toàn bộ quá trình tìm kiếm cùng những ưu điểm của vùng đất mới này mà không nơi nào ở Việt Nam có được.

Một góc Đà Lạt xưa.

Đồng thời, cũng trong thời gian này, P. Doumer đang có chủ trương xây dựng một khu nghỉ dưỡng cho các quan chức người Pháp. Do đó, kế hoạch đầu tư một nơi nghỉ mát ở Đông Dương trên cao nguyên Lâm Viên được đồng ý. Yersin đề nghị P. Doumer xây khu nghỉ dưỡng tại Dankia.

Từ năm 1989 đến 1900, hai phái đoàn đã được P. Doumer cử lên cao nguyên Lâm Viên khảo sát để tìm địa điểm cụ thể nhằm thiết lập nơi nghỉ mát. Nhiệm vụ trước hết của họ là tìm ra một con đường thuận lợi nhất để lên vùng đất mới được phát hiện này. Cả hai phái đoàn đều chọn điểm dừng cuối cùng là khu vực Dankia.

Trên thực tế, người Pháp đã đầu tư xây dựng một vài công trình tại Dankia vào năm 1898, trong đó có Sở Khí tượng và Thí điểm nông nghiệp.

Đầu năm 1900, bác sĩ Etienne Tardif đã soạn một phúc trình phân tích tỉ mỉ những ưu điểm của Đà Lạt so với Dankia. Bản phúc trình này được giao tận tay toàn quyền P. Doumer khiến P. Doumer rất phân vân. Bởi trước đó, Yersin đã đề nghị được thiết lập khu nghỉ dưỡng cho người Pháp tại Dankia.

Chính vì  vậy, vào khoảng tháng 3/1900, P. Doumer đã đích thân hành trình lên Đà Lạt. Từ việc so sánh những đặc điểm về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng và nhất là về phương diện y tế giữa Đà Lạt và Dakia, toàn quyền P. Doumer đã quyết định chọn Đà Lạt quy hoạch nơi nghỉ dưỡng.

Quy hoạch Đà Lạt thành thủ đô Đông Dương

Sau khi được toàn quyền P. Doumer phê duyệt, rất nhiều công trình trọng điểm tại Đà Lạt được khởi động, trong đó hệ thống giao thông được chú trọng hàng đầu. Cùng với việc lựa chọn và xây dựng con đường bộ ngắn nhất để có thể đi từ Sài Gòn lên Đà Lạt, trong thời gian này, tuyến đường sắt Gài Gòn – Đà Lạt được xúc tiến. P. Doumer chọn nhánh đường sắt Sài Gòn – Khánh Hòa để lên Đà Lạt theo hướng rẽ trái từ Phan Rang lên.

Năm 1901, khu nghỉ dưỡng của người Pháp ở Đông Dương mới được khởi động thì toàn quyền P. Doumer bị cách chức. P. Doumer đã đem theo về nước cả một chương trình xây dựng cho Đà Lạt.

Chương trình của P. Doumer phác thảo rất quy mô, bao gồm một hệ thống các dinh thự đồ sộ phục vụ cho việc nghỉ hè của giới quan chức cao cấp cùng các trường học, trại lính…Nhưng mọi hoạch động tại đây bị ngừng trệ dưới sự điều hành của những vị toàn quyền tiếp theo. Tuy vậy, hệ thống giao thông vẫn được triển khai mặc dù được đánh giá là rất chậm chạp do thiếu kinh phí và thiện chí quy hoạch.

Một góc Đà Lạt ngày nay.

Từ năm 1915, sau khi chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, người Pháp ở Việt Nam không có điều kiện để trở về quê nên đã ồ ạt đổ lên Đà Lạt. Trong thời gian này, một loạt những công trình lớn như: Hotel du Langbiang Palace, hồ Đà Lạt (nay là hồ Xuân Hương), nhà máy nước, nhà máy điện, trường Nazareth, nhà Ngân khố…được xây dựng để kịp thời phục vụ nhu cầu phát triển của Đà Lạt.

Trước sự  “thức giấc” nhanh chóng của vùng đất này, đòi hỏi cần phải có một quy hoạch tổng thể để định hướng phát triển cho Đà Lạt. Năm 1923, toàn quyền M. Long giao cho KTS Hé’brard thiết kế đồ án đô thị Đà Lạt.

Theo đồ án này, Đà Lạt sẽ được người Pháp xây dựng thành thủ đô của Liên bang Đông Dương với một hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại. Với ý tưởng là: Rừng trong thành phố và thành phố trong rừng. Do vậy, các yếu tố về bảo vệ môi trường đặc biệt được xem trọng. Quy mô dân số ước tính trên 300.000 dân.

Hệ thống giao thông được chia thành 6 loại trục đường. Trục đường chính và rộng nhất của thành phố là  tuyến Nhà ga – Cam Ly, lộ giới 20m. Hẹp nhất là hệ thống đường cấp 3 với lộ giới là 8m.

Do nhu cầu sử dụng đất xây dựng tăng mạnh sau khi người Pháp đổ lên Đà Lạt và những người Việt tìm đến đây định cư, để theo một quy trình thống nhất trong xây dựng, toàn quyền Đông Dương đã cho soạn thảo Luật xây dựng trong Đà Lạt. Bắt đầu từ năm 1923, Luật này chính thức được thực thi, áp dụng chặt chẽ với các quy định về sử dụng đường và quy định về xây cất công trình.

Bên cạnh đó, việc quy hoạch về đất đai cũng gấp rút được triển khai. Những khu đất dành cho người Pháp xây dựng biệt thự được phân lô, tập trung trên trường Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Quang Trung… ngày nay. Mỗi lô đất được cấp xây biệt thự cách nhau từ vài chục đến cả trăm mét. Đất đai của người Việt được quy hoạch ở phía hạ lưu hồ Đà Lạt.

Vùng Dankia ngày nay.

Do đồ án xây dựng Đà Lạt trở thành thủ đô của  Đông Dương nên quy mô thiết kế của  KTS Hé’brard là quá lớn do đó không thể thực hiện được. Năm 1933, KTS Pineau trình bày một quy hoạch mới cho Đà Lạt. Theo quy hoạch này, trước mắt Đà Lạt chưa thể là thủ đô của Đông Dương mà chỉ dừng lại ở một khu nghỉ mát.

(Còn tiếp)

(*) Bài viết có tham khảo Tập san Sử Địa số 23 và 24 năm 1971. Đà Lạt thành phố trên cao nguyên. NXB TP.HCM, năm 1993.

Khắc Lịch

Theo Bee.net

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc