Home » Khoa học » Bí ẩn về người tí hon trong lịch sử (Phần 3)

Như vậy, trong nhiều sách cổ Trung Quốc đều có ghi chép về người tí hon, đủ để chứng tỏ rằng người tí hon đã từng tồn tại trên Trái Đất.

>> Bí ẩn về người tí hon trong lịch sử (Phần 1)

>> Bí ẩn về người tí hon trong lịch sử (Phần 2)

1. Ghi chép trong “Sơn hải kinh” về người tí hon

“Sơn hải kinh – Đại hoang Đông Kinh” chép: “Có nước tí hon, tên gọi là Tĩnh Nhân”.

“Sơn hải kinh – Đại hoang Nam Kinh” chép: “Có nước của người tí hon, tên gọi là nước Tiêu Nghiêu”, và “Có người tí hon, tên gọi là người nấm”.

“Sơn hải kinh – hải ngoại Nam Kinh” chép: “Nước Chu Nhiêu ở phía Đông, thân người họ thấp và nhỏ, đeo thắt lưng”.

2. Ghi chép trong “Sưu Thần ký” về người tí hon

Trong bộ sách “Sưu Thần ký” tập 12 chép: “Vương Mãng Kiến Quốc tứ niên, trì dương hữu tiểu nhân cảnh, trường nhất xích dư, hoặc thừa xa, hoặc bộ hành, thao trì vạn vật, đại tiểu các tự tương xưng, tam nhật nãi chỉ”. (Tạm dịch: “Đời Vương Mãng năm Kiến Quốc thứ 4, ở Trì Dương có tộc người tí hon gọi là Cảnh. Họ cao hơn 30 cm. Họ đi xe hoặc đi bộ. Họ lên kế hoạch để xử lý mọi sự vật, phân chia công việc lớn nhỏ tương xứng từng người, chỉ làm 3 ngày là xong”). Trong đó còn chép rằng có một giống người tí hon gọi là “Khánh kỵ”: “Khánh kỵ có hình dáng như con người, họ cao khoảng 16 cm, mặc áo màu vàng, đội mũ màu vàng, dùng lọng che màu vàng, cưỡi ngựa nhỏ, bay nhanh như tên bắn”.

3. Ghi chép trong sách “Liệt Tử” về người tí hon

Trong bộ sách “Liệt Tử – Thang vấn đệ ngũ” chép “Từ Trung Châu hướng về phía Đông ở nơi xa xôi có nước Tiều Nghiêu. Người nước này cao khoảng 60 cm. Ở phía cực Đông Bắc có một giống người tên gọi là Tranh. Họ cao khoảng 35 cm”.

4. Ghi chép về người tí hon trong “Sử ký” Tư Mã Thiên và “Pháp uyển châu lâm”

“Sử ký – Đại Uyển liệt truyện – đệ lục thập tam” có nội dung khái quát về địa lý. Trong sách có nói: “Nước của người tí hon ở phía nam nước Tần, giống người này cao khoảng 3 xích (khoảng 1,2 m), khi họ cày cấy trồng trọt, sợ bị chim hạc ăn mất, nước Tần bảo vệ và hỗ trợ họ. Đó chính là nước Tiêu Nghiêu. Người nước này cũng sống trong hang động”.

“Pháp uyển châu lâm” từ xưa tới nay được xem như bộ bách khoa toàn thư của Phật giáo, có ghi lại rất nhiều kinh luận Phật giáo cũng như các câu chuyện và điển tích bên ngoài. “Pháp uyển châu lâm – tập 8″ có dẫn ra một bức tranh nước ngoài, và ghi: “Người nước Tiêu Nghiêu cao khoảng 60 cm, gió thổi trước mặt thì ngã ngửa, gió thổi sau lưng thì ngã sấp, mặt mũi đầy đủ cả, nhưng sống ở nơi hoang dã. Có một thuyết khác nói rằng, người Tiêu Nghiêu cao khoảng 3 xích (khoảng 1,2 m), ở nước này cỏ cây mùa hè héo tàn còn mùa đông thì sinh sôi, cách Cửu Châu khoảng 3 vạn lý”.

Ở đây nói người tí hon cao khoảng 1,2 m, nhưng lại nói là sợ bị chim hạc ăn mất, mâu thuẫn lẫn nhau. Vì người cao 1,2 m tuy là nhỏ nhưng chắc chắn không sợ bất kỳ loài chim nào ăn thịt cả. Các sách vở khác nói về người tí hon Tiêu Nghiêu đều ghi rằng họ chỉ cao khoảng chừng 3 tấc (khoảng 12 cm). Có lẽ các tác giả của các bộ sách nổi tiếng kia vì cảm thấy giống người chỉ cao vài cm như vậy là không thể nào tưởng tượng nổi, cho nên mới viết thành 3 xích.

5. Ghi chép trong “Sơn hải kinh tân thích – quyển nhất” về người tí hon

Trong sách chép: “Tề Hoàn Công đi săn, bắt được một con thiên nga, làm thịt nó, thấy trong diều của nó có một người, cao khoảng 13 cm, mặc áo dài bằng bạch ngọc”.

6. Ghi chép trong “Nam thôn xuyết canh lục” về người tí hon

“Nam thôn xuyết canh lục” là tác phẩm của Đào Tông Nghi dưới thời nhà Nguyên. Trong tập 14 của bộ sách này có nói: Lúc đó có một người mua xác khô của người tí hon, Đào Tông Nghi mượn xem một chút, thấy người tí hon này thân chỉ cao khoảng 24 cm, nhưng tất cả các nét đặc trưng đều là của con người chứ không có gì kỳ dị, ngay cả cơ quan tiểu tiện cũng có. Tương truyền người tí hon này là do mấy năm trước người ngoại quốc mang đến. Người tí hon sau khi chết, mới giải phẫu từ phía sau lưng, lấy hết nội tạng ra, sau đó lấp đầy bằng hương liệu, khâu lại, rồi sấy khô. Giống người tí hon mà nước ngoài cống nạp này, trong sách “Hán Vũ cố sự” đã từng nói qua: Trước kia ở quận Đông có người đem tặng một người lùn cao khoảng 30 cm, có tên là “Cự linh”.

7. Ghi chép trong sách”Tân Tề hài” về người tí hon

“Tân Tề hài” là tác phẩm của Viên Mai (1716 – 1798), còn có tên là “Tử bất ngữ”. Viên Mai là nhà thơ lớn đời nhà Thanh, Tiến sỹ dưới triều Càn Long, từng nhậm chức Tri huyện của Giang Ninh, Lật Thủy, có thành tích rất lớn.

Trong tập 9 bộ “Tân Tề hài” có ghi: “Năm Càn Long thứ 4, ở Sơn Tây, Bồ Châu sửa thành. Khi đào ở chỗ bãi sông thì được một cái quan tài, vuông và dẹt như một cái rương. Mở ra, bên trong có 9 ngăn, mỗi ngăn có 2 người, mỗi người cao khoảng hơn 30 cm, đủ cả già trẻ trai gái, trông như vẫn còn sống, không biết là quái vật gì”.

Như vậy, trong nhiều sách cổ Trung Quốc đều có ghi chép về người tí hon, đủ để chứng tỏ rằng người tí hon đã từng tồn tại trên Trái Đất.

Minh Trí

(theo ntdtv.com, tin 180.com)

Chuyên đề:

01 ý kiến dành cho “Bí ẩn về người tí hon trong lịch sử (Phần 3)”

  1. quan 23/12/2014

    tại sao tộc người tí hon hay đất nước người tí hon lại chủ yếu xuất hiện tại trung quốc mà không xuất hiện ở các nước châu á khác hoặc nhiều nước trên thế giới mà lại là trung quốc?

    Reply

Ý kiến bạn đọc