Home » Kinh doanh » Hướng tới trật tự tài chính thế giới mới

Hai năm sau khi khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ, Ủy ban Basel về kiểm soát ngân hàng đã đạt thỏa thuận nhằm khép các ngân hàng vào kỷ cương khắt khe hơn và tiêu chuẩn ngặt nghèo hơn. Sau những quyết định năm 1988 và năm 2007 (được gọi là Basel I và Basel II), thỏa thuận mới được gọi là Basel III và là kết quả của những bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng nói trên.

Thành viên của ủy ban này là đại diện ngân hàng trung ương và cơ quan kiểm soát tài chính của 27 quốc gia. Ủy ban có nhiệm vụ đưa ra tiêu chuẩn về kiểm soát ngân hàng và khuyến nghị cho các ngân hàng trung ương và các thiết chế liên quan.

Basel II tồn tại không được lâu vì nó không thể ngăn cản cuộc khủng hoảng mới rồi. Vì thế mới phải có Basel III. Nội dung mấu chốt của Basel III là quy định các ngân hàng phải tăng mức vốn dự trữ, đặc biệt là vốn của các cổ đông hoặc của chủ sở hữu. Có như vậy, ngân hàng mới có thể tự thoát khỏi khủng hoảng chứ không phải phụ thuộc vào nhà nước như vừa rồi và sẽ phải thận trọng hơn trong cấp phát tín dụng. Có thể thấy việc hạn chế rủi ro, phòng ngừa, ngăn chặn khủng hoảng tái phát và ràng buộc các ngân hàng vào trách nhiệm chính là mục tiêu trước hết của Basel III.

Chiều hướng tăng cường kiểm tra, kiểm soát và áp dụng các cơ chế tài phán đối với các loại cơ sở tín dụng đang đưa các cơ sở này vào kỷ cương và nền nếp mới, thuần chế chúng như thuần chế những con ngựa bất kham. Tăng cường kiểm soát hệ thống ngân hàng với những tiêu chuẩn cao hơn và điều kiện ngặt nghèo hơn đã trở thành trụ cột quan trọng nhất của trật tự tài chính thế giới mới đang dần định hình.

La Phù

Theo thanhnienonline

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc