Home » Thể thao, Tiêu biểu sideshow, Tiêu Điểm » Vì sao chúng ta bị “bắt bài”?

Xem lại trận U23 Australia và ĐT Việt Nam ở Cúp bóng đá 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, một chuyên gia bóng đá Việt Nam đã phải thốt lên: “Đối thủ đá cứ như thể đi guốc trong bụng chúng ta!”. Rõ ràng, cảm giác chúng ta bị “bắt bài” là rất rõ, nhưng vấn đề là có bí ẩn nào sau sự “bắt bài” này không?

U23 Australia liên tục dồn bóng vào điểm nách được tạo ra từ kẽ hở của trung vệ Phước Tứ và hậu vệ biên Đình Luật. Dễ thấy, nó cũng chính là “điểm chết” của ĐT Việt Nam trong gần trọn hiệp 1. Nhưng tại sao U23 Australia không cần thăm dò mà vẫn nhận ra đấy là “điểm chết”? Cũng như thế, tại sao U23 Australia biết rằng, chẳng cần phải tra tấn Việt Nam bằng bài đá biên, câu bóng bổng, mà cứ đấm vỗ mặt trung lộ là hệ thống phòng ngự của Việt Nam cũng đủ mệt mỏi rồi?

Trung vệ Phước Tứ trong pha không chiến với các cầu thủ U23 Australia – Anh: Đức Cường

Xin được trả lời ngay: Mọi thứ được bắt nguồn từ một chiếc camera được một người đàn ông gần 60 tuổi sử dụng ở tầng 5, khán đài A sân Mỹ Đình. Trận Việt Nam – U23 Kuwait, người đàn ông này chăm chú ngồi quay lại từng động thái nhỏ nhất của ĐT Việt Nam. Giờ nghỉ giữa hiệp, khi chúng tôi chủ động tiếp cận và hỏi thẳng: “Ông đã quay những gì?” thì tác giả của những đoạn video đã không ngại ngần bật màn hình máy tính của mình, nơi ghi lại từng di chuyển nhỏ nhất của các cầu thủ Việt Nam. Bên cạnh đó, còn là một bảng thống kê ghi rõ trong suốt 45 phút, mỗi cầu thủ Việt Nam chạm bóng bao nhiêu lần, và thường chạm bóng, xử lý bóng trong tư thế nào…

Với một thái độ thân thiện, khác hẳn với những điều thường thấy của một “gián điệp bóng đá”, nhân vật này không ngại ngần giới thiệu về mình: “Tôi là người Anh, hiện đang làm công tác tư liệu cho Liên đoàn bóng đá Australia. Công việc chính của tôi là ghi hình và phân tích chuyên môn của tất cả các trận đấu mà LĐBĐ Australia yêu cầu”. Vừa nói, ông vừa chỉ vào màn hình – nơi đang chiếu pha sút phạt 11m của Nguyễn Việt Thắng vào lưới U23 Kuwait. Và rồi ông khái quát vấn đề: “Từ những đoạn video như thế này, chúng tôi sẽ biết chắc điểm mạnh – điểm yếu của từng cầu thủ Việt Nam, và khi gặp Việt Nam, chúng tôi sẽ biết phải lên đấu pháp như thế nào cho hợp lý nhất”.

Trước khi chào tạm biệt chúng tôi để tiếp tục làm nhiệm vụ trong hiệp 2, người đàn ông này không quên nói với theo: “Bạn tin tôi đi, khi gặp Việt Nam, chúng tôi sẽ nhập trận mà không cần có bất cứ sự thăm dò nào!”.

Ở đây, rõ ràng là những đoạn video mổ xẻ ĐT Việt Nam đã được U23 Australia làm rất tốt. Và chính từ những đoạn video như vậy mà khi xem trận Việt Nam – U23 Australia, ai cũng nói, đối thủ hiểu về chúng ta hơn là chúng ta hiểu về họ.

Đây chỉ là một câu chuyện chứng minh cho sự cần thiết của công tác tư liệu được thực hiện bởi những nhà “tình báo bóng đá”. Thật ra, Việt Nam trước đây cũng đã có những nhà “tình báo bóng đá” như vậy, mà đáng nhớ nhất chính là ông GĐKT Rainer Willfeld người Đức. Tiger Cup 2000, rồi 2002, ông Rainer đã từng ngồi trên khán đài các SVĐ, cầm camera để quay lại từng thước phim về các đối thủ của ĐT Việt Nam. Và nhờ thế, HLV trưởng ĐT Việt Nam đã có thêm một công cụ để mổ xẻ đối thủ một cách hiệu quả hơn; từ đó, chọn lựa cho mình cách chơi bóng hợp lý hơn.

Tuy nhiên, từ khi ông Rainer thôi chức GĐKT của LĐBĐ Việt Nam, thì lâu nay, công tác “tư liệu bóng đá” dường như đã không được quan tâm đúng mức. Xem cách ĐT Việt Nam chơi bóng khổ sở trước U23 Australia vì đã bị đối phương “bắt bài” nhờ những “đoạn video tình báo”, một lần nữa, mới thấy lại sự cần thiết của những công việc mà có lẽ không ít người nghĩ rằng, chỉ là việc… hình thức

Nguồn: Phan Đăng – BaoBongDa.com.vn, tin thethao.com.vn


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc