Home » Sức khỏe » Các bệnh viện đau đầu với bệnh nguyên đa kháng mới
Hiện tượng bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh “vô tội vạ” cho người bệnh, người dân tự do sử dụng thuốc kháng sinh và nhà thuốc vô tư bán cho người mua không còn xa lạ tại VN. Đây là tác nhân chính gây vi khuẩn kháng kháng sinh đang báo động tại VN.

Tại BV Chợ Rẫy (TPHCM), từ năm 1999 đã phát hiện các chủng E.Coli gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu kháng Ampicilin lên tới 72,7%…

Người bệnh cần được tư vấn trước khi mua thuốc KS để sử dụng (ảnh minh họa).

Người bệnh cần được tư vấn trước khi mua thuốc KS để sử dụng (ảnh minh họa).

Phát hiện nhiều vi khuẩn đang kháng với tất cả KS!

Thông tin cảnh báo trên đã được các tiến sĩ, bác sĩ (BS) đến từ Úc, Anh và VN đưa ra tại hội nghị khoa học: “Đề kháng KS” diễn ra vào ngày 22.10 tại TPHCM. Theo Vụ Điều trị (Bộ Y tế), hầu hết các thuốc KS hiện nay đã bị kháng từ thấp đến cao (30%- trên 80%). Sự kháng KS của phế cầu S.pneumoniae ngày càng tăng, mức đề kháng với erythromycin và trimoxazol là trên 70% năm 2004, với chloramphenicol tỉ lệ đề kháng tăng 9,4% (năm 2002) lên tới 35,6% (năm 2004). Đối với vi khuẩn E.coli (thường gây bệnh tiêu chảy, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết), tỉ lệ kháng thuốc ở ampicillin là 88%, amoxycillin là 38,9%, chloramphenicol, trimoxazol là trên 50%; gentamycin, ciprofloxacin trên 40%; cefotaxim trên 20%… Đối với vi khuẩn Klebsiella, ampicillin hầu như không còn tác dụng, tỉ lệ kháng thuốc lên tới 97% và với amoxycillin là 42%. Các KS này hiện đang được dùng phổ biến và rất dễ mua trên thị trường.

Đáng lo ngại nhất chính là nhiều người lao động nghèo – đặc biệt là lao động nữ trong các khu công nghiệp, chế xuất – khi có bệnh đã dùng KS bừa bãi, không cần kê đơn, không đủ liều…, tạo điều kiện cho vi khuẩn xuất hiện nhiều chủng kháng lại KS thông thường.

ThS-BS Nguyễn Phú Hương Lan- BV Bệnh nhiệt đới, đơn vị nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford – cho rằng, hiện nay viêm phổi ở bệnh nhân thở máy là tác nhân tử vong hàng đầu tại các phòng hồi sức tích cực. Số liệu dịch rửa khí quản tại BV trong ba năm gần đây cho thấy tác nhân thường gặp là Acinetobacter sp., Pseudomonas sp., saphylococcus aureus và Klebsiella sp. Trong đó, Acinetobacter sp. phân lập được có tỉ lệ đề kháng KS rất cao ngay cả với họ Carbapenem (70%) và hiện chỉ còn nhạy với một KS duy nhất là Colistin. Pseudomonas sp. có tỉ lệ đề kháng với Ceftazidim, Ticarcillin, levofloxacin cao trên 30%. BS Hương Lan khuyến cáo: : “Chúng ta đang sống trong thế giới vi khuẩn kháng thuốc với tốc độ nhanh hơn nhiều lần so với tốc độ tìm ra các KS mới”.

KS kháng thuốc: Bệnh nặng, tăng tử vong và chi phí điều trị

Tại TPHCM, các hiệu thuốc dọc trên tuyến đường Hai Bà Trưng, Lê Văn Sĩ, quận 3, đường 3 Tháng 2 (quận 10), Lý Thường Kiệt (quận 11)…, chỉ cần nhức đầu, sổ mũi, sốt là có thể đến hiệu thuốc mua được đủ loại thuốc KS. Các BS khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, khoa Bệnh nhiệt đới tại BV Chợ Rẫy, BV Bệnh nhiệt đới cho rằng, người dân sử dụng KS vô tội vạ ngay cả khi bệnh không cần điều trị và đó chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng kháng thuốc KS trầm trọng tại VN. Cụ thể, có tới 60% bệnh nhân chữa S.pneumoniae (viêm phổi) đa kháng thuốc, 45% kháng 3 loại KS, 14% kháng 4 loại KS.

Tình trạng kháng thuốc KS còn khiến 70% nhiễm trùng sơ sinh không được điều trị bằng KS, 67% tử vong do vi khuẩn kháng thuốc, trong khi chỉ có 26% đáp ứng với thuốc… Việc nhiễm khuẩn kháng thuốc khiến cho bệnh không chữa được, bệnh nặng thêm, tăng tỉ lệ tử vong, tăng chi phí.

Trong khi đó, đến thời điểm này, VN vẫn chưa có các quy định cụ thể về giám sát sử dụng thuốc KS. Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, hằng năm, ngành y tế vẫn có nghiên cứu về tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh thường gặp; tuy nhiên trên thực tế, những thông tin này chưa đến được với số đông người sử dụng thuốc. Chính vì “lờ mờ” về tác hại khôn lường khi lạm dụng thuốc KS, nên nhiều người hễ bị bệnh là dùng KS và việc mua bán KS đang diễn ra quá dễ dàng. Khuynh hướng tự mua thuốc, tự chữa bệnh ngày càng phổ biến.

Tiếp tay mạnh nhất đối với việc kháng thuốc KS chính là nhân viên y tế. Khi chưa xác định được loại vi khuẩn nào và nên dùng loại KS nào thích hợp, nhưng theo yêu cầu của bệnh nhân, một số thầy thuốc đã dễ dàng chỉ định sử dụng KS. Biết là chưa thật xác đáng, nhưng một số thầy thuốc vẫn kê đơn KS.

Ở VN, Bộ Y tế cũng đã có những quy định cụ thể về sử dụng KS và cấm lạm dụng KS; tuy nhiên, trên thực tế do chưa đưa ra được chế tài cụ thể nên các quy định trên đều không khả thi.

TS-BS John Ferguson- Giám đốc khối truyền nhiễm, vi sinh và nhiễm soát nhiễm khuẩn khu vực Huter Health, Úc – đề cập đến việc kiểm soát sử dụng KS trong BV đã cho rằng, cần phải tập huấn cho các BS kê đơn, dược sĩ và y tế về thực hành tốt kê đơn KS và điều trị KS; sử dụng các can thiệp chăm sóc điểm, bao gồm liệu pháp xuống thang, tối ưu hóa liều hoặc chuyển đổi đường truyền uống; sử dụng công nghệ thông tin như kê toa điện tử, với sự hỗ trợ quyết định lâm sàng hoặc các hệ thống phê duyệt trực tuyến. Hằng năm, VN cần xuất bản thông tin về dự liệu nhạy cảm KS của BV.

Theo LĐ

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc