Home » Xã hội » Thuế môi trường: Không nên chỉ nhắm vào người tiêu dùng
Ngày 21-10, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường. Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, nên bổ sung thuốc lá vào đối tượng chịu thuế.
Thuế bảo vệ môi trường phải biết điều tiết cả người sản xuất

Thuế bảo vệ môi trường phải biết điều tiết cả người sản xuất

Túi nilon chịu thuế 60.000đ/kg?

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, việc đánh thuế bảo vệ môi trường (BVMT) nhằm điều tiết hành vi tiêu dùng, theo hướng hạn chế sử dụng những sản phẩm gây ô nhiễm, song không gây ảnh hưởng lớn tới giá cả, hàng hóa. Góp ý vào dự thảo, các ĐBQH cho rằng, thuế bảo vệ môi trường phải điều tiết cả người sản xuất, chứ không nên chỉ nhắm đến người tiêu dùng.

“Nếu không có sản xuất thì làm gì có mà tiêu dùng? Bởi vậy, dự thảo chỉ định hướng hành vi người tiêu dùng là chưa đầy đủ” – đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) đặt vấn đề. ĐB Nguyễn Minh Thuyết đồng tình: “Cần tính thuế với tất cả các hàng hóa sản xuất ra, chứ không thể tính hàng bán ra. Vì có những loại ế hàng, tồn kho vẫn có hại, như túi nilon, thuốc trừ sâu chẳng hạn”. Ông cũng đề nghị nên tính thuế theo mức tương đối chứ không tính thuế tuyệt đối, vì trượt giá cao.

Đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An) góp ý, nên đưa thuốc lá vào đối tượng chịu thuế BVMT, bởi các quy định về cấm, hạn chế hút thuốc lá vẫn chưa được thực hiện nghiêm, do chưa có chế tài xử lý mạnh tay. Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) đồng tình và nhấn mạnh, việc hút thuốc lá không chỉ gây hại cho người sử dụng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của những người xung quanh cũng như môi trường chung.

Đối với các mặt hàng cụ thể, ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) cho rằng, cần áp thuế cao hơn nữa đối với túi nhựa xốp (nilon), lên tới mức 40.000-60.000 đồng/kg. Về loại rác khó tiêu này, ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) lại cho rằng, túi nhựa xốp đã có giải pháp tái chế. Ông cho rằng, nên khuyến khích tái chế túi nhựa xốp vì những nước phát triển cũng chưa loại bỏ được mặt hàng này ngay cả khi đánh thuế cao.

Cuối phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên kết luận, việc xác định đối tượng chịu thuế cần cân nhắc toàn diện và quy định đối tượng chịu thuế phải bảo đảm phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam, với khả năng tài chính của người nộp thuế, bảo đảm thu hút đầu tư và sức cạnh tranh của hàng hóa Việt.

Chưa đủ tính minh bạch

Chiều 21-10, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Đa số các ý kiến đều thống nhất, việc sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm là cần thiết để phù hợp với thông lệ quốc tế và các văn bản pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, các ĐBQH cũng chỉ ra nhiều hạn chế của dự án luật này.

Ghi nhận Luật Kinh doanh bảo hiểm “sống” khá lâu (hơn 10 năm), ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng, các điểm sửa đổi lần này đều đúng và trúng. Song, theo ông Nguyễn Đình Quyền, nhược điểm lớn nhất của dự án luật là chưa đảm bảo tính minh bạch. “Một loạt vấn đề cần quy định cụ thể trong luật lại rất tù mù. Đặc biệt, những quy định có tính chất can thiệp của Nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm chưa được quy định cứng trong luật. Điều này dễ gây ra sự bất bình đẳng…”.

ĐB Vũ Hồng Anh (Hà Nội) cũng đánh giá là dự thảo còn chung chung, chưa đáp ứng được yêu cầu. “Công ty bảo hiểm thường đưa cho khách hàng một đống văn bản, hợp đồng với vô vàn điều khoản như mớ bòng bong và bảo người mua bảo hiểm ký. Thế nên, khi xảy ra tranh chấp, bao giờ khách hàng cũng bị hớ. Những quy định cần có để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người mua bảo hiểm trong trường hợp như trên chưa có trong dự thảo…” – ông Nguyễn Hồng Anh nói. Tương tự, “chê” các quy định trong dự thảo về thanh tra chuyên ngành Bảo hiểm còn “tối nghĩa, sơ sài” – ĐB Đặng Văn Khanh yêu cầu, phải bổ sung, sửa đổi cho rõ ràng hơn.

Liên quan tới việc cho phép tổng công ty, tập đoàn kinh tế Nhà nước kinh doanh bảo hiểm, một số ý kiến cho rằng, cần hết sức thận trọng. ĐB Nguyễn Đình Quyền phân tích: “Quy định tập đoàn, tổng công ty cứ đủ điều kiện là cấp phép kinh doanh bảo hiểm có vấn đề. Như thế là không lành mạnh. Sự cố ở Vinashin là bài học đắt giá trong việc cho phép tập đoàn, tổng công ty hoạt động đa ngành nghề, nhất là có liên quan tới những lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, bảo hiểm, tài chính… Đa ngành, đa lĩnh vực nhưng không có nghĩa Bộ Công Thương sẽ quản lý sinh đẻ có kế hoạch, đó phải là việc của Bộ Y tế!”.

Chính Trung

Theo anninhthudo

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc